Ai đã khiến Tổng thống Mỹ "có ham muốn thể xác với người Ba Lan"?

Đức Huy |

Từ "ham muốn thể xác" của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đến tuyên bố "chôn vùi tư bản" của lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev, BBC tổng hợp lại những lỗi dịch thuật chết người.

Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và "ham muốn thể xác" với người Ba Lan

Tổng thống thứ 39 của nước Mỹ luôn được đánh giá là người biết cách thu hút sự chú ý. Trong một bài phát biểu tại Ba Lan vào năm 1977, ông Carter dường như có ý bày tỏ "ham muốn thể xác" với người dân đất nước châu Âu này.

Hay chí ít thì đó là những gì người phiên dịch của ông nói.

Nguyên văn câu nói của ông Carter hôm đó là "I wanted to learn about the Polish people's desires for the future." (tạm dịch: "Tôi muốn tìm hiểu mong muốn của người dân Ba Lan về tương lai").

Tuy nhiên, sau khi "qua tay" người phiên dịch Steven Seymour, câu nói đó trở thành "I desire the Polish carnally" ("Tôi có ham muốn thể xác với người Ba Lan").

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter (trái). Ảnh: Google Images.
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter (trái). Ảnh: Google Images.

Chưa dừng lại ở đó, người phiên dịch này còn "biến tấu" câu nói "I left the United States this morning" ("Tôi rời nước Mỹ sáng nay") của ông Carter thành "I left the United States, never to return ("Tôi đã rời nước Mỹ, và không bao giờ trở lại").

Seymour đã không bao giờ trở lại vị trí phiên dịch viên tại Ba Lan.

Sau đó, cũng trong khuôn khổ chuyến đi, Tổng thống Carter còn phải nói lời chúc mừng mở màn cho một bữa tiệc, lần này qua lời dịch của một phiên dịch viên khác. Nhưng sau khi nói xong câu đầu, ông vẫn không thấy người phiên dịch có động tĩnh gì.

Sau câu thứ hai, người phiên dịch vẫn im lặng.

Hóa ra anh này ... không hiểu tiếng Anh của ông Carter. Sau chuyến đi, ông Carter biến thành trò cười của người dân Ba Lan.

"Chúng tôi sẽ chôn vùi các ông"

Chiến tranh Lạnh vốn đã ... lạnh, nhưng lỗi dịch thuật kiểu này vô tình đã khiến "nhiệt độ" hạ thấp thêm nhiều nấc.

Năm 1956, phiên bản dịch bài phát biểu trước đại sứ các nước tư bản phương Tây tại Moscow của nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó là Nikita Khrushchev có câu: “Chúng tôi sẽ chôn vùi các ông”.

Ngay lập tức, câu nói này đã được đăng tải tràn ngập trên trang nhất các ấn phẩm báo chí, và càng làm băng giá thêm quan hệ vốn không mấy nồng hậu giữa Liên Xô và phương Tây thời đó.

Nikita Krushchev: Chúng tôi sẽ chôn vùi các ông?! Ảnh: Google Images.
Nikita Krushchev: "Chúng tôi sẽ chôn vùi các ông?!" Ảnh: Google Images.

Nhưng thực tế, những gì ông Khruschev nói đúng ra phải hiểu như sau: “Bất kể các ông có thích hay không thì lịch sử vẫn đứng về phía chúng tôi. Chúng tôi sẽ đào hố cho các ông.”

Ý của ông khi đó nói rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ tồn tại lâu hơn chủ nghĩa tư bản, và chủ nghĩa tư bản sẽ tự phá hủy, dựa theo một ý trong Bản Tuyên ngôn Cộng sản của Karl Marx: “Trên tất cả, những gì mà giai cấp tư bản tạo ra sẽ là những người sẽ đào mồ chôn họ.”

Tuy đó vẫn không phải là những lời lẽ nhã nhặn nhất trong ngoại giao, nhưng rõ ràng nó cũng không phải là một "mối đe dọa" đến nỗi tạo ra nỗi ám ảnh bị tấn công hạt nhân thường trực trong tâm trí người Mỹ bấy giờ.

Bản thân ông Khruschev vài năm sau đó cũng "giải oan" cho tuyên bố của mình. “Tôi từng nói ‘Chúng tôi sẽ chôn vùi các ông’, và tôi đã gặp rắc rối to.

Tất nhiên là chúng tôi sẽ không đích thân dùng xẻng chôn xác các ông. Chính tầng lớp lao động của các ông [̉ở các nước tư bản] sẽ chôn vùi các ông”, ông giải thích.

Lỗ hổng ngoại giao

Trong ngoại giao, không hậu quả nào tai hại bằng hậu quả việc hiểu sai nghĩa của đối tác trên bàn đàm phán.

Từ "demander" trong tiếng Pháp có nghĩa là "hỏi" hoặc "đề nghị". Tuy nhiên do khá giống với từ "demand" (đòi hỏi) trong tiếng Anh, nên phiên dịch viên Nhà Trắng khi đó đã dịch câu "le gouvernement français demande" thành "chính phủ Pháp đòi hỏi".

Tổng thống Mỹ bấy giờ là Andrew Jackson đã hiểu rằng phía Pháp đang liệt kê một loạt các yêu sách và phản ứng kịch liệt. Rất may là lỗi này đã được sửa kịp thời để cuộc đàm phán tiếp tục.

Ngoài ra, một số giới chức trong quá khứ từng bị cáo buộc đã lợi dụng sự khác biệt trong ngôn ngữ để trục lợi.

Ví dụ điển hình là Hiệp ước Waitangi, một văn bản thỏa thuận giữa Hoàng gia Anh với người thổ dân Maori tại New Zealand, được ký bởi 500 tù trưởng địa phương vào năm 1840.

Tuy nhiên, trong bản tiếng Anh đã có xuất hiện những nội dung hoàn toàn khác với bản gốc tiếng địa phương được người Maori kí.

Trong khi bản gốc nhấn mạnh để đổi lấy quyền điều hành, Nữ hoàng Anh phải hứa bảo vệ lãnh thổ và tôn trọng quyền tự do của người Maori.

Nhưng bản dịch sang tiếng Anh lại nhấn mạnh việc Hoàng gia Anh xây dựng chính phủ tại Maori và bắt người dân phải cống nạp cho họ.

"Tầm nhìn xa trông rộng" của Chu Ân Lai

Hiểu nhầm không phải lúc nào cũng dẫn đến hậu quả tiêu cực.

Trong chuyến viếng thăm của Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Trung Quốc năm 1972, Thủ tướng nước chủ nhà Chu Ân Lai khi đó đã đi vào lịch sử với câu nói nổi tiếng "còn quá sớm để nói".

Ông nói câu này khi được hỏi về các tác động của cuộc Cách mạng Pháp, vốn diễn ra từ năm 1789 cho tới 1799.

Chu Ân Lai (trái) dùng bữa cùng Richard Nixon năm 1972.
Chu Ân Lai (trái) dùng bữa cùng Richard Nixon năm 1972.

Với lời nhận xét đó, ông Chu đã được ca tụng về cách dùng từ bậc thầy, phản ánh chính xác triết học Trung Quốc.

Thế nhưng, thực ra ông Chu đang đưa ra nhận xét về... những cuộc biểu tình tại Pháp vào tháng 5/1968.

Theo cựu nhân viên ngoại giao Charles W. Freeman Jr., người phiên dịch của Tổng thống Nixon trong chuyến viếng thăm lịch sử này, thì lời nhận xét bị diễn giải sai này là “một sự hiểu nhầm không bao giờ nên sửa".

Tôi không biết phải giải thích thế nào về sự nhầm lẫn này, ngoại trừ việc hiểu nhầm đó vô tình cũng trùng hợp với quan niệm rằng lãnh đạo Trung Quốc luôn có tầm nhìn xa trông rộng hơn những người đồng nhiệm phương Tây", ông Freeman nói thêm.

Mà đó lại là thứ mà người ta muốn nghe, muốn tin, nên cứ để như vậy thôi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại