Dẫn các nguồn tin tình báo, quân sự tại khu vực, Debka nhìn nhận: Đã xuất hiện bước thay đổi về quân sự và chính trị theo hướng bất lợi cho Israel, khi Jordan chỉ “sau một đêm” đã đồng ý cùng Nga thành lập một trung tâm điều hành tác chiến phục vụ các chiến dịch quân sự ở Syria.
Đây được xem là bước chuyển đổi đột ngột trong chính sách của Amman.
Từ trước tới giờ, Jordan được cho là bên không ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, rõ nhất là việc Quốc vương Abdullah đã đồng ý để liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu lập Sở chỉ huy tiền tiêu ở phía bắc Amman, đặt dưới quyền quản lý của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), coi đây là một cách đứng về phía Mỹ, Saudi Arabia và Israel.
Thế nhưng chỉ trong tuần này thôi, Jordan đã lại bước lên một “chuyến bay” mới.
Các nguồn tin quân sự, tình báo cho biết, quyết định của Quốc vương Abdullah về đồng hành cùng Moskva đã tạo ra một cuộc chơi mới về hoạch định chính sách, chia sẻ thông tin tình báo trên chiến trường Syria.
Người đứng đầu chính quyền Jordan không muốn đóng cửa trung tâm điều hành với Mỹ và Israel, nhưng các nỗ lực tình báo-quân sự của Amman giờ đây sẽ hướng về trung tâm mới của Nga và đó là “cơn động đất” ở khu vực.
Jordan đang cố gắng tìm cách giảm nhẹ tầm quan trọng của quan hệ đối tác mới với Nga, khi nói rằng liên kết này là để thúc đẩy điều phối hoạt động quân sự của Mỹ và Nga ở Syria, cũng như trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Theo Debka, đây chỉ là cách nói ngụy biện, bởi tiềm lực quân sự-tình báo hiện nay của Jordan còn xa mới đạt tới ngưỡng để trở thành nhà điều phối giữa 2 siêu cường.
Việc này, nếu xảy ra, thì Nga và Mỹ trước đó phải đạt được đồng thuận ở mức cao nhất.
Thế nhưng trong thực tế, chính Tổng thống Barack Obama bị bất ngờ và đã phải trực tiếp dò ý Moskva trong cuộc điện đàm mới nhất với đồng cấp người Nga Vladimir Putin hôm 13/11 – tờ Debka dẫn các nguồn tin ở Washington và Moskva đưa tin.
Ông Obama ngay sau đó đã có cuộc gặp chớp nhoáng với Quốc vương Abdullah ở căn cứ không quân Andrews, bang Maryland và yêu cầu Amman đưa ra lời giải thích.
Đối với quân nổi dậy hiện kiểm soát các khu vực rộng lớn ở miền Nam Syria, trong đó có vùng biên giới giáp Israel, đây quả thực là tin buồn.
Từ trước đến nay, Jordan vẫn là đầu mối cung cấp năng lượng, vũ khí, tài chính của Mỹ, Saudi Arabia và UAE cho quân nổi dậy.
Mỹ thậm chí còn lập các trại ở Jordan để huấn luyện cho lực lượng này. Cửa ngõ này giờ nhiều khả năng sẽ bị đóng chặt, hoặc thắt lại ở mức tối đa.
Amman có giải thích bước chuyển hướng này nhằm hướng đến việc buộc quân nổi dậy Syria ở miền Nam chấp thuận lệnh ngừng bắn và tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình cùng với Mỹ-Nga để bàn về tương lai Syria.
Thế nhưng nhiều thế lực nghi ngờ đây chỉ là lối nói ngoại giao mà thôi.
Nếu thành sự thực, nó đồng nghĩa với việc quân nổi dậy đầu hàng Damascus, tạo điều để Moskva đạt được các mục tiêu chính yếu ở Syria, đến từ việc chính quyền Assad kiểm soát toàn bộ khu vực miền Nam.
Động thái mới của Moskva cũng khiến Israel đứng ngồi không yên.
Trước khi Nga can dự tại Syria, Thủ tướng Binyamin Netanyahu và Tổng thống Putin được cho là đã đạt được thỏa thuận ngầm về vấn đề Syria; quy định giới hạn hành động của cả Tel Aviv và Moskva ở miền Nam - khu vực được Israel xem là “vùng đệm” đối với an ninh của nước này ở hướng Bắc.
Ông Netanyahu đặc biệt lo ngại hoạt động của cánh vũ trang Hezbollah, một khi nhóm này được Damascus bật đèn xanh cho tự do di chuyển lực lượng, vũ khí ở miền Nam, thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào Israel.
Với việc đạt được thỏa thuận với Jordan, Nga đã tạo được ưu thế trước Israel, nhất là khi hai bên còn có nhiều bất đồng tế nhị.