Barack Obama sẽ trở thành... phó Tổng thống Mỹ?

Đức Huy |

Theo phân tích của nhà báo Brian Beutler trên tạp chí New Republic (Mỹ), khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.

Sau tuyên bố chính thức tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kì 2016-2020 của bà Hillary Clinton, giới phân tích chính trị nước này đã đưa ra nhiều phán đoán và giả thuyết xoay quanh những chiến lược mà bà sẽ áp dụng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Trong đó, khả năng đương kim Tổng thống Barack Obama sẽ sát cánh cùng bà Clinton trong chiến dịch tranh cử và trở thành phó Tổng thống cũng đã được tính đến. Và theo nhà báo Beutler, viễn cảnh này không "viển vông" như nhiều người nghĩ.

Phó Tổng thống Obama - "cỗ máy hút phiếu"

Thứ nhất, theo phân tích của ông Beutler, bà Clinton năm nay đã 69 tuổi. Tuy là một chính trị gia được đánh giá cao trên toàn nước Mỹ, danh tiếng của cựu Ngoại trưởng Mỹ lại không thực sự được đông đảo nhóm người trẻ tuổi biết đến.

Liệu bà Clinton có bắt tay cùng ông Obama trong cuộc bầu cử sắp tới? Ảnh: AP

Liệu bà Clinton có "bắt tay" cùng ông Obama trong cuộc bầu cử sắp tới? Ảnh: AP

Trong khi đó, ở tuổi 53, ông Obama nhìn chung nhận được sự ủng hộ của giới trẻ Mỹ. Trong cuộc bầu cử năm 2008, lượng phiếu áp đảo nhận được từ cử tri nhóm tuổi 18-35 đã góp phần không nhỏ đưa ông trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.

Ngoài nhóm cử tri trẻ tuổi, có được ông Obama làm đồng minh cũng sẽ giúp bà Clinton giành được lợi thế nhất định tại các bang nhiều khả năng sẽ có tranh chấp khốc liệt như Ohio hay Florida, nơi có nhiều cử tri da màu ủng hộ đương kim Tổng thống Mỹ.

Tóm lại, với những lợi thế mà bà Clinton đang có (sự ủng hộ của cử tri nữ và doanh nhân da trắng), nếu cộng thêm những lá phiếu từ giới trẻ và cử tri da màu do ông Obama mang lại, ứng viên đảng Cộng hòa gần như sẽ không có cơ hội trong cuộc bầu cử Tổng thống năm tới.

BTV chính trị - tạp chí new republic
Brian Buetler
Nếu bà Clinton có thể hút được lượng phiếu từ những người ủng hộ ông Obama, bà sẽ trở thành Tổng thống.

Trên giấy tờ, "cặp bài trùng" Clinton-Obama sẽ là sự đảm bảo chiến thắng cho đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, nhưng liệu sự kết hợp này có thể xảy ra?

Rào cản hiến pháp?

Theo hiến pháp Mỹ, phó Tổng thống sẽ là người đầu tiên trong danh sách thay thế trong trường hợp Tổng thống đương nhiệm bất khả kháng không thể tiếp tục lãnh đạo nước này.

Ông Obama đã có hai nhiệm kì đứng đầu Nhà Trắng, và hiến pháp Mỹ quy định mỗi cá nhân chỉ được phép giữ chức Tổng thống trong tối đa hai nhiệm kì.

Giả sử bà Clinton không thể hoàn thành nhiệm vụ, việc đưa "phó Tổng thống" Obama lên thay thế sẽ gây nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, nhà báo Beutler đã tinh ý chỉ ra một lỗ hổng trong Điều 22 của hiến pháp Mỹ, trong đó ghi một công dân Mỹ không được phép "ứng cử" (elected) nhiệm kì Tổng thống thứ ba, nhưng không hề nói rõ việc cấm người đó "trở thành" Tổng thống.

Điều 22, Hiến pháp Mỹ quy định một công dân không được phép ứng cử quá hai nhiệm kì Tổng thống.

Điều 22 Hiến pháp Mỹ quy định một công dân không được phép ứng cử quá hai nhiệm kì Tổng thống.

Thêm vào đó, nếu xét về mặt ngôn ngữ, Điều 22 của hiến pháp Mỹ cũng không cấm một cựu Tổng thống đã "trị vì" được hai nhiệm kì không được phép thay thế một Tổng thống đương nhiệm không thể hoàn thành phần còn lại của nhiệm kì.

Nói cách khác, cách dùng từ của những vị "cha đẻ" soạn thảo hiến pháp Mỹ nhiều khả năng đã mở đường cho "cặp bài trùng" Clinton-Obama bắt tay nhau trong cuộc chạy đua đến Nhà Trắng vào tháng 11 năm tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại