Nhận định về chuyến công du Bắc Kinh mới đây của Ngoại trưởng John Kerry, ông Talent cho rằng mục đích chính của chuyến đi - thuyết phục Trung Quốc đàm phán với các nước ASEAN về chủ quyền Biển Đông, đã thất bại hoàn toàn.
Chính phủ Tập Cận Bình đã thẳng thừng tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi những hành động ngang ngược của mình trên Biển Đông, và theo lời cựu Thượng nghị sĩ Talent, "đã khiến ông Kerry phải cúi đầu", điều khiến Bắc Kinh rất hả hê.
Nhưng ông Talent cũng cho rằng, thất bại này không có gì là ngạc nhiên.
Ông nhận định, nếu ngay cả một nhà ngoại giao cấp cao như ông Kerry mà cũng không thể thuyết phục Bắc Kinh, thì có thể thấy rõ rằng vào thời điểm hiện tại, khống chế Trung Quốc trên Biển Đông chỉ bằng biện pháp ngoại giao là thất sách.
Không thể nói lý với Trung Quốc
Theo ông Talent, những hoạt động quân sự rầm rộ trong thời gian gần đây đã phần nào thể hiện dã tâm của Trung Quốc trên Biển Đông.
"Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông, và chính phủ nước này tin rằng họ có thể đạt được điều mình muốn bằng cách dùng vũ lực. Thế nên Bắc Kinh việc gì phải đàm phán?"
Sự hung hăng của Trung Quốc, theo ông Talent, được thể hiện rõ nhất qua các hoạt động xây dựng và cải tạo trái phép của nước này tại khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Bản báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đã thống kê rằng, chỉ riêng trong năm 2014, Bắc Kinh đã tiến hành xây lấn trái phép hơn 600 héc-ta đất, nâng tổng diện tích xây dựng trái phép trên Biển Đông của Trung Quốc lên 800 héc-ta.
Ông Talent dẫn cáo buộc của đô đốc Harry Harris, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, rằng Bắc Kinh đang xây dựng một "Vạn Lý Trường Thành bằng cát" trên Biển Đông để tuyên bố chủ quyền phi pháp thông qua các đảo nhân tạo này.
Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc còn ngang ngược cảnh báo các nước khác không được di chuyển trong bán kính 12 dặm của các hòn đảo nhân tạo này khi chưa được sự cho phép của Bắc Kinh.
Vậy Mỹ sẽ làm gì?
Xét tương quan lực lượng, ông Talent cho rằng Mỹ hoàn toàn có đủ hỏa lực để chế ngự Trung Quốc nếu chiến sự nổ ra. Tuy nhiên, vị trí địa lý sẽ là một trở ngại không nhỏ với Mỹ, khi tàu chiến nước này sẽ phải mất hàng tuần để di chuyển từ căn cứ tới điểm nóng.
Đó là chưa kể trong lúc di chuyển, các chiến hạm này sẽ phải đối mặt với nguy cơ đến từ tên lửa Trung Quốc với tầm bắn xa ở cả ba mặt thủy-bộ-không.
Tuy hiểu rõ những mối hiểm họa đi kèm, nhưng Lầu Năm Góc vẫn tuyên bố sẽ cân nhắc việc điều động tàu vào trong bán kính 12 hải lý các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng, để chứng minh lập trường cứng rắn của Washington trước hành vi bành trướng của Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thể hiện thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Ảnh: AP
Hiện tại, theo ông Talent, lãnh đạo Trung Quốc thừa hiểu rằng trở ngại lớn nhất đang ngăn cản tham vọng của nước này tại Biển Đông không ai khác chính là Mỹ, nước duy nhất có tiềm lực quân sự và tầm ảnh hưởng đủ để chế ngự Trung Quốc.
Nhưng cựu thượng nghị sĩ này cũng cho rằng, Nhà Trắng và Thượng viện Mỹ lại chưa cho thấy được tầm vóc của một thế lực mà sự bình ổn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trông cậy vào. Và nếu điều này tiếp diễn, lợi thế sẽ thuộc về Trung Quốc.
"[Chính phủ Mỹ] phải hiểu rằng ngoại giao không thôi là chưa đủ để ngăn chặn Trung Quốc theo đuổi tham vọng bành trướng. Điều đó chỉ khả thi nếu đi kèm với các biện pháp cứng rắn và xác định rõ những hậu quả mà Bắc Kinh sẽ phải hứng chịu".
Theo ông Talent, hòa bình, quyền tự do đi lại, hiệp ước với các nước trong khu vực, và trật tự thế giới, tất cả đều là những giá trị Mỹ muốn gìn giữ tại châu Á - Thái Bình Dương, và cũng là những giá trị đã giúp Mỹ có được vị thế ngày hôm nay.
Chính những giá trị đó đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ nếu như Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên làm những gì mình muốn trên Biển Đông mà không có sự can thiệp.
"Chúng ta [Mỹ] cần đưa ra quyết định, thật sớm" - cựu thượng nghị sĩ Mỹ kết luận.
<< Tại sao Mỹ đột nhiên cứng rắn hơn hẳn trên Biển Đông?