Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, các chủ đề khác của cuộc gặp này còn có thể bao gồm an ninh mạng và Biển Đông.
Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên, nhưng rất không đồng tình với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và phản đối việc Triều Tiên có vụ thử hạt nhân thứ tư hồi tháng 1 cũng như phóng tên lửa tầm xa sau đó.
Mới đây, Trung Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về tăng cường trừng phạt Triều Tiên.
Tuy nhiên, Bắc Kinh liên tục nói rằng trừng phạt không phải là giải pháp cho vấn đề Triều Tiên và chỉ nối lại đàm phán mới có thể giải quyết được những tranh cãi xung quanh chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông cho biết ông Tập và ông Obama sẽ có cuộc gặp đầu tiên trong năm 2016 bên lề một hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân diễn ra tại Washington vào tuần tới.
Chủ đề chính của cuộc gặp sẽ là vấn đề Triều Tiên, ông Lý cho hay.
“Về vấn đề này, lập trường của Trung Quốc là nhất quán. Chúng tôi ủng hộ việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, ông Lý phát biểu tại một cuộc họp báo.
“Chúng tôi cho rằng vấn đề này cần được giải quyết thông qua đàm phán và tham vấn. Chúng tôi ủng hộ duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Về vấn đề quan trọng này, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama sẽ có một cơ hội để trao đổi đầy đủ hơn về quan điểm của mỗi bên”, ông Lý nói.
Trung Quốc hiện đang kêu gọi nối lại cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, với sự tham gia của Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga.
Nga cũng hối thúc Bình Nhưỡng quay trở lại cuộc đàm phán này.
Nhiều nỗ lực nhằm tái khởi động cuộc đàm phán trên đã thất bại kể từ khi cuộc đàm phán đổ vỡ hồi năm 2008.
Tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nói nước này sẽ sớm thử một đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.
Nếu diễn ra, hành động này của Triều Tiên sẽ là sự vi phạm nghị quyết trừng phạt của Liên hiệp quốc.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 24/3 nói nước này đã thử thành công một động cơ nhiên liệu đặc làm tăng sức mạnh cho các loại tên lửa.
Tuyên bố này cho thấy Triều Tiên tiếp tục phát triển tên lửa đạn đảo xuyên lục địa, đồng thời là một tín hiệu rằng Bình Nhưỡng không "ngại” lệnh trừng phạt.
Tuy không ủng hộ chương trình hạt nhân của Triều Tiên, Trung Quốc không hài lòng với một số động thái của Mỹ nhằm vào Bình Nhưỡng, bao gồm việc Washington mới đây công bố lệnh trừng phạt đơn phương đối với Triều Tiên.
Ngoài ra, việc Mỹ và Hàn Quốc cân nhắc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc cũng bị Trung Quốc cho là có thể gây phương hại đến an ninh của mình.
Triều Tiên không phải là vấn đề duy nhất mà Bắc Kinh và Washington có sự bất đồng.
An ninh mạng là một vấn đề khác. Vào tháng 9 năm ngoái, trong chuyến thăm Mỹ chính thức của ông Tập Cận Bình, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung đã nhất trí hai chính phủ sẽ không hậu thuẫn hoạt động tội phạm mạng đánh cắp bí quyết kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói sự bất đồng giữa hai bên về vấn đề an ninh mạng đã bị giới truyền thông “thổi phồng”. Theo ông Lý, hai nước đã có một cơ chế đối thoại hoạt động hiệu quả.
Về vấn đề Biển Đông, ông Lý nói Trung Quốc “có quan điểm và lập trường của riêng mình”.
“Dĩ nhiên, nếu vấn đề này được đề cập, Chủ tịch Tập sẽ giải thích về lập trường này với phía Mỹ”, ông Lý nói.