Những “nhân tố bí ẩn” trong cuộc xung đột tại Syria

Tuệ Minh |

Sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria được miêu tả là làm “thay đổi cuộc chơi”, tạo thêm một hướng đi mới cho cuộc chiến trong hơn 4 năm qua khiến hơn 250.000 người thiệt mạng và tạo ra cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II.

Cuộc xung đột Syria như một chiếc kính vạn hoa, thu hút sự tham gia của những người chơi ở địa phương, trong khu vực và cả quốc tế.

Dưới đây là một số lực lượng liên quan đến cuộc chiến tại Syria mà không phải ai cũng biết đó là ai:

1. Quân đội Syria mạnh cỡ nào?

Trước khi cuộc nội chiến Syria diễn ra năm 2011, tổng số lực lượng của quân đội Syria, bao gồm cả Không quân và Hải quân, là khoảng 300.000 quân.

Tuy nhiên, sau 4 năm bị tàn phá bởi nội chiến, lực lượng này đã sụt giảm đáng kể, hiện chỉ còn khoảng 80.000 đến 100.000 quân.

Quân đội Syria được hậu thuẫn bởi Lực lượng phòng vệ quốc gia (NDF), đội quân trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad gồm khoảng 80.000 chiến binh.

Rất nhiều người ủng hộ ông Assad muốn gia nhập NDF hơn vì lực lượng này được trả lương cao hơn quân đội Syria và họ sẽ hoạt động ở gần nhà hơn.

2. Lực lượng Shiite ngoại quốc cũng chiến đấu cho chính quyền Assad?

Đó là sự thật, có những lực lượng bán quân sự người Shiite đến từ Lebanon, Iraq, Afghanistan và Pakistan. Họ đều hoạt động dưới sự chỉ huy của lực lượng Quds, một nhánh mở rộng của Quân Cách mạng Hồi giáo.

Các lực lượng này, đặc biệt là Hezbollah, đã có 30 năm kinh nghiệm chiến đấu với Israel, đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thể chế của ông Assad, hỗ trợ đắc lực cho quân đội Syria.

3. Quốc gia nào ủng hộ Assad?

Hai quốc gia chính ủng hộ ông Assad là Nga và Iran, cả hai đều là đồng minh lâu đời của Syria.

Gần đây, Nga đã giúp đỡ Assad trong lĩnh vực ngoại giao, phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ chống lại chính quyền Assad, đồng thời cung cấp vũ khí, đạn dược cho bộ binh và không quân Syria.

Tuy nhiên, trong hai tháng trở lại đây, Nga đã đẩy mạnh bước hỗ trợ đó bằng cách tăng cường máy bay chiến đấu, trực thăng, cùng hàng trăm quân lính tới căn cứ ở phía Tây Syria cũng như tiến hành hàng trăm vụ không kích nhằm vào IS trong hai tuần đầu của tháng 10.

Việc Nga can thiệp quân sự vào Syria với mục đích mở rộng tầm ảnh hưởng của Moscow trước phương Tây và có thể cho phép Nga có một tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các hội nghị tìm giải pháp chính trị cho những xung đột mang tầm quốc tế.

Iran đã ra mặt hỗ trợ Syria từ năm 2013, bằng cách đưa các lực lượng bán quân sự dòng Shiite vào đây, huy động và huấn luyện các phiến quân trung thành, đồng thời cung cấp hàng tỷ USD tiền mặt để giúp đỡ cho nền kinh tế đang tụt dốc thảm hại của Syria.

Đối với Iran, Syria là một nhân tố quan trọng của trục địa lý, một đồng minh chống Israel ở Trung Đông.

4. Những người chống đối Assad ở Syria?

Đó là những nhóm nổi dậy, cả liên minh hay là các thực thể đơn lẻ, đang hoạt động ở Syria.

Trong số các nhóm dẫn đầu có Jaish al-Fatah, một liên minh chiếm ưu thế ở phía Bắc Syria, bên cạnh đó là nhóm phiến quân hồi giáo Ahrar ash-Sham và Jabhat al-Nursa có liên hệ với Al Qaeda cùng một số nhóm nhỏ khác.

Ngoài ra còn có Mặt trận phía Nam và Chỉ huy phía Nam, cả hai đều thuộc lực lượng quân đội Syria tự do, xuất phát điểm là quân nổi dậy, hoạt động chủ yếu ở phía Nam Syria. Jaish al-Islam là một phong trào hồi giáo rất mạnh ở khu vực Damascus.

Cuối cùng là một tổ chức đối lập dân sự, có tên gọi Liên minh quốc gia Syria. Tuy nhiên, nỗ lực của nhóm này không mang lại nhiều kết quả và thường bị lấn át bởi cuộc xung đột.

5. Những nhóm nổi dậy có người ủng hộ bên ngoài không?

Câu trả lời là có, chủ yếu là các nhân tố trong khu vực như Qatar, Saudi Arab và Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên cung cấp vũ khí và tiền bạc cho các nhóm nổi dậy.

Mỹ cũng cung cấp một số lượng hạn chế vũ khí cho các nhóm nổi dậy, đáng chú ý nhất là các tên lửa chống tăng TOW, dùng để chống lại quân đội Syria ở tỉnh Hama.

CIA cũng đã điều hành một chương trình huấn luyện và trang bị cho các lực lượng nổi dậy để chống lại chính quyền ông Assad ở Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.

Mỹ mới đây đã từ bỏ chương trình huấn luyện quân nổi dậy đầy tham vọng trong vòng 3 năm với hy vọng cho ra đời đội quân 5.000 người nhằm chiến đấu chống lại IS.

6. Vậy IS đứng đâu trong cuộc nội chiến Syria?

Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng là một thực thể không bình thường trong cuộc chiến tại Syria, là đại diện cho yếu tố thứ ba bên cạnh các lực lượng ủng hộ và chống đối chính quyền Assad.

Ưu tiên hàng đầu của IS là tạo ra và bảo vệ một đức tin hồi giáo trải dài dọc biên giới Syria và Iraq.

Lật đổ chế độ Assad chỉ là sự lựa chọn thứ hai. Chính mục đích đó đã thường xuyên đặt IS vào thế mâu thuẫn với các lực lượng nổi dậy chống Assad, dẫn đến các cuộc đụng độ và tranh giành lãnh thổ.

7. Các nhân tố khác?

Có một số quốc gia khác, chủ yếu là các nước phương Tây và vùng Vịnh đã thành lập liên minh để chống IS.

Bên cạnh Mỹ, nước đứng đầu chiến dịch chống IS ở Syria, những người chơi khác còn có Pháp, Australia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập, Jordan, Saudi Arab và Bahrain.

Anh đã tiến hành một vài chuyến bay do thám bằng máy bay không người lái và đã thực hiện ít nhất một cuộc tấn công bằng UAV chống lại các phiến quân IS.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại