Trung muốn bình đẳng, Mỹ quyết không chịu
Bài bình luận trên trang web của Sputniknews cho biết, Washington và Bắc Kinh đã hoàn tất vòng thứ 7 “Đối thoại Chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ”.
Đến tháng 9 năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đi thăm Mỹ. Liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có âm mưu gì sau lưng Nga hay không?
Bàn về vấn đề này, nhà Trung Quốc học nổi tiếng của Nga, Trưởng ban Hợp tác quốc tế của Viện kinh tế cao cấp Nga, Giáo sư Alexander Lukin cho rằng không phải như vậy, bởi Trung Quốc và Nga có quan hệ đối tác chiến lược, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc không cần có quan hệ tốt với các nước khác.
Trung Quốc và Mỹ là hai cường quốc lớn trên thế giới. Hai nước liên kết rất chặt chẽ với nhau về kinh tế và có những nhiệm vụ chính trị chung, đồng thời cũng có một số mâu thuẫn về quan điểm chính trị.
Vì vậy, dĩ nhiên là họ phải đàm phán với nhau để tìm ra biện pháp cân bằng trong quan hệ.
Người Trung Quốc cho rằng nước họ đang quan hệ bình đẳng với Hoa Kỳ. Nhưng Bắc Kinh không hài lòng vì Mỹ đang cố gắng kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc.
Hợp tác quân sự giữa hai nước cũng không đồng đều. Vì vậy, tất nhiên họ sẽ không tiến đến hoạt động quân sự chung.
Giáo sư Alexander Lukin cho rằng, chuyến thăm Mỹ của ông Tập có lẽ sẽ chỉ trao đổi một số thông tin, làm rõ những vấn đề mà các vòng đàm phán còn “lấn cấn”, nhưng sẽ không thảo luận về cuộc tập trận quân sự nào do Trung Quốc tiến hành, như với Nga chẳng hạn.
Nga-Trung không phải là đồng minh quân sự nhưng đang hợp tác chặt chẽ về kinh tế
Một vấn đề hiện đang được cộng đồng quốc tế quan tâm là liệu trong chuyến thăm này, Mỹ có đề xuất với ông Tập để Trung Quốc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không, sau những căng thẳng mà Mỹ gây ra cho Trung Quốc trong quá trình thành lập Ngân hàng đầu tư và phát triển hạ tầng châu Á (AIIB)?
Về câu hỏi này, Giáo sư Lukin trả lời như sau: "Đây không phải là một câu hỏi đơn giản.
Bắc Kinh đã hơn một lần bày tỏ mong muốn ít nhất là thảo luận về chủ đề tham gia TPP. Nhưng cái khó là ở chỗ người Mỹ nêu ý tưởng xây dựng liên minh này là nhằm chống Trung Quốc”.
Không có gì ngạc nhiên khi mới đây Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng nước Mỹ cần đặt ra các quy tắc thương mại quốc tế, chứ không phải là Trung Quốc.
Nhiều khả năng, Washington sẽ không cho Bắc Kinh tham gia TPP. Bởi người Mỹ cần một tổ chức có thể là công cụ bao vây Trung Quốc".
Theo ông Lukin, nguồn gốc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là do hai nước có quan điểm khác nhau về trật tự toàn cầu.
Bất kỳ chính trị gia Mỹ nào cùng đều nói rằng, chúng tôi không cần bất kỳ sự đối đầu nào, chúng tôi muốn hợp tác với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Vấn đề là Mỹ không thể tưởng tượng rằng có sự hợp tác mà lại không tuân theo điều kiện của họ. Họ không thích những diễn viên bất đồng với họ trên sân khấu thế giới.
“Chú Sam” muốn đưa ra các điều kiện và buộc các nước thực hiện điều kiện của họ và một mình làm chủ cuộc chơi.
Trung-Mỹ sẽ ngày càng đối đầu gay gắt hơn?
Trong khi đó, với tư cách là một cường quốc đang phát triển, Trung Quốc ít nhất là muốn đối thoại với Mỹ trên cơ sở bình đẳng.
Bắc Kinh nói rằng họ không muốn phá hoại các hệ thống hiện tại trong trật tự toàn cầu, mà chỉ muốn cải cách nó, để các cường quốc mới nổi như Đại Lục sẽ có tiếng nói lớn hơn.
Nhưng từ quan điểm của Mỹ, điều đó làm suy yếu trật tự toàn cầu và các thể chế, cơ chế lãnh đạo thế giới do họ đứng đầu.
Việc bị tước đi dù chỉ là một phần vai trò kiểm soát cũng khiến Washington không thể chấp nhận được. Vì lí do đó, quan hệ Trung-Mỹ sẽ còn có những bất đồng lâu dài.
Trung cần chỗ dựa, Nga vì lợi ích
Đối với Trung Quốc, Nga có một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước này.
Xét từ quan điểm của Bắc Kinh, Moscow chiếm vị trí nổi bật trong nền chính trị thế giới, bởi nước này đang theo đuổi đường lối độc lập và không khuất phục trước áp lực từ phía phương Tây, chủ yếu là từ phía Hoa Kỳ.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, điều đó rất có giá trị vì trên thế giới hiện không có nhiều quốc gia dám đối đầu với Washington.
Chẳng hạn, đó chỉ còn là một số nước liên kết trong nhóm BRICS do Moscow lãnh đạo. Nếu không có Nga, Trung Quốc sẽ cảm thấy đơn độc trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ.
Bắc Kinh nhập khẩu một phần đáng kể các tài nguyên của Moscow.
Ngoài ra còn có những lợi ích kinh tế khác mà không quốc gia nào có thể thay thế được, bất chấp thực tế rằng Nga chiếm thị phần nhỏ (khoảng 2%) trong tổng khối lượng ngoại thương của Trung Quốc.
Có những sản phẩm mà nước này không thể nhập khẩu từ các nước khác, hoặc không thể mua đủ khối lượng, hoặc không nước nào bán cho ví dụ như một số loại vũ khí quan trọng như tên lửa, máy bay chiến đấu, tàu ngầm hay dầu mỏ, khí đốt…
Trong khi đó, lợi ích của Nga cũng bắt đầu tương hợp với Trung Quốc, quan hệ giữa 2 bên càng được củng cố kể từ khi Washington và Brussels tăng cường áp đặt các lệnh cấm vận đối với Moscow, khiến con tàu mang tên "Nước Nga" chuyển hướng, tăng tốc “chạy về phía Đông”.
Theo ông Leonid Bershidsky, bình luận viên Bloomberg, Nga chuyển hướng về phía Trung Quốc trong bối cảnh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, dẫn đến nội chiến ở miền đông nước này, không phải là một động thái phô trương.
"Sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu coi việc Nga chuyển hướng sang Trung Quốc chỉ là một chiến dịch tuyên truyền để thuyết phục nhân dân Nga rằng đất nước họ có thể tồn tại mà không có phương Tây.
Đó là một chiến lược nhất quán và cực kỳ nghiêm túc của Moscow" - ông Leonid Bershidsky nhận định.
Theo ông, đối với nền kinh tế Nga, Trung Quốc là một trong những nguồn tài chính và đầu tư quan trọng nhất.
Năm ngoái, các khoản tín dụng của Trung Quốc đã trở thành nguồn tài trợ nước ngoài lớn nhất trong nền kinh tế Nga, trong bối cảnh các nhà đầu tư phương Tây ồ ạt rút vốn khỏi nước này.
Quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ sẽ ngày càng căng thẳng và nồng ấm hơn với Nga?
Một phần lớn vốn vay Trung Quốc được dành cho các công ty dầu mỏ Nga, cũng như các lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Các cổ phiếu ngày càng tăng của Trung Quốc trong ngành thương mại của Nga đã giúp ích cho nước này rất nhiều khi các công ty của nước này không thể tiếp cận nguồn tín dụng nước ngoài.
Chuyên viên phân tích Bloomberg lưu ý vấn đề, nhiều người cho rằng Nga là một con tàu lớn và đưa nó chuyển theo hướng ngược lại không thể nhanh chóng được, mặc dù không kết thành đồng minh quân sự nhưng không thể phủ nhận là xu hướng xích lại gần nhau về mặt kinh tế đang thực sự tồn tại.
"Trong vấn đề này, các biện pháp trừng phạt đã mang lại lợi ích cho Nga. Cấm vận đã buộc Moscow đẩy nhanh việc đa dạng hóa thị trường rất cần thiết và chú ý hơn đến khu vực rộng lớn và phát triển ở phía Đông" - bình luận viên Bloomberg viết.
Ông Bershidsky cho biết, Nga hiện đã giành sẵn chỗ cho Trung Quốc trong dự án phát triển Viễn Đông của mình.
Tuy còn một số mắc mớ về việc cho nước này thuê đất nhưng trong tương lai, chắc chắn Moscow và Bắc Kinh sẽ ngồi lại và cùng nhau tìm ra giải pháp phù hợp cho cả 2 bên.
Nhà Trung Quốc học nổi tiếng người Nga Alexander Lukin kết luận, xung đột giữa Bắc Kinh và phương Tây không những không thể giảm đi mà còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Trong khi đó, quan hệ giữa Trung Quốc với Nga sẽ được ổn định và chỉ có thể cải thiện hơn