KCNA hôm 13/4 thông báo, đoàn đại biểu quân đội nhân dân Triều Tiên do Bộ trưởng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tướng Lục quân Quân đội nhân dân Triều Tiên Hyon Yong-chol dẫn đầu đã rời Bình Nhưỡng tới Moscow tham dự "Hội thảo an ninh quốc tế".
Trước đó hồi năm 2014, theo truyền hình trung ương của Triều Tiên, tướng Hyon Yong-chol đã tới Nga hôm 8/11, khi ông tham dự dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Dmitry Timofeyevich Yazov.
Truyền thông Triều Tiên đã không giấu giếm chuyện này và coi đó là động thái củng cố quan hệ quân sự giữa hai nước.
Chuyến đi Nga của ông Kim Jong-un "chưa chắc chân"?
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) nhận xét, mặc dù thông báo của KCNA không hề nhắc tới lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, song nhiều nhà phân tích nhận định, chuyến đi của tướng Hyon nhiều khả năng nhằm mục đích "dò đường" cho chuyến công du quốc tế đầu tiên của ông Kim.
Tướng Triều Tiên Hyon Yong-chol.
Hồi đầu năm, chính phủ Nga từng tuyên bố, sau khi nhận được lời mời của Moscow, Bình Nhưỡng "đã xác nhận" lãnh đạo tối cao Kim Jong-un sẽ hiện diện tại Moscow vào tháng 5 để tham dự hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày kết thúc Thế chiến II.
Tuy nhiên, chính phủ Triều Tiên vẫn chưa hề lên tiếng khẳng định độ chính xác của thông tin trên. Điều này khiến quốc tế vẫn “thấp thỏm” về khả năng “show diễn ngoại giao” đầu tiên của ông Kim trở thành hiện thực.
Bên cạnh đó, việc liệu Kim Jong-un có tiến hành hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hay không vẫn còn là ẩn số.
Hoàn Cầu bình luận, tác phong “bí hiểm” quen thuộc của nhà lãnh đạo Triều Tiên càng khiến truyền thông quốc tế tò mò hơn về sự kiện tháng 5 tới tại Moscow, và việc Bình Nhưỡng chưa lên tiếng xác nhận thông tin này cũng là cách xử lý tình huống thường thấy của họ.
Trên thực tế, nhiều chuyến công du nước ngoài trước đây của cố lãnh đạo Kim Jong-il đều được tiến hành một cách bí mật, không công khai thời gian, hành trình… và thông tin về chuyến đi chỉ được công bố sau khi ông Kim đã trở lại Bình Nhưỡng.
Giáo sư Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Trường đảng Trung ương Trung Quốc Trương Liễn Khôi đánh giá, mặc dù Triều Tiên chưa tuyên bố chính thức, nhưng “nhiều dấu hiệu” đã cho thấy ông Kim Jong-un đang chuẩn bị tới Nga.
Tháng 11/2014, “quyền lực số 2” Triều Tiên khi đó là Ủy viên thường vụ Bộ chính trị đảng Lao động Triều Tiên, Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị đảng Lao động Triều Tiên Choe Ryong-hae đã có chuyến thăm Nga trong 8 ngày.
Ông Choe được cho là đã có cuộc hội đàm “kín” với Tổng thống Nga Vladimir Putin và chuyển tải thông điệp từ lãnh đạo Kim tới ông Putin.
Gần đây, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su-yong được cho là đã “ghé qua” nước Nga trong hành trình công du của mình, và chuyến công du của ông Hyon Yong-chol là bước đi mới nhất “đặt nền móng” cho sự xuất hiện của ông Kim Jong-un.
Kim Jong-un sẽ không “về nước tay không ”?
Học giả Trương Liễn Khôi nhận định, bên cạnh vấn đề an ninh, nguyên nhân quan trọng hơn khiến Bình Nhưỡng chưa xác nhận thông tin ông Kim sang Nga chính là để “dền dứ”, hy vọng Nga sẽ hỗ trợ quân sự và kinh tế, giúp ông Kim thắng lợi “mang về đơn hàng lớn” từ Moscow.
Hoàn Cầu cho hay, xuất phát từ nguyên nhân lịch sử, Triều Tiên và Liên Xô cũ từng có mối quan hệ kinh tế, quân sự mật thiết.
Trải qua một giai đoạn thoái trào thì nay, nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin đang dần khôi phục các mối quan hệ hợp tác cũ, trong đó Bình Nhưỡng đặc biệt quan tâm tới sự hỗ trợ về quân sự từ Moscow.
Bình Nhưỡng đặt kỳ vọng rất cao vào mối quan hệ hợp tác Nga - Triều. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga bị phương Tây áp đặt trừng phạt và tình hình kinh tế có nhiều hạn chế, không nhiều khả năng nước này có thể "vung tiền" chi viện cho Bình Nhưỡng.
Theo Trương Liễn Khôi, nếu Nga không thể hứa hẹn một sự hỗ trợ thực chất đối với Triều Tiên, thì chưa thể nói gì về việc Bình Nhưỡng sẽ chịu "đánh đổi" bằng sự hiện diện của Kim Jong-un tại Moscow.
Hàn Quốc cũng lôi kéo Nga
Trong một diễn biến khác, Hoàn Cầu cho hay hôm 13/4, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Hàn Quốc Jo Tae-yeol đã tỏ thái độ, cho dù mối quan hệ giữa Nga và phương Tây diễn biến xấu thì Seoul vẫn sẽ duy trì mối quan hệ hợp tác 3 bên Nga-Hàn-Triều mật thiết.
"Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine đang diễn ra, sự xung đột giữa Nga và phương Tây đã đem lại những thách thức mới cho ngoại giao của Hàn Quốc" - Jo Tae-yeol nói.
Ông Jo nhấn mạnh, Nga là "đối tác quan trọng" của Hàn Quốc không chỉ trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, mà còn trong vấn đề thống nhất bán đảo liên Triều.
Jo Tae-yeol cho hay - "Dự án vận tải Rajin-Khasan giữa Nga-Hàn-Triều sẽ tiếp tục tiến hành. Những dự án như thế này có ý nghĩa quan trọng, bởi có thể thúc đẩy hợp tác giữa các bên và đặt nền móng cho công cuộc thống nhất 2 miền."
Tuy nhiên, chuyên gia Trương Liễn Khôi nhận định, dự án hợp tác 3 bên nói trên "không rõ ràng về lợi ích kinh tế".
Theo ông Trương, việc Hàn Quốc tích cực thúc đẩy dự án này thiên về mục đích chính trị nhiều hơn, do đó "khó có khả năng duy trì lâu dài".