Báo Mỹ thừa nhận nguy cơ phương Tây "để tuột" Gruzia về Nga

Đức Huy |

Theo Washington Post, trong bối cảnh Nga tăng cường ảnh hưởng tại Gruzia, việc vẫn chưa thể gia nhập NATO hay EU đang khiến người dân nước này mất dần niềm tin vào phương Tây.

Với một nước thân phương Tây đã từng giao tranh với Nga vào năm 2008, ít ai nghĩ Gruzia, từ chính phủ cho đến người dân, sẽ chịu thêm bất kì ảnh hưởng nào từ điện Kremlin.

Thế nhưng, sau một năm mệt mỏi với tình hình Ukraine, phương Tây đã cho thấy dấu hiệu ngày một hờ hững trước nguyện vọng gia nhập NATO và EU của Gruzia, và điều này đang khiến tâm lý thân Nga "hồi sinh" tại quốc gia vùng Kavkaz (Caucacus) này.

Lãnh đạo các nước thuộc Liên Xô cũ đang cảnh báo rằng, Nga nhiều khả năng sẽ lại chiếm thế thượng phong nếu các nước phương Tây tiếp tục thái độ hời hợt với Gruzia như hiện nay do lo ngại sẽ gây hấn với Moscow.

Trong khi đó, Nga đang tận dụng tối đa tình hình này để gia tăng sự hiện diện tại Gruzia, với việc cho ra đời phiên bản tiếng Gruzia cho các kênh tin tức quốc gia Nga, đồng thời tăng cường đầu tư trong ngành công nghiệp năng lượng tại Tbilisi.

Theo Washington Post, những động thái tương tự cũng đang diễn ra tại các nước Đông Âu đang bị Nga và phương Tây "kéo co" như thời Chiến tranh Lạnh.

Về phần mình, trong một cuộc phỏng vấn mới đây tại phủ Tổng thống, người đứng đầu nhà nước Gruzia Giorgi Margvelashvili vẫn khẳng định cam kết sát cánh cùng EU của quốc gia này.

"Sự ổn định và an ninh quốc gia của Gruzia sẽ không thể được đảm bảo nếu như Nga vẫn tiếp tục áp đặt suy nghĩ rằng họ có 'quyền đặc biệt' với các nước thuộc Liên Xô cũ" - ông Margvelashvili phát biểu.

Tổng thống Gruzia Giorgi Margvelashvili. Ảnh: AP

Tổng thống Gruzia Giorgi Margvelashvili. Ảnh: AP

Bên ngoài phủ Tổng thống Gruzia cũng như nhiều tòa nhà chính phủ khác, theo ghi nhận của Washington Post, vẫn treo một lá cờ EU để biểu thị nguyện vọng thiết tha gia nhập hàng ngũ phương Tây của chính phủ Tbilisi.

Ông Margvelashvili cũng thừa nhận Nga đang hoạt động rất tích cực để gia tăng tầm ảnh hưởng. Dù vậy, ông cam đoan quan điểm của nhà nước Gruzia sẽ "không bị lay chuyển" và quyết tâm sẽ giành được quyền gia nhập NATO và EU.

Như một động thái mang tính biểu tượng cho quan điểm của mình, Gruzia đã điều động nhiều binh lính tới Afghanistan để chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ hơn bất kì quốc gia NATO nào khác.

Tuy vậy, những nỗ lực của Gruzia dường như vẫn chưa đem lại hiệu quả.

Tháng 5 vừa qua, tại một cuộc họp thượng đỉnh EU, lãnh đạo các nước thành viên đã tranh cãi khá gay gắt về việc có nên tính đến chuyện cho Gruzia, Ukraine và Moldova gia nhập liên minh hay không.

Sau cuộc họp, EU đã quyết định bây giờ chưa phải là thời điểm thích hợp cho việc xem xét nguyện vọng của 3 quốc gia nói trên, đồng thời cũng đẩy lùi kế hoạch đơn giản hóa quy định thị thực cho người dân Gruzia muốn đến các nước EU.

Kết quả này, theo các nhà phân tích, vẫn xuất phát từ việc EU "ngại" Nga. Điều đó cũng khiến lãnh đạo Gruzia không giấu nổi sự thất vọng, đặc biệt là khi lãnh đạo hai "ông lớn" của EU (Đức) và NATO (Mỹ) đều né tránh việc mở rộng quy mô của liên minh.

"Việc cho Ukraine và Gruzia gia nhập hiện không nằm trong kế hoạch của NATO. NATO cũng chưa có bất kì một kế hoạch mở rộng nào trong tương lai gần" - Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu.

Trong khi đó, các chính trị gia tư tưởng thân Nga đang nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ dân chúng Moldova và Gruzia, còn Ukraine thì gặp quá nhiều vấn đề ở miền đông nên chưa thể tiến hành những cải tổ cần thiết để gia nhập hàng ngũ phương Tây.

Còn Armenia, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác, cũng từng có thời gian thảo luận với các lãnh đạo EU về một hiệp định thương mại, nhưng năm ngoái đã rời bàn đàm phán để quay về "bắt tay" với Nga.

Washington Post thừa nhận, ít nhất là cho tới thời điểm này, Nga đang cao tay hơn so với phương Tây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại