Bài diễn thuyết chấn động "vạch tội" TQ: Lưu Á Châu là ai?

Hải Võ |

Là một tác giả nổi tiếng trong quân đội Trung Quốc và từng có bài diễn thuyết khiến cả quốc gia này "giật mình", tướng Lưu Á Châu có bối cảnh và trải nghiệm không đơn giản.

Ngày 30/7/2012 tại Lầu Bát Nhất, Bắc Kinh, Quân ủy Trung ương Trung Quốc cử hành nghi thức phong hàm Thượng tướng cho 6 tướng lĩnh có tuổi đời "già" hơn tân nhiệm nguyên soái Triều Tiên Kim Jong Un tới 30 tuổi nhưng quân hàm kém 2 cấp.

Trong số quân nhân được Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào phong hàm có Chính ủy Đại học Quốc phòng Giải phóng quân Trung Quốc, Trung tướng Lưu Á Châu.

Đến thời điểm ông này được phong Thượng tướng, vẫn không nhiều người trẻ ở Trung Quốc biết đến cái tên Lưu Á Châu. Tuy nhiên, trong suốt hơn 30 năm, Lưu là một trong những tác giả nổi tiếng nhất của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Lưu Á Châu sinh ngày 19/10/1952 tại Ninh Ba. Lưu gia nhập quân đội từ tháng 3/1968 và từng là binh sĩ tại Liên 8 Trung đoàn 187 thuộc Sư đoàn bộ binh 63 của PLA, sau đó giữ các chức đội phó, tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, thành viên tổ báo cáo tại đơn vị này.


Lưu Á Châu (thứ 4 từ trái, hàng trên) trong nghi thức thăng hàm năm 2012

Lưu Á Châu (thứ 4 từ trái, hàng trên) trong nghi thức thăng hàm năm 2012

Chuyện tình hơn 40 năm với con gái Chủ tịch Trung Quốc

Vợ của Lưu Á Châu là bà Lý Tiểu Lâm, con gái cố Chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm. Bà Lý hiện là Hội trưởng Hiệp hội đối ngoại nhân dân Trung Quốc. Từ 2013 đến nay, bà cũng là Phó chủ nhiệm Ủy ban ngoại vụ thuộc Ủy ban chính hiệp Trung Quốc khóa XII.

Lưu Á Châu và Lý Tiểu Lâm đều tới học tại Đại học Vũ Hán sau khi được đề cử trong quân đội và đã quen nhau tại đây. Thời điểm đó (1972), Lý Tiểu Lâm 18 tuổi, học cùng lớp với Lưu Á Châu.

Theo nhà nghiên cứu Trung Quốc Vương Cẩm Tư, vợ chồng Lưu Á Châu có chung sở thích là văn học. Lưu rất hâm mộ tài năng của Lý Tiểu Lâm và cho rằng bà là một trong những "tài nữ" hiếm thấy của Trung Quốc, trong khi Lý khẳng định Lưu sẽ có nhiều thành tựu trong tương lai.

Có niềm đam mê và mục tiêu giống nhau, giữa Lưu Á Châu và Lý Tiểu Lâm nhanh chóng nảy sinh tình cảm mãnh liệt.

Khi đó, Lưu vẫn chưa có tác phẩm nào tạo được tiếng vang. Vì vậy, Lưu Á Châu tiết lộ, khi viết một bộ sách, ông đều đề tên mình trên trang tiêu đề để gửi tặng "ý trung nhân".

Sau này, Lưu Á Châu kể lại: "Nhớ lại thời kỳ làm binh sĩ trong quân đội thập niên 1970, tôi có thể kể ra gần như không sai sót mọi điều về Tiểu Muội (tức Lý Tiểu Lâm).

Từ khi gặp cô ấy ở Đại học Vũ Hán, tôi đã hiểu đây là cuộc hôn nhân trời định, không thể 'né tránh' được."

Có câu chuyện kể rằng, sau khi cuốn sách "Trần Thắng" được xuất bản năm 1977, Lưu Á Châu đã dùng tiền nhuận bút để mua một chiếc xe đạp Phượng Hoàng tặng Lý Tiểu Lâm.

Tháng 3/1979, 2 người chính thức kết hôn.


Bà Lý Tiểu Lâm, con gái cố Chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm, vợ tướng Lưu Á Châu. Ảnh: Takungpao

Bà Lý Tiểu Lâm, con gái cố Chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm, vợ tướng Lưu Á Châu. Ảnh: Takungpao

Lý Tiên Niệm là một trong những "khai quốc công thần" của Trung Quốc. Qua 6 kỳ đại hội đảng, ông này lần lượt giữ chức Ủy viên trung ương, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước, Chủ tịch chính hiệp Trung Quốc.

Lý là một trong những người có chức vụ cao nhất xuất thân từ Hồng tứ phương diện quân Trung Quốc.

Trước thềm hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang hôm 20/11 vừa qua, truyền thông Trung Quốc đã điểm lại một số nhân vật "hồng nhị đại (thế hệ con cháu các lão thành cách mạng Trung Quốc)" tiêu biểu.

Trong đó ngoài con trai ông Hồ Diệu Bang là Hồ Đức Bình, bà Lý Tiểu Lâm cũng được nhắc tới như một nhân vật nhiều quyền lực hiện nay.

Trên truyền thông Trung Quốc hiện nay, Lưu Á Châu-Lý Tiểu Lâm cũng được gọi bằng biệt danh "vợ chồng hồng nhị đại".

Thành danh trong quân đội bằng văn chương

Trong bài viết đăng trên diễn đàn quân sự của trang Sina (Trung Quốc), nhà nghiên cứu Vương Cẩm Tư bình luận, tướng Lưu Á Châu trở nên nổi tiếng trong PLA không nhờ vào cây súng mà dựa vào cây bút.

Lưu theo học chuyên ngành tiếng Anh tại khoa ngoại ngữ, Đại học Vũ Hán năm 1972, sau đó bắt đầu sáng tác văn chương từ năm 1974.

Sau khi kết hôn, Lưu Á Châu dành nhiều thời gian ngoài giờ hành chính để sáng tác và cho ra đời nhiều tác phẩm đáng chú ý từ tiểu thuyết dài kỳ, truyện ngắn...

Tốt nghiệp đại học và đến công tác ở Cục liên lạc Không quân, Lưu tiếp tục sáng tác một loạt báo cáo văn học với đề tài quân sự quốc tế làm chấn động văn đàn Trung Quốc, thậm chí còn từng dấy lên một trận "bão táp".

Cuối năm 1984, Lưu trở thành Giám đốc Hiệp hội tác giả Trung Quốc. Từ tháng 5/1986-1987, ông là học giả nghiên cứu tại Đại học Stanford, ỹ.

Tháng 8/1988, Lưu Á Châu nhận chức cán sự cấp phó Sư đoàn tại Cục chính trị Văn phòng Quân ủy Trung ương Trung Quốc, quân hàm Thượng tá.

Từ tháng 8/1990, Lưu là Chính ủy Sở nghiên cứu kỹ thuật trang bị thiết giáp thuộc Bộ tổng tham mưu quân đội Trung Quốc.

Tháng 12/2003, Lưu giữ chức Phó chính ủy và Bí thư kỷ luật Không quân. Từ tháng 12/2009, ông này làm Chính ủy Đại học Quốc phòng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.


Lưu Á Châu là một tướng lĩnh có nhiều phát ngôn ăn khách đồng thời gây nhiều tranh cãi tại Trung Quốc

Lưu Á Châu là một tướng lĩnh có nhiều phát ngôn "ăn khách" đồng thời gây nhiều tranh cãi tại Trung Quốc

Viên tướng khiến truyền thông Trung Quốc "tốn giấy mực"

Theo Vương Cẩm Tư, bình sinh Lưu Á Châu chỉ yêu thích 2 việc: Sâu sát trong quân đội và chuyên tâm nghiên cứu chiến lược quân sự.

Lưu được biết đến với trí nhớ tốt, có thể ghi nhớ và đọc ra lưu loát nhiều tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc và nước ngoài. Trình độ Anh ngữ của Lưu Á Châu cũng đủ để nghiên cứu các tác phẩm bằng tiếng Anh.

Những người nghiên cứu học thuật quân sự trong Không quân đã thu thập những bài diễn thuyết trong nhiều năm của Lưu Á Châu, chỉnh lý thành văn bản và biên tập thành 3 cuốn "Lưu Á Châu chiến lược văn tập", mỗi cuốn gồm 3-4 bài nói, ít thì 1-2 bài.

Ban đầu, các bài nói chuyện của Lưu chỉ được in ấn và phát hành trong giới lãnh đạo cấp cao quân đội như một "tài liệu nội bộ", không công khai ra ngoài.

Ngay sau khi tập sách này được tung ra, quan điểm của Lưu Á Châu đã được giới tướng lĩnh PLA đón nhân. Hầu như không cần đến "chỉ đạo" thì trong Không quân Trung Quốc, mỗi quân nhân đều sở hữu một tập sách của Lưu.

Những bài diễn thuyết trong sách sau đó bị rò rỉ trên mạng và khiến các diễn đàn nước này "bùng nổ", người dùng mạng đua nhau sử dụng những kiến thức, quan điểm của Lưu Á Châu.

Cũng có nhiều người đọc được cuốn chiến lược "Đại quốc sách" (do NXB Nhân dân Nhật báo xuất bản năm 2009) của Lưu và đánh giá ông là "thân Mỹ", đồng thời viện lý do là vợ chồng ông từng có nhiều năm du học tại Mỹ.

Vụ việc này cũng khiến cộng đồng mạng Trung Quốc "sôi sục" trong một thời gian, việc chỉ trích Lưu Á Châu thậm chí trở thành sở thích đối với một bộ phận dư luận.

Người đồng tình với Lưu Á Châu thì cho rằng viên tướng này là nhân vật đại diện cho tư tưởng dân chủ và cải cách trong PLA, trong khi quan điểm phản đối gọi Lưu là hạ thấp sức mạnh quân đội Trung Quốc.

Bên cạnh đó, luồng ý kiến khác đánh giá tác giả quân đội này "chỉ là một Triệu Quát không hơn không kém (chỉ biết 'bàn binh trên giấy'-PV)".

Lưu cũng thường có những tuyên bố về các vấn đề xã hội hay tham nhũng ở Trung Quốc.

"Tham nhũng đã gây ra tổn thất kinh tế lớn nhất cho Trung Quốc, gây ra xã hội tham ô lớn nhất, trở thành thách thức chính trị lớn nhất," ông này nói.

Một trong những tuyên bố "đụng chạm" tới cả xã hội Trung Quốc của Lưu Á Châu là bài diễn thuyết hôm 10/5/2010 mà trong đó, ông này phê phán nặng nề các vấn đề tư tưởng, xã hội cổ đại dẫn đến sự "ngụy biện, đối nội tàn nhẫn và thấp hèn" của xã hội Trung Quốc hiện đại.

Tuy vậy, trong vai trò là Chính ủy, Bí thư đảng ủy ĐH Quốc phòng - đơn vị ngang tầm một đại quân khu của PLA và được gọi là "cái nôi của tướng lĩnh, sĩ quan quân đội", Lưu dường như không e ngại những phát ngôn bên trong quân đội lan truyền ra dư luận.

Kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo Trung Quốc sau đại hội đảng XVIII năm 2012, tướng Lưu Á Châu xuất hiện đều đặn hơn trên báo chí nước này.

Nhiều bài viết mang tính lý luận của Lưu cũng được các cơ quan truyền thông chính thống Trung Quốc sử dụng như một "bản hướng dẫn" trong nội bộ giới quan chức lãnh đạo nước nay.

Cuốn sách mới có tên "Tinh thần", trong đó thu thập, tổng hợp nhiều bài diễn văn, diễn thuyết của Lưu Á Châu vừa được xuất bản trong năm nay và được Thời báo Hoàn Cầu đánh giá là "tạo ra tiếng vang lớn trong dư luận", "hàng trăm triệu lượt xem trên các trang mạng"...

Điển hình, có bài viết đã được truyền thông Trung Quốc đăng tải rầm rộ hồi tháng 9 như một động thái dùng cái tên Lưu Á Châu để tuyên truyền thái độ ủng hộ cuộc cải cách quân đội lớn, cắt giảm 300.000 quân mà ông Tập Cận Bình đang tiến hành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại