Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bị nhiều nước quay lưng lại, sau đó Nga phải chịu những hình thức trừng phạt kinh tế.
Quan hệ Đông – Tây xấu đi và các quan chức ngoại giao lo ngại họ đang chứng kiến sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Giờ đây, Ukraine vẫn là một vấn đề của châu Âu, nhưng nó không còn quan trọng như trước.
Lý do một phần là bởi tình hình kinh tế toàn cầu biến động cùng dòng người di cư từ Trung Đông và châu Phi vào châu Âu, cùng với cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ đang đến gần.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp G20 vào năm 2013.
Theo báo Washington Post, ông Putin trở thành người thắng cuộc trong cuộc chiến ở Ukraine, và bao nhiêu người chỉ trích ông buộc phải nhìn theo và không thể nén cơn giận của mình.
Cụ thể, báo này viết rằng, khoảng 1 năm trước, ông Putin phải đối mặt với một trong những quyết định quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của mình: hoặc là thỏa hiệp với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, hoặc là can thiệp quân sự.
Chỉ trong vài tuần, ông Putin và ông Poroshenko đều thống nhất một lệnh ngừng bắn lỏng lẻo và cuối cùng đã không được các bên tuân thủ.
Đầu năm nay, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhanh chóng lập ra một hiệp ước mới, nhưng bà biết rằng thỏa thuận này phụ thuộc rất nhiều vào việc ông Poroshenko và chính phủ của ông sẽ chấp nhận quân ly khai ở Donetsk và Lugansk và trao quyền tự trị cho khu vực này hay không.
Đây luôn là một viên thuốc đắng đối với Tổng thống Poroshenko.
Ông phải chịu sự phản đối từ các thành phần cực hữu, trong khi đó nội bộ chính phủ xáo trộn và Ukraine đang phải đối mặt với những vấn đề kinh tế nghiêm trọng.
Ông cũng hiểu rằng cả Đức lẫn Mỹ sẽ không chiến đấu vì Ukraine, mặc dù bày tỏ ý kiến ủng hộ rất nhiệt liệt nhưng chỉ hỗ trợ một chút về tài chính và quân sự.
Theo Washington Post, từng bước một, ông Putin đã “đóng băng” cuộc xung đột ở Ukraine, giống như những gì đã từng xảy ra ở Georgia vào năm 2008.
Các nước phương Tây tin rằng ông có thể gây ảnh hưởng và kiểm soát các hoạt động kinh tế, chính trị và ngoại giao của Ukraine nếu cần thiết.
Trong cái gọi là “chiến thắng” này, ông Putin phải trả giá khá đắt.
Nền kinh tế Nga gặp khó khăn, uy tín của ông bị ảnh hưởng nặng nề và Nga cũng đang trải qua thời khắc hỗn loạn. Nhưng điều đó không làm vị thế của ông bị lung lay và vẫn lãnh đạo quốc gia một cách rất chắc chắn.
Ukraine không phải là Tây Âu, nơi nền dân chủ phương Tây được phát triển và nền kinh tế được thúc đẩy. Nhưng Ukraine sẽ luôn có chung đường biên giới với Nga và có chung nền văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo với Nga.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko bày tỏ sự bất bình khi một cuộc bạo động xảy ra ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô Kiev vào ngày 31/8.
Trong phần lớn lịch sử, Ukraine là một phần của Nga và chỉ tách ra thành quốc gia độc lập khi Liên Xô tan rã năm 1991.
Ukraine vẫn luôn nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga, bởi tại Đông Âu Nga vẫn là thế lực đứng đầu và trong cuộc khủng hoảng lần này, cuộc xung đột ở Ukraine sẽ không chấm dứt trừ phi Nga và Ukraine đạt được một thỏa thuận bền vững.
Washington Post tin rằng, ông Putin giờ đây nắm Ukraine trong tay mình, và ông coi những đối thủ phương Tây là yếu ớt, mất đoàn kết và sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận mà ông muốn.