Biển Đông căng thẳng, Bắc Kinh liên tiếp "thay tướng" 2 Hạm đội

Hải Võ |

Thông tin Hải quân Mỹ chuẩn bị đưa chiến hạm vào khu vực 12 hải lý của các đảo, đá bị Trung Quốc chiếm trái phép trên biển Đông đã khiến căng thẳng Mỹ-Trung "nóng" trở lại.

Những thông tin từ phía Mỹ do tờ Navy Times của nước này đăng tải hôm 7/10. Bộ ngoại giao Trung Quốc ngay sau đó đã phản ứng gay gắt dù chính quyền Washington chưa đưa ra thông báo chính thức nào.

Trang Đa Chiều (Mỹ) ngày 11/10 đưa tin, trong giai đoạn mà những mâu thuẫn giữa Mỹ-Trung Quốc ngày càng công khai và có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào, 2 hạm đội lớn của Trung Quốc là Hạm đội Nam Hải và Hạm đội Đông Hải đã có điều chỉnh lớn về nhân sự.

Tại khu vực biển Đông, Trung Quốc thể hiện rõ nhất sự hiện diện quân sự của mình thông qua Hạm đội Nam Hải.

Theo trang Sohu (Trung Quốc), sáng 30/9, Hạm đội này đã tổ chức đại hội truyền đạt tinh thần của Hội nghị công tác Hải quân cấp cơ sở, trong đó Thiếu tướng Lý Ngọc Kiệt lần đầu tiên xuất hiện trong vai trò Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải.

Ngoài sự thay đổi về Tham mưu trưởng, Hạm đội Nam Hải cũng có tân Chủ nhiệm Cục trang bị là Đại tá Cúc Tân Xuân. Ông Cúc từng là thuyền trưởng tàu khu trục Cáp Nhĩ Tân thuộc Hải quân Trung Quốc.


Tướng Lý Ngọc Kiệt (thứ 2 từ trái) là tân Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc.

Tướng Lý Ngọc Kiệt (thứ 2 từ trái) là tân Tham mưu trưởng Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc.

Lý Ngọc Kiệt là sự thay thế cho Thiếu tướng Quách Ngọc Quân, người giữ chức Tham mưu trưởng Hạm đội này trước đó.

Tướng Quách được "thăng" làm Tham mưu trưởng thay Thiếu tướng Trương Văn Đán hồi tháng 3/2015, khi ông Trương chuyển sang làm Phó tư lệnh Hạm đội.

Theo Đa Chiều, việc Quách Ngọc Quân "ra đi" chỉ sau 6 tháng chỉ huy Hạm đội Nam Hải cho thấy sự bất ổn trong nội bộ các lãnh đạo của lực lượng này, thậm chí việc "thay tướng" là biểu hiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không hài lòng với Hạm đội.

Trong khi đó, Hạm đội Đông Hải của Hải quân Trung Quốc cũng có sự điều chỉnh khi Chủ nhiệm Cục chính trị, Thiếu tướng Trần Hiển Quốc, được điều chuyển làm Phó chính ủy Hạm đội.

Đa Chiều cho hay, những điều chỉnh ở 2 Hạm đội lớn diễn ra ngay sau chuyến công du Mỹ cấp nhà nước hồi cuối tháng 9 của ông Tập Cận Bình cho thấy nhiều yếu tố phức tạp trong quan hệ Mỹ-Trung.

Truyền thông Trung Quốc "tung hô" chuyến đi của ông Tập bằng những mỹ từ như "mở ra quan hệ nước lớn kiểu mới", "biến đổi mới trong ngoại giao của Trung Quốc",...

Tuy nhiên, Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Scott H. Swift sau đó vẫn không ngần ngại cảnh cáo Bắc Kinh không được đe dọa ổn định khu vực biển Đông.

Tướng Swift nhấn mạnh Washington sẽ nỗ lực bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở châu Á-Thái Bình Dương. Tuyên bố này phần nào chứng minh ông Tập và Tổng thống Mỹ Barack Obama không đạt được thỏa thuận nào về biển Đông như Bắc Kinh kỳ vọng.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Nghê Lạc Hùng mới đây nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) rằng Hải quân Trung Quốc sẽ chỉ cảnh báo bằng loa và không có xung đột nếu tàu chiến nước ngoài "di chuyển trong phạm vi cho phép".

Dù vậy, ông Nghê tuyên bố quân đội nước này đủ khả năng "đánh đuổi bất kỳ kẻ xâm nhập nào".

Chuyên gia hải quân Lý Kiệt đánh giá, nếu bị chiến hạm Mỹ "phớt lờ", Trung Quốc sẽ điều tàu chiến để ngăn chặn.

Đa Chiều bình luận, quan hệ Mỹ-Trung đã bị "bào mòn" nghiêm trọng, khiến song phương trở nên nghi kỵ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực.

Học giả David M. Lampton thuộc Đại học Johns Hopkins, Mỹ cũng có cái nhìn bi quan đối với tương lai quan hệ Mỹ-Trung.

Theo ông Lampton, quân đội và chính giới Mỹ đa phần cho rằng Trung Quốc có những yêu sách quá đáng và chèn ép đối phương, khiến những lời kêu gọi "trừng phạt Trung Quốc" gia tăng không ít.

Trong bối cảnh đó, việc Bắc Kinh "thay tướng" ở 2 Hạm đội lớn của mình cũng là động thái là rất đáng chú ý, ông Lampton phân tích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại