Báo đảng Trung Quốc khuyên Tập Cận Bình "học" Lý Thế Dân?

Thủy Thu |

Bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) đã gây xôn xao dư luận khi được nhận xét là dùng hình ảnh của Lý Thế Dân để "ngầm chỉ" Tập Cận Bình.

Ca ngợi Lý Thế Dân, "nhắc khéo" Tập Cận Bình?

Theo Đa chiều, Nhân dân nhật báo (NDNB) - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - mới đây đăng tải bài viết ca ngợi "đạo trị nước thời Trinh Quán".

Trinh Quán là niên hiệu của vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân từ 627 - 649 sau công nguyên. Đây cũng là thời kỳ được đánh giá là cực thịnh của xã hội phong kiến Trung Quốc, với nhiều thành tựu ở tất cả các lĩnh vực.

Các nhà quan sát chỉ ra, bài viết của NDNB có thể mang "ẩn ý" khác, ví dụ như ca ngợi xã hội Trung Quốc hiện nay phồn thịnh như thời Trinh Quán, qua đó "gián tiếp" so sánh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Lý Thế Dân.

Cũng có ý kiến nói rằng, đây là bài viết nhằm "nhắc nhở", kỳ vọng ông Tập sẽ giúp Trung Quốc đạt được những thành tựu như thời Trinh Quán để có thể "sánh ngang với Lý Thế Dân". Hoặc bao hàm cả hai ý nghĩa trên.


Bài báo với tiêu đề Đọc Trinh Quán sử, thấy vận khí mới trên trang 5, mục xã luận trên Nhân dân nhật báo, Trung Quốc hôm 15/3.

Bài báo với tiêu đề "Đọc Trinh Quán sử, thấy vận khí mới" trên trang 5, mục xã luận trên Nhân dân nhật báo, Trung Quốc hôm 15/3.

Bài viết trên NDNB hôm 15/3 được đăng tải ở trang 5, mục xã luận "Cán bộ đọc sách", với tiêu đề Đọc Trinh Quán sử, thấy vận khí mới. Tác giả bài viết là Đơn Hướng Tiền, Phó bí thư kiêm Chủ tịch Mặt trận thống nhất thành phố Đồng Lăng, tỉnh An Huy, Trung Quốc.

Chuyên đề Cán bộ đọc sách được NDNB ra mắt vào tháng 4/2015, xuất phát từ sở thích đọc sách của ông Tập Cận Bình, mục đích nhằm khuyến khích các quan chức Trung Quốc "noi theo".

Bài báo có đoạn ca ngợi: "Nhân tài thời Trinh Quán, khó miêu tả. Không nói đến Đường Thái Tông, không nói đến 12 chiến công ghi danh ở Lăng Yên Các mà chính là nhân vật xuất hiện từ trước niên hiệu Trinh Quán của ông..."

"Đường Thái Tông một lòng tin tưởng lòng trung thành của Uất Trì Cung, còn ông cũng đã đơn thương độc mã cứu giá Đường Thái Tông. Đây chính là tình nghĩa," một đoạn khác trong bài viết của Đơn Hướng Tiền.

"Đường Thái Tông cắt tóc làm thuốc, Từ Mậu Công cắt thịt ly biệt càng làm nổi bật khí khái người xưa. Đối với thời đại ngày nay, ái - hiếu - trung - nghĩa đều là những điều quang minh lỗi lạc...

Đường Thái Tông không vì Ngụy Trưng vốn phò tá Kiến Thành mà nghi ngờ ông...

Mã Chu vốn giữ chức Xá nhân, một chức quan bắt nguồn thời Tiên Tần, có thể tham dự bàn luận việc cơ mật hoặc quyết đoán việc triều chính. Nhờ một bản tấu lên Đường Thái Tông mà được xếp vào hàng danh thần..."

Cuối cùng bài viết tổng kết, "tương lai của một thời đại thường có một loại vận khí mới báo hiệu. Loại vận khí này với sức sống tràn trề, dù rằng cũng có thiên tai, đói khát nhưng xã hội nhất định sẽ đi lên.

Vận khí này cũng chính là hy vọng và yêu thích của nhiều người. Họ tràn đầy tự tin ở tương lai mà làm việc không biết mệt mỏi. Đây có lẽ là sức hút của Trinh Quán".


Hai ông Tập Cận Bình, Vương Kỳ Sơn tại lễ khai mạc Hội nghị Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 3/3. (Ảnh: Báo thanh niên Trung Quốc)

Hai ông Tập Cận Bình, Vương Kỳ Sơn tại lễ khai mạc Hội nghị Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 3/3. (Ảnh: Báo thanh niên Trung Quốc)

Bắc Kinh tuyên truyền hình ảnh cá nhân ông Tập

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu truyền thông quốc tế nhận định Bắc Kinh đang cố gắng "gán ghép" Tập Cận Bình với hình ảnh Lý Thế Dân.

Gần đây nhất, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) hôm 1/3 cũng đăng bài viết trên tờ báo do cơ quan này chủ quản, đề cập rất nhiều đến nhân vật Đường Thái Tông.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Kông đã đánh giá, bài báo trên dường như ngầm ám chỉ mối quan hệ cộng tác, đồng nghiệp giữa Tập Cận Bình với Bí thư CCDI Vương Kỳ Sơn khi nói nhiều về mối quan hệ Lý Thế Dân-Ngụy Trưng.

Đa Chiều trước đây từng có bài bình luận so sánh Tập Cận Bình với Hán Vũ Đế và Lý Thế Dân, đánh giá lịch sử Trung Quốc hiện đại có nhiều tương đồng với thời Tây Hán.

Tuy nhiên, theo trang này, giới nghiên cứu lịch sử cũng như các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay dường như yêu thích giai đoạn "Trinh Quán chi trị" của Lý Thế Dân hơn, và đó là nguyên nhân khiến các bài viết như trên xuất hiện khá nhiều.

Ngoài ra, việc truyền thông nhà nước Trung Quốc so sánh ông Tập với những nhân vật lịch sử có nhiều thành tích của nước này cũng được cho là nằm trong chiến lược tuyên truyền hình ảnh cá nhân nhà lãnh đạo.

Hoạt động tuyên truyền này diễn kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012, song song với nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hiện thực hóa cơ chế "lãnh đạo tập trung", đưa nhiều quyền lực về tay ông Tập hơn so với cơ chế "lãnh đạo tập thể" thời ông Hồ Cẩm Đào.

Động thái mới nhất của diễn biến này là việc Bắc Kinh đang kêu gọi lãnh đạo các tỉnh, thành Trung Quốc đồng thuận thừa nhận vai trò "lãnh đạo cốt lõi" của Tập Cận Bình.

Lãnh đạo Trung Quốc gần đây nhất được ghi nhận là "lãnh đạo cốt lõi" là ông Giang Trạch Dân, trước đó có hai người là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại