Những hổ tướng từ đội kỵ binh lừng danh
Sau khi Quan Vũ cùng Lưu Bị ly tán, ông bị Tào Tháo vây khốn và buộc phải "ước pháp tam chương" với Tào để bảo vệ hai vị Lưu phu nhân.
Theo "Tam Quốc Diễn Nghĩa", việc Quan Công "hàng Hán không hàng Tào" thể hiện sự trung nghĩa của ông, đồng thời mô tả Quan Vũ không hề động lòng trước mỹ nữ và tiền bạc mua chuộc của Tào Tháo.
Trên thực tế, sử liệu để lại cho thấy, trong giai đoạn dưới trướng Tào Ngụy, "ngoại trừ Trương Liêu, (Quan Vũ) chỉ giao hảo với Từ Hoảng".
Mối thân tình giữa Quan - Trương - Từ không chỉ do ba người này đều là hàng tướng, mà còn bởi cả ba là đồng hương Sơn Tây, thuộc tập đoàn kỵ binh Tinh Châu nổi tiếng.
Những kỵ binh tới từ Tinh Châu gia nhập vào các thế lực quân phiệt khác nhau, trở thành một tập thể có sức chiến đấu đáng gờm.
Trong đó, đội kỵ binh "trứ danh" nhất chính là đội quân chủ lực của Lữ Bố, có thể nói là "độc bá võ lâm" trong giai đoạn đầu thời Tam Quốc, thậm chí đã có thời điểm lực lượng này có cơ hội đoạt được thiên hạ.
Các nghiên cứu hiện đại chỉ ra, sự khiếm khuyết rõ rệt trong cương lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo yếu kém đã dẫn tới sự thất bại lần lượt của các đội quân kỵ binh Tinh Châu.
Bọn họ lần lượt bị Viên Thiệu, Tào Tháo... thôn tính, hậu quả gián tiếp là khiến cho thế lực Hung Nô của Lưu Báo thống trị được khu vực Tinh Châu, sau này khởi binh tiêu diệt thiên hạ của Đông Hán.
Cùng ở dưới trướng Tào Ngụy, Quan Vũ có quan hệ tốt với Trương Liêu và Từ Hoảng cũng là điều dễ hiểu.
Từ Hoảng là một trong 5 đại danh tướng Tào Ngụy, bên cạnh Trương Liêu, Nhạc Tiến, Vu Cấm, Trương Cáp.
Đại phá vòng vây Quan Vân Trường
Sau khi Quan Vũ bỏ Tào Tháo để trở về với Lưu Bị, lực lượng của Bị vẫn tiếp tục chuỗi "bách chiến bách bại", cuối cùng là thất trận thảm hại trước Tào Ngụy ở Kinh Châu. Song lần đại bại này cũng giúp Bị mở ra cơ hội liên minh với Tôn Quyền.
Liên minh Tôn - Lưu đại phá Tào Ngụy ở Xích Bích, Lưu Bị "ăn theo" thắng lợi của Chu Du, chiếm được lợi thế vững vàng ở Kinh Châu.
Từ đây, Quan Vân Trường cũng lập được nhiều chiến công hơn, trở thành tướng lĩnh cốt lõi trong lực lượng của Lưu Bị.
Trong khi Lưu Bị cùng Gia Cát Lượng, Trương Phi, Triệu Vân đem quân chủ lực chinh phạt Ích Châu, nhiệm vụ trấn thủ Kinh Châu được giao vào tay Quan Vũ.
Ông soái lĩnh quân Kinh Châu tấn công Tương Dương - Phàn Thành, đánh bại quân tiếp viện của Vu Cấm, chém đầu Bàng Đức, qua một đêm "uy chấn Trung Nguyên", khiến Tào Tháo thậm chí đã tính tới chuyện thiên đô.
Thế nhưng, chiến dịch hãm thành của Quan Vũ lại rơi vào tình trạng bế tắc khi Tào Nhân thủ chắc Phàn Thành, khiến ông tiến thoái lưỡng nan.
Vào thời điểm mấu chốt, Tào Tháo đã quyết định xuất toàn lực, huy động thêm một đạo viện binh Nam hạ tấn công Quan Vũ.Thống soái đội quân này không ai khác ngoài "lão bằng hữu" Từ Hoảng.
Chiến dịch phá vây Phàn Thành của Từ Hoảng góp phần giúp chiến dịch đoạt Kinh Châu của Đại đô đốc Đông Ngô Lữ Mông thành công.
Trong thất bại của Quan Công tại Tương Dương - Phàn Thành - Kinh Châu, chiến tích huy hoàng được dành cho tướng Ngô Lữ Mông, Lục Tốn với chiến dịch "bạch y độ giang", nhưng chưa đánh giá đúng chiến thắng kiệt xuất của Từ Hoảng tại chiến tuyến phương Bắc.
Quân tăng viện Phàn Thành của ông chỉ huy sau khi Nam hạ đã nhanh chóng tiến về vòng vây của Quan Vân Trường.
Bản thân Quan Vũ cũng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối đầu với Từ Hoảng. Ông cho "đào hào đắp lũy, nghiêm phòng tử thủ, nhiều lần dụ địch xâm nhập nhằm thừa thế công hạ Phàn Thành".
Quan Vũ không ngờ, Từ Hoảng cho quân đi đường nhỏ, toàn quân Tào Ngụy áp lưng tấn công trận địa phòng ngự của Thục Hán "thế như chẻ tre", phá vỡ phòng tuyến của Quan Vân Trường từ bên trong, buộc ông phải rút quân.
Kết thúc chiến dịch, Tào Tháo thị sát phòng tuyến của quân Kinh Châu đã bàng hoàng trước độ vững chắc của chiến tuyến Thục Hán, điều này càng khiến ông cảm thán trước chiến công khó tin của Từ Hoảng.
Tào Tháo từng ca ngợi chiến công Phàn Thành của Từ Hoảng "không thua Tôn Tử".
Phá Quan đệ nhất công
Quan Công là người trọng tình cảm nghĩa khí, còn Từ Hoảng không vì tư giao với ông mà làm lỡ việc công.
Có ý kiến cho rằng, nếu nói ông bại do Mi Phương, Phó Sĩ Nhân hàng Ngô, không bằng nói rằng Từ Hoảng biểu hiện xuất sắc trước Quan Vân Trường. Nhắc tới "phá Quan (Vũ) đệ nhất công", không thể không ghi nhận chiến dịch phá vây hoàn hảo của Từ Hoảng.
"Tam Quốc Chí - Ngụy thư - Từ Hoảng truyện" chép rằng - "Từ Hoảng là một trong 'ngũ tử lương tướng' của Thái tổ (Tào Tháo), tham gia nhiều chiến dịch trọng yếu, trí dũng song toàn, chiến công trác việt, trị quân có tài".
Tào Tháo từng tán dương Từ Hoảng rằng - "Từ tướng quân có phong thái của Chu Á Phu (nhà quân sự và thừa tướng nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, con trai Hán triều khai quốc công thần Chu Bột)".
Sau chiến dịch chuyển bại thành thắng ở Phàn Thành, Tào Tháo lại nói - "Phòng tuyến của địch quân trùng trùng, tướng quân (Từ Hoảng) giành được toàn thắng, xâm nhập trùng vây, giết địch vô số.
Ta dụng binh hơn 30 năm, chỉ nghe cổ nhân giỏi việc binh, không nghe nói đem quân thẳng vào giữa vòng vây địch. Chiến công của tướng quân có thể sánh ngang Tôn Tử, Tư Mã Nhương Thư năm xưa".
Giai đoạn "hậu Quan Vũ", Từ Hoảng chính là nhân vật được xưng danh "Tam Quốc đệ nhất danh tướng".