Đã đến lúc Nga chen vào giữa "mối nhân duyên" Mỹ - Israel

Đức Huy |

Trong một bài phân tích đăng trên tạp chí The Week (Mỹ), tác giả Peter Weber giải thích tại sao ở thời điểm hiện tại, Nga nên là quốc gia bảo hô quân sự cho Israel thay cho Mỹ.

Vì nhiều yếu tố khác nhau về lịch sử, đạo lý, hay chiến lược, Mỹ luôn đứng đằng sau Israel. Israel hiện là nước nhận nhiều viện trợ nhất từ Mỹ, trong đó có những loại vũ khí tối tân mà các láng giềng của quốc gia Do Thái này "chỉ thấy trong mơ".

Quan trọng hơn, Mỹ là "thần hộ mệnh" của Israel, cả trong lĩnh vực quân sự cũng như tại LHQ. Đảm bảo an ninh cho Israel là một phần không thể thiếu trong chính sách đối ngoại của Washington.

Nhưng theo nhà báo Peter Weber, sứ mệnh bảo vệ Israel của Washington lúc này đang bị lung lay nghiêm trọng sau những tranh cãi giữa Benjamin Netanyahu và Barack Obama, và đã đến lúc hai nước cần cân nhắc lại mối quan hệ ngoại giao đặc biệt này.

"Hai nước nên chăng hãy 'đổi gió' và để một quốc gia khác đảm đương trách nhiệm bảo hộ Israel thay cho Mỹ?" - ông Weber viết.

Theo ông, khi đó, Nga đương nhiên sẽ là sự lựa chọn số một.

Lý do để Israel cảm thấy an tâm

Tuy không còn là một siêu cường như trong quá khứ, nhưng không thể phủ nhận Nga vẫn là một thế lực trên toàn cầu.

Nếu Nga chấp thuận, Israel có thể yên tâm "kê cao gối ngủ" trong sự bao bọc của những loại vũ khí tối tân bậc nhất, thậm chí cả hạt nhân nếu cần, đủ để đập tan mọi mưu đồ của các nước thù địch với quốc gia Do Thái này trong khu vực.

Thêm vào đó, Liên Xô khi xưa là một trong những quốc gia đầu tiên chính thức công nhận nhà nước Israel vào năm 1948. Tuy sau đó quan hệ hai nước có phần lạnh nhạt, nhưng ông Putin đã và đang cho thấy mong muốn cải thiện ngoại giao với Israel.

Năm 2005, Putin trở thành lãnh đạo Liên Xô/Nga đầu tiên trong lịch sử thăm chính thức Israel, và năm 2012 ông một lần nữa trở lại quốc gia Do Thái này để dự lễ khởi công đài tưởng niệm các binh sĩ Do Thái trong hàng ngũ Hồng quân Liên Xô thời Thế Chiến II.

Ông Putin trong chuyến thăm Israel năm 2012. Ngoài cùng bên phải là cựu Thủ tướng Israel Shimon Peres. Ảnh: AP

Ông Putin (giữa) trong chuyến thăm Israel năm 2012. Ngoài cùng bên phải là cựu Thủ tướng Israel Shimon Peres. Ảnh: AP

Chính phủ Nga và Israel cũng có chung quan điểm cứng rắn với các phần tử Hồi giáo cực đoan. Dù Nga vẫn được xem là một nước tương đối ủng hộ Palestine, nhưng Putin không hề lên tiếng phản đối các chiến dịch của Israel tại Dải Gaza.

Tương tự, Israel từ chối "nhập hội" cùng đồng minh Mỹ và liên minh châu Âu (EU) trong việc chỉ trích các cuộc đàn áp binh sĩ Hồi giáo tại Chechnya của Putin, hay thậm chí trong cả những cáo buộc Nga can thiệp vào Ukraine.

Lý do để Nga chấp thuận

Theo ông Weber, tham vọng hàng đầu của Tổng thống Vladimir Putin là đưa Nga trở lại thời hoàng kim, để Moscow luôn nhận được sự tôn trọng, kính nể, và xen lẫn phần run sợ trên trường quốc tế, thể hiện qua tham vọng quân sự hiện nay của nước này.

Ông cho rằng, đứng ra bảo hộ Israel sẽ là một cách để ông Putin hiện thực hóa tham vọng đó.

"Quốc gia bảo vệ Israel luôn được đảm bảo tiếng nói sẽ có trọng lượng trong mọi vấn đề mang tính toàn cầu. Do đó, trở thành 'thần hộ mệnh' cho Israel sẽ giúp Nga tăng tầm ảnh hưởng nhiều hơn hẳn so với việc tổ chức Thế Vận Hội hay World Cup" - ông Weber phân tích.

Về mặt kinh tế, những khó khăn do giá dầu giảm hay trừng phạt từ phương Tây của Nga cũng có thể được gỡ gạc phần nào với việc có thêm một thị trường xuất khẩu vũ khí tại Israel, một quốc gia luôn "bạo chi" cho quốc phòng.

Ngoài ra, cộng đồng người gốc Nga tại Israel trong 20 năm trở lại đây cũng phát triển đáng kể, do một bộ phận không nhỏ người nước này trước đây là dân Liên Xô nhập cư. Rất nhiều người trong số này vẫn nói tiếng Nga, đọc báo Nga, và giữ quan hệ mật thiết với quê cha đất tổ.

Ông Putin từ trước đến nay vẫn hết sức quan tâm tới cộng đồng người Nga/Liên Xô cũ định cư ở nước ngoài, và đây hoàn toàn có thể là lý do để Tổng thống Nga thúc đẩy nâng tầm quan hệ với Israel.

Và nếu Israel có thể thuyết phục Nga rằng việc trở thành "thần hộ mệnh" của Israel cũng đồng nghĩa với một thất bại của Mỹ, nhiều khả năng Moscow sẽ chấp thuận.

Nhà phân tích chính trị
Lincoln Mitchell
Nếu Nga có thể cho thấy họ đứng về phía Israel và chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan Trung Đông, giới chức Mỹ sẽ khó lòng áp đặt lệnh trừng phạt hay huy động NATO chống lại Nga, khi mà người dân Mỹ công nhận Nga là một người bạn đáng tin cậy của Nhà nước Do Thái.

Theo ông Weber, việc Nga vẫn đứng ra bảo vệ chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như nhà nước Iran - hai quốc gia thù địch với Israel, sẽ là rào cản cho giả thuyết này trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, nếu Nga vẫn quyết định sẽ bảo vệ Israel, rào cản này vô hình trung sẽ có lợi cho thế giới, vì khi đó Nga sẽ phải giảm thiểu tối đa sự ủng hộ cho hai quốc gia vẫn được đánh giá là thường xuyên gây bất ổn này.

Ngoài ra, với việc trước đây đã từng ủng hộ Palestine, sự hiện diện của Nga tại Trung Đông sẽ có tính khách quan hơn rất nhiều so với Mỹ. Israel cũng sẽ "thoải mái" hơn trong các chiến dịch nhắm vào Palestine mà không sợ bị đồng minh Mỹ chỉ trích vi phạm nhân quyền.

Tóm lại, tuy quan hệ Israel - Mỹ đã có bề dày lịch sử, nhưng theo ông Weber, đã đến lúc tạm dừng mối "nhân duyên" này. Hai bên không nhất thiết phải đoạn tuyệt quan hệ, Mỹ sẽ không trở thành thù địch với Israel, nhưng sự thay đổi là cần thiết.

"Tất cả các bên sẽ có lợi từ sự thay đổi này" - ông Weber kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại