Báo Mỹ: Nga đang buộc phương Tây “nhảy theo nhịp điệu” của mình

Anh Tuấn |

Quyết định can thiệp vào cuộc chiến Syria của Nga được cho là có nhiều nguyên nhân. Một phần là vì lợi ích an ninh của nước này, mặt khác Nga cũng sẽ giành được vị trí chiến lược ở Trung Đông.

Quyết định can thiệp vào cuộc chiến Syria của Nga được cho là có nhiều nguyên nhân. Một phần là vì lợi ích an ninh của nước này, mặt khác Nga cũng sẽ giành được vị trí chiến lược ở Trung Đông.

Theo báo Huffington Post của Mỹ, việc Nga có mặt tại Syria đã gây ra một tình thế khó xử đối với phương Tây và khiến các nước này không thể áp đặt chính sách của mình tại Syria và các vùng xung đột khác.

Các nước phương Tây phải đáp lại những bước đi của Nga tại Trung Đông, Ukraine và phải tìm cách thỏa hiệp theo điều kiện mà Nga đề ra.

Lý do đơn giản nhất để lý giải việc Nga tham gia vào cuộc chiến ở Syria là bởi vì họ có thể làm vậy.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo các nước phương Tây đã nhiều lần nói rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một đồng minh lâu năm của Nga, “phải từ chức”.

Thế nhưng, cả ông Obama hay các lãnh đạo châu Âu đều chưa có những động thái nào đủ mạnh để ép Assad rời bỏ cương vị của mình.

Những hoạt động huấn luyện và trang bị vũ khí cho các nhóm nổi dậy để chống lại Assad và các nhóm khủng bố ở Syria như IS hay al-Nusra giờ đây đã mang về những kết quả đáng thất vọng, trong khi các nước phương Tây không muốn đưa quân đội quy mô lớn của mình đến đây, ngoại trừ một số lượng nhỏ lính đặc nhiệm hợp tác với các lực lượng người Kurd, những người mong muốn tách ra thành một nước độc lập thay vì lật đổ Assad.

Dường như Moscow đã dự đoán rằng Mỹ và các đồng minh của họ sẽ không đưa bộ binh đến để đạt được mục đích của mình tại Syria.

Việc họ điều xe tăng, các loại tên lửa phòng không và máy bay chiến đấu tới các căn cứ hải quân ở Tartus và Latakia cho thấy Nga biết rằng phương Tây sẽ không thể ngăn chặn họ.

Điều này đã mang đến cho Moscow cơ hội để đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc. Đầu tiên là đảm bảo Syria là một đối tác chiến lược của Nga ở thời điểm hiện tại cũng như tương lai.

Chính quyền Assad đã là đồng minh của Nga kể từ thời Liên Xô, và sự sụp đổ của họ cũng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước, giống như khi tầm ảnh hưởng của Nga đã bị hủy hoại sau khi Saddam Hussein ở Iraq và Muammar Gaddafi ở Libya bị lật đổ.

Bên cạnh việc nắm giữ tầm ảnh hưởng của mình tại Damascus, việc can thiệp vào xung đột ở Syria đã buộc các nước trong khu vực phải coi trọng Moscow hơn nếu trường hợp một cuộc đàm phán thay đổi chính quyền xảy ra.

Ả Rập Xê út và các nước vùng Vịnh khác cùng với Iran đều đã quen với việc Nga không có tầm ảnh hưởng đáng kể trong khu vực này.

Giờ đây, với sự xuất hiện của quân đội Nga tại Tartus và Latakia, cũng như việc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu của mình, Nga đã trở thành một thế lực mà các nước không thể bỏ qua.


Dòng người Syria vẫn tiếp tục chạy nạn khỏi quê hương mình.

Dòng người Syria vẫn tiếp tục chạy nạn khỏi quê hương mình.

Điều này cũng giúp Nga nâng cao vị thế trước phương Tây. Nó khiến chiến lược thành lập và đào tạo một đội quân nổi dậy để lật đổ Assad phá sản và tạo ra cục diện mới trong cuộc chiến.

Bằng những bước đi quyết đoán, Nga có thể thực hiện kế hoạch của riêng mình và buộc các nước phương Tây phải chạy theo họ.

Tuy vậy, cũng rất có thể trước mặt Nga là một cuộc chiến đẫm máu và vô nghĩa, đặc biệt là khi họ mở rộng hoạt động quân sự của mình ra ngoài khu vực Alawite do Tổng thống Assad kiểm soát.

Hậu quả mà nó để lại có thể sẽ rất nặng nề, khi Nga cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu của các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Trong khi đó, cho dù ở Ukraine hay Syria, nếu Mỹ và các đồng minh của họ không thể đưa ra những mục tiêu thực tế và sẵn sàng đầu tư tài chính và quân sự để thực hiện những mục tiêu trên, họ vẫn sẽ tiếp tục ở vào thế thủ, luôn luôn phản ứng theo những bước đi của Nga, còn Ukraine và Syria thì vẫn tiếp tục khổ cực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại