Đài truyền hình Nga Channel 1 ngày 14/11 đã công bố một bức ảnh mà họ khẳng định là bằng chứng chứng tỏ MH17 bị một máy bay MiG-29 của quân đội Ukraine bắn hạ. Đài này cho hay, bức ảnh do một vệ tinh Mỹ chụp và được gửi tới từ một chuyên gia hàng không Mỹ tên là George Bilt.
Tuy nhiên, truyền thông phương Tây đã dẫn ra nhiều nhận định của các nhà chuyên môn cũng như cư dân mạng, chỉ ra các sơ hở trong bức ảnh "chấn động" này để chứng tỏ rằng, nó chỉ là giả mạo.
Dưới đây là 10 bức ảnh, được phương Tây đưa ra nhằm phản bác lại Channel 1.
So sánh đám mây của Google Earth vào tháng 8/2012 (trái) và của bức ảnh do truyền hình Nga công bố (phải)
Khi đặt 2 bức ảnh trên chồng lên nhau, có thể thấy chúng hoàn toàn trùng khớp
Nhiếp ảnh gia người Nga Rustem Adagamov đã phát hiện hình ảnh đám mây trong ô màu xanh của bức ảnh hoàn toàn trùng khớp với dữ liệu cũ của Google Earth ở cùng khu vực vào ngày 28/8/2012. Trang tin Australia News.com.au cũng dẫn lời nhiều người dùng Google Earth xác nhận sự trùng hợp này.
Một nhà báo Anh tên là Eliot Higgins cho biết có thể kiểm tra chúng bằng cách vào Google Earth, đến tọa độ 47°57'12.22"N, 37°50'4.09"E, và chọn dữ liệu cũ vào ngày 28/08/2012.
Nếu thật sự đó là 1 chiếc Boeing 777 thì hình ảnh phải giống như chiếc bên phải, thay vì bên trái như trong hình của truyền hình Nga.
Chuyến bay MH17 ngày hôm đó được thực hiện trên một chiếc Boeing 777-200ER. Tuy nhiên, có thể thấy khá rõ sự khác biệt giữa một chiếc Boeing 777 với chiếc máy bay xuất hiện trong hình ảnh do phía Nga công bố - Boeing 777 có sải cánh dài hơn và phần đầu cánh nhọn hơn.
Hình gốc của chiếc 767 từ trang web của Boeing...
và khi đặt vào bức hình do truyền hình Nga công bố, chúng hoàn toàn trùng khớp
Trang web điều tra báo chí của Anh Bellingcat khẳng định, hình ảnh của Nga chụp một chiếc Boeing 767, và nó là một trong những kết quả đầu tiên khi tìm kiếm hình ảnh trên Google với từ khoá "Boeing nhìn từ trên xuống" bằng tiếng Nga. Hình ảnh này cũng có trong trang web giới thiệu về 767 của hãng Boeing.
Vị trí logo thương hiệu Malaysia Airlines giữa chiếc máy bay trong ảnh vệ tinh của Nga và chiếc máy bay của Malaysia Airline trong thực tế cũng có sự sai khác.
So sánh giữa MiG-29, chiếc chiến đấu cơ trong ảnh vệ tinh của Channel 1 và chiếc Su-27
Chiến đấu cơ trong hình của truyền hình Nga tương tự chiếc Su-27
Cũng theo Bellingcat, hình ảnh chiếc chiến đấu cơ bắn hạ MH17, mà theo kênh truyền hình Nga là MiG-29, lại trông giống Su-27 hơn.
Mặc dù hình ảnh khá mờ, nhưng vẫn có thể phân biệt được dựa vào những đặc điểm nổi bật của 2 loại chiến đấu cơ, đặc biệt là phần diện tích gốc cánh mở rộng (LERX). Mig-29 có LERX rộng và hình thang, còn Su-27có LERX nhỏ hơn, hình tam giác. Ngoài ra hình dạng cánh cũng là một đặc điểm dễ phân biệt.
Vị trí trúng tên lửa của MH17 thực tế là ở bên trái buồng lái, thay vì bên phải như trong ảnh vệ tinh của truyền hình Nga.
Nhà bình luận Andrei Menshenin của đài phát thanh Nga Ekho Mosky cũng cho rằng, góc tấn công của tên lửa trong bức ảnh vệ tinh không tương thích với vị trí chiếc máy bay gặp nạn tại hiện trường.
Cụ thể, theo như những hình ảnh từ hiện trường thì MH17 bị trúng tên lửa vào phần đầu máy bay, gần buồng lái, bên trái. Nhưng trong bức ảnh của truyền hình Nga thì tên lửa từ chiến đấu cơ lại được phóng từ bên phải.
Báo Anh The Guardian dẫn lời kỹ sư Nga Mark Solonin nhận định, trong bức ảnh, cả hai máy bay đều có kích thước quá khổ so với những cánh đồng ở phía dưới mặt đất.
Trong ô màu đỏ, ở góc trái bức hình, có thể thấy rõ hình ảnh đường băng của một phi trường. Đó chính là phi trường Donetsk, với đường băng dài 4 km. Trên hình có thể thấy chiều dài của đường băng này và của máy bay là gần như tương đương, mặc dù chiếc Boeing 777-200ER chỉ dài 63,7 m.
Theo kênh truyền hình Nga Channel 1, thì hình ảnh này được chụp từ một vệ tinh của Mỹ. Các vệ tinh do thám bay theo nhiều quỹ đạo khác nhau, mỗi vệ tinh lại có độ cao so với mặt đất thay đổi tùy theo vị trí trên quỹ đạo. Nhưng chúng phải đảm bảo độ cao tối thiểu trên 200 km so với mặt đất nếu muốn hoạt động lâu dài, vì dưới độ cao này ma sát với với những phân tử không khí đủ lớn để khiến cho vận tốc của vệ tinh giảm dưới mức cần thiết để duy trì quỹ đạo.
Tất nhiên, vật thể càng gần camera thì sẽ càng có kích thước lớn.
Tuy nhiên, MH17 bị bắn rơi khi đang ở độ cao 10 km. Như vậy ngay cả nếu vệ tinh ở độ cao thấp nhất, 200 km, thì sự chênh lệch về khoảng cách giữa vệ tinh và máy bay cũng như với mặt đất là không đáng kể. Sự chênh lệch này càng nhỏ hơn nếu vệ tinh ở những độ cao lớn hơn, từ 500 đến 600 km. Sự chênh lệch nhỏ này không thể tạo ra sự khác biệt về tỷ lệ lớn đến mức một vật thể dài chưa đầy 70 m và một vật thể dài 4.000 m lại có kích thước tương đương trong hình.
Nhận định về tư liệu mới này của Channel 1, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích đây là nỗ lực "lố bịch" của Nga nhằm "che giấu sự thật và rũ bỏ trách nhiệm" trong vụ MH17, đồng thời kêu gọi Nga và ly khai cho phép các điều tra viên được tự do tiếp cận hiện trường vụ việc.
Còn Ngoại trưởng Australia Julie Bishop mô tả bức ảnh “là hàng giả, được dàn dựng”.
Ông Volodymyr Polevoy, phát ngôn viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh Nga cũng đồng quan điểm về tính chân thực của bức ảnh và cho rằng, chúng là "một sự giả mạo thô bạo".
Trong khi đó, Nga vẫn chưa có bất cứ phản ứng nào về những bức ảnh do Channel 1 công bố.