Trên bàn cờ Trung Á, Mỹ chi tiền triệu tấn công điểm yếu của Nga

Thùy Trang |

Bấy lâu mưu tính vây hãm nước Nga, Washington gần đây đã ra đòn quyết định nhắm thẳng vào điểm yếu của Moscow, tác giả Jonathan Marshall của Consortiumnews viết.

"Ván cờ lớn" tranh giành ngôi vị thống trị Trung Á đã kết thúc với Hiệp ước Nga-Ba Tư 1813.

Tuy nhiên, hơn 200 năm sau, Washington lại âm mưu tăng cường hiện diện quân sự ngay trước mũi Nga, thông qua "hợp tác chống khủng bố" với Tajikistan và các nước láng giềng.

Tháng trước, Lầu Năm Góc đã công bố kế hoạch viện trợ quân đội cho Trung Á trị giá 50 triệu USD, tập trung vào Taijikistan để ngăn chặn Taliban, IS và các nhóm khủng bố khác nhằm tiến tới bình ổn khu vực.

Khoản viện trợ này sẽ giúp quân đội Mỹ đặt chân đến vùng đất này, qua con đường "phối hợp và cộng tác" với quân đội địa phương, ông Jonathan Marshall viết trên Consortium News.

Vấn đề càng thêm phức tạp khi đề xướng trên tới đúng vào lúc Mỹ và NATO đang hợp sức chống lại Moscow bằng cách viện trợ hàng tỉ USD cho hàng loạt láng giềng của Nga, như các quốc gia Baltic, Ukraine, Georgia, bên cạnh việc tập trận thường xuyên trên Biển Đen.

Tuyên bố được đưa ra sau chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry tới Tajikistan và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ trong khu vực, khi ông đứng ra cam kết với các nước về sự "hợp tác an ninh của Mỹ".

Kế hoạch xoay trục tại Trung Á của Washington không còn xa lạ nữa. Ngay khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ đã lập tức chớp lấy cơ hội kết giao với các nước Liên Xô cũ.


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng thống Tajikistan Emomali Rakhmon. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng thống Tajikistan Emomali Rakhmon. Ảnh: Reuters

Tháng 12/2001, Lực lượng không quân Mỹ đã mở một căn cứ quân sự tại Manas, Kyrgyzstan với mục đích hỗ trợ tiến trình quân sự của Lầu Năm Góc tại Afghanistan.

Căn cứ này cũng là điểm trung chuyển của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, đến tháng 6/2014, toàn bộ lính Mỹ đã rút khỏi nơi đây.

Chương trình viện trợ quân sự mới, nếu được Quốc hội thông qua, hướng tới bù đắp thiệt hại của Washington trong khu vực năm 2014, khi Kyrgyzstan đóng cửa căn cứ quân sự chính của Mỹ và tham gia Cộng đồng Kinh tế Á Âu, bác bỏ hiệp ước viện trợ với Washington.

Để giữ vững vị thế trong khu vực, Nhà Trắng tiến hành "theo đuổi" Tajikistan, một quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ khác.

Tuy nhiên, Tajikistan lại có mối quan hệ thân thiết với các nước thuộc khu vực Á-Âu khác như Nga, Pakistan và Trung Quốc.

Do vậy, không có gì bảo đảm rằng Washington sẽ được lòng lãnh đạo nước này.

Tajikistan hiện là thành viên của Tổ chức hợp tác Thượng Hải, được thành lập nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự và chia sẻ tin tức tình báo với Trung Quốc, Nga và các quốc gia thành viên khác.

Đây cũng là quốc gia nắm vai trò chủ chốt trong đường ống dẫn dầu từ Turkmenistan đến Trung Quốc.

Chiến lược dài hạn của Trung Quốc, theo ông Marshall, đòi hỏi Tajikistan trở thành mắt xích đầu tiên trong tuyến đường thương mại từ Trung Quốc đến thị trường châu Âu mang tên Con đường tơ lụa.

Hơn nữa, quân đội Moscow vẫn đang chiếm thế thượng phong tại đất nước này, với hàng ngàn binh lính hiện diện nhằm đảm bảo an ninh biên giới.

Nga dự định dành khoảng 1,2 tỉ USD phục vụ huấn luyện và trang bị cho quân đội Tajikistan, với hi vọng ngăn chặn các phần tử Hồi giáo cực đoan từ Afghanistan xâm nhập vào Nga.

Tuy nhiên, ông Marshall nhấn mạnh, cả Washington và Brussels đều sẽ không bỏ cuộc.

Bên cạnh kế hoạch thúc đẩy hợp tác chống khủng bố của Lầu Năm Góc, Liên minh EU, cùng chung mục đích tách Tajikistan khỏi Nga, đã cam kết cung cấp 251 triệu euro phục vụ phát triển đất nước này.

Đứng trên quan điểm của Mỹ, tiếp tục kéo dài cuộc cạnh tranh quân sự với Nga ở một vùng đất xa xôi như vậy chỉ đem lại những hậu quả xấu. Đã đến lúc Washington dừng "ván cờ" lại rồi, tác giả Marshall viết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại