5 lý do báo chí "ưu ái" khủng bố Paris hơn thảm kịch Lebanon

Đức Huy |

Báo Washington Post (Mỹ) hôm nay đã đăng tải một bài góc nhìn trong đó phân tích lý do tại sao vụ khủng bố tại Paris lại nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ truyền thông.

Vụ khủng bố đêm thứ sáu ngày 13 vừa qua tại kinh đô ánh sáng đã khiến cả thế giới chấn động. Các phương tiện thông tin đại chúng dồn hết tâm lực vào đưa tin cập nhật từng giây từng phút tất cả những diễn biến tại Paris. Cư dân mạng trên toàn cầu thay đổi hình ảnh đại diện của mình trên Facebook hay Twitter để bày tỏ sự đồng cảm với nước Pháp.

Nhưng tại sao Lebanon không được như vậy? Khi mà chỉ một ngày trước vụ khủng bố đẫm máu tại nhà hát Bataclan, một vụ đánh bom liều chết đã cướp đi sinh mạng của 41 người dân nước này?

Rất nhiều người đã phê phán truyền thông phương Tây phân biệt đối xử. Một bác sĩ người Lebanon, trong một bài viết được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội những ngày qua, đã phải ngậm ngùi kết luận rằng "có lẽ mạng người Arab không có giá trị bằng..."

Theo chuyên gia Brian Phillips, giảng viên quan hệ quốc tế và chính trị thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Giảng dạy Kinh tế (CIDE) tại Mexico, đúng là đã có một chút phân biệt đối xử trong cách đưa tin của phương Tây, đơn giản vì người xem thường sẽ quan tâm hơn tới những nạn nhân có nhiều nét tương đồng với họ.

Nhưng ngoài ra, có nhiều lý do khác để truyền thông phương Tây làm như vậy.

Thế nào thì đáng để đưa tin?

Theo ông Phillips, về mặt chuyên môn, có hai ý mà tất cả cần hiểu về cách mà người làm truyền thông ưu tiên đưa tin.

Thứ nhất, tin tức được chọn lựa thường phải là những chi tiết khác thường. Đơn giản là nếu "chó cắn người" thì sẽ không đáng làm tin, nhưng "người cắn chó" thì đáng. Điểm mấu chốt không phải là đánh giá liệu chó cắn thì có đáng quan tâm không, mà là đánh giá việc khác thường, việc gây bất ngờ, tức người cắn chó.

Thứ hai, các hãng tin luôn bị chi phối bởi thị hiếu người xem. Tâm lý con người thường chú tâm hơn vào các sự kiện gây ảnh hưởng trực tiếp tới mình. Do đó, nếu hãng tin cảm thấy người xem của mình sẽ dễ bị "lay động" hơn bởi một sự kiện nhất định, sự kiện đó sẽ được họ chú tâm đưa tin nhiều hơn các sự kiện nhiều khả năng sẽ không được người xem để ý.


Nếu hãng tin cảm thấy người xem của mình sẽ dễ bị lay động hơn bởi một sự kiện nhất định, sự kiện đó sẽ được chú tâm đưa tin nhiều hơn các sự kiện nhiều khả năng sẽ không được người xem để ý. Ảnh: AP

"Nếu hãng tin cảm thấy người xem của mình sẽ dễ bị "lay động" hơn bởi một sự kiện nhất định, sự kiện đó sẽ được chú tâm đưa tin nhiều hơn các sự kiện nhiều khả năng sẽ không được người xem để ý". Ảnh: AP

1. Pháp là một mục tiêu bất thường

Theo ông Phillips, một lý do tại sao vụ khủng bố này thu hút nhiều sự chú ý trong cộng đồng quốc tế đến thế là do Pháp không phải hứng chịu nhiều vụ khủng bố như Lebanon.

Năm 2014, Lebanon là nạn nhân của hơn 200 vụ tấn công khủng bố, giết hại 114 người dân, theo số liệu của Dữ liệu Khủng bố Toàn cầu (GTD). Trong khi đó, cùng kì tại Pháp, chỉ một người chết vì khủng bố.

Với Pháp, năm 2015 đã chứng kiến nhiều bạo lực hơn hẳn so với năm ngoái, điển hình là vụ thảm sát tại tòa soạn Charlie Hebdo hồi tháng 1 và mới đây là vụ tấn công trên nhiều điểm nóng khắp Paris. Nhưng xét một cách tổng thế, trong nhiều năm qua Pháp không phải hứng chịu nhiều vụ tấn công khủng bố bằng các quốc gia Trung Đông như Lebanon, nơi luôn chìm trong bất ổn.

2. Paris là một điểm đến du lịch toàn cầu

Vụ tấn công nhắm vào Paris cũng gây sốc vì rất nhiều người trên thế giới đã từng đặt chân tới, hoặc lên kế hoạch sẽ tới, thành phố này. Pháp cũng là quốc gia được thăm quan nhiều nhất trên thế giới.

Và theo ông Phillips, điều này đã tạo hiệu ứng tâm lý "điều này cũng có thể xảy đến với mình", đồng thời cũng khiến người ta phải giật mình khi nghĩ rằng người thân của mình cũng có thể trở thành nạn nhân của khủng bố.

Các phần tử cực đoan đương nhiên cũng muốn nhắm tới những điểm nóng du lịch như Paris, vì điều đó sẽ giúp chúng gây chú ý. Ngoài ra, ảnh hưởng về mặt kinh tế đối với ngành du lịch phát triển của Pháp cũng hết sức đáng kể, qua đó giúp các phẩn tử khủng bố đạt được mục đích trả đũa những đợt không kích của Pháp tại Syria.

3. Không nhắm vào ai cụ thể

Theo ông Phillips, vụ khủng bố tại Paris cũng chứng kiến một hình thức tinh vi được các phần tử cực đoan sử dụng. Chúng lên kế hoạch tấn công theo thời gian ở nhiều địa điểm công cộng, và nguy hiểm hơn là không nhắm vào một nhóm người cụ thể.

Những kẻ đánh bom liều chết tấn công Stade de France với hàng chục nghìn người dự khán, trong đó có Tổng thống Pháp. Một số kẻ khác nhắm vào các nhà hàng, xả súng vào những người dân thường đang dùng bữa. Và đẫm máu nhất là vụ tấn công tại nhà hát Bataclan khiến 89 người chết.


IS đã lên kế hoạch tấn công theo thời gian ở nhiều địa điểm công cộng, và nguy hiểm hơn là không nhắm vào một nhóm người cụ thể. Ảnh: Debka

IS đã lên kế hoạch tấn công theo thời gian ở nhiều địa điểm công cộng, và nguy hiểm hơn là không nhắm vào một nhóm người cụ thể. Ảnh: Debka

Xét một cách tổng thế, vụ khủng bố lần này đáng sợ một cách khác thường vì chúng không nhắm vào một nhóm người cụ thể như người Cơ đốc giáo, sinh viên đại học, hay quan chức chính phủ, mà chúng nhắm vào bất kì ai có mặt tại địa điểm khi đó.

4. Một chiến trường mới của IS?

Đây cũng là một lý do tại sao vụ tấn công tại Paris lại thu hút nhiều sự chú ý đến vậy.

Từ trước đến nay, IS đa phần chỉ nhắm vào Syria và Iraq, cộng với một vài vụ tấn công tại các quốc gia lân cận như Lebanon. Do đó, nhiều nhà phân tích đã cho rằng đối với phương Tây, IS không hẳn là một mối hiểm họa trực tiếp như al-Qaeda khi xưa đã làm tại Mỹ với vụ 11/9.

Dù IS đã "tạo cảm hứng" cho nhiều phần tử "sói đơn độc" gieo rắc khủng bố tại Mỹ và các nước châu Âu, nhìn chung tổ chức này không tập trung nguồn lực của mình nhắm vào phương Tây. Bản thân vụ Charlie Hebdo khi xưa cũng không có liên hệ trực tiếp với IS mà là một hành động bột phát của các dư đảng al-Qaeda.

Tuy nhiên, sau vụ tấn công tại Paris mới đây, có thể thấy IS đã "vươn vòi" sang cả các nước phương Tây, nơi mà các vụ khủng bố rất hiếm khi xảy ra.

5. Đây là một vụ tấn công có tổ chức, được tính toán kĩ lưỡng

Từ những cuộc tấn công đơn lẻ tới một vụ khủng bố được tính toán kĩ lưỡng là một chuyển biến hết sức đáng lo ngại, do đó gây nhiều sự chú ý trong truyền thông.

Để một vụ tấn công như vừa rồi tại Paris có thể xảy ra, các tổ chức khủng bố phải tìm được những phần tử "tay trong" để phối hợp hành động mà vẫn qua mặt được một quốc gia với hệ thống camera theo dõi và tình báo tân tiến bậc nhất thế giới.

Đây là lý do tại sao các nước phương Tây phát triển "chỉ" phải hứng chịu những vụ tấn công đơn lẻ. Nhưng với việc IS đã có thể thực hiện một vụ khủng bố với quy mô như tại Paris vừa qua không chỉ khiến Pháp hoang mang, mà còn khiến cả châu Âu cũng như an ninh toàn cầu phải "mất ăn mất ngủ".

Chính điều đó cũng phần nào dẫn tới sự chú ý đặc biệt dành cho vụ khủng bố tại Paris.

---

Tóm lại, vụ khủng bố tại Paris đã gây sốc trên toàn thế giới vì nhiều lý do.

Đúng là các vụ việc đau lòng tại các nước kém phát triển hơn như Lebanon đáng nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế.

Đúng là các kênh truyền hình, báo đài phương Tây đáng ra nên dành nhiều thời lượng hơn cho những câu chuyện thương tâm đang diễn ra hàng ngày tại Trung Đông.

Nhưng cũng phải công nhận rằng, bản chất vụ khủng bố tại Paris thu hút được nhiều sự chú ý hơn thảm kịch tại Lebanon không đơn thuần chỉ do truyền thông phương Tây "thiên vị", mà còn vì 5 lý do kể trên.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại