4 "con voi" khiến Ấn Độ-Pakistan muôn đời không thể hàn gắn

Thùy Trang |

Viễn cảnh của một cuộc đàm phán cấp cao giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn còn khá xa xôi, thậm chí thiếu thực tế, ông Amit Dasgupta, một nhà ngoại giao của Ấn Độ viết trên Eurasia Review.

Cuối năm ngoái, sự kiện Thủ tướng Ấn ĐộPakistan cùng nhau hứa hẹn nối lại các cuộc hội đàm cấp cao đã vô tình đem tới nhiều kì vọng không thực tế. Đây có lẽ là cũng là "lời nguyền" của các cuộc gặp mặt giữa Ấn Độ và Pakistan.

Hiếm cuộc gặp gỡ song phương nào mang tới nhiều xúc cảm như những lần trao đổi được kì vọng nhưng cũng thường bị trì hoãn giữa Ấn Độ và Pakistan, ông Amit Dasgupta nhận định.

Chỉ một tháng sau tuyên bố trên, vụ tấn công Pathankot, những lời khai chấn động của phần tử khủng bố người Mỹ gốc Pakistan David Headley, cũng như vụ bê bối của trường đại học Jawaharlal Nehru, đã vạch rõ những khó khăn cản trở tiến trình ngoại giao giữa hai nước.

Rất nhiều người cho rằng có quá nhiều vấn đề chưa được giải quyết, và hai nước khó lòng đạt được một cuộc đối thoại hiệu quả, chứ đừng nói tới đột phá trong đàm phán.

Đầu tiên có thể kể đến cuộc chiến tranh giải phóng của Bangladesh, nơi từng thuộc về Pakistan.

Thất bại hoàn toàn của Pakistan, sự xuất hiện của một quốc gia mới cũng như việc quân đội Ấn Độ có thể đã tiến vào Islamabad và "giải phóng" Kashmir, nơi Pakistan chiếm đóng, sẽ luôn là vết thương tâm lý trong thâm tâm quân đội Pakistan.

Với họ, Ấn Độ là kẻ thù quốc gia, cần phải bị tiêu diệt, bắt đầu bằng Kashmir, nơi phần đông dân số là tín đồ Hồi giáo, để trả thù cho những gì đã mất tại đông Pakistan.

Đây cũng có thể nói chính là mối bận tâm duy nhất của quân đội Pakistan.


Vụ tấn công ở Pathankot làm người dân Ấn Độ sục sôi vì tức giận. Ảnh: AFP

Vụ tấn công ở Pathankot làm người dân Ấn Độ sục sôi vì tức giận. Ảnh: AFP

Thứ hai, sau khi bị chia cắt , Pakistan, được xây dựng trên các nguyên tắc chính trị thần quyền, khó có thể công nhận sự tồn tại của một Ấn Độ thế tục, nơi tín đồ Hồi giáo chỉ có chỗ đứng ngang hàng với các thành phần thiểu số khác.

Có khá nhiều bằng chứng cho thấy đã có bàn tay của Islamabad dưới dạng một cuộc chiến ủy nhiệm thông qua việc cung cấp viện trợ, tài chính cũng như huấn luyện cho các phần tử vũ trang gây rối tại Ấn Độ.

Những lời khai của Headley, cùng với kẻ khủng bố ngày 26/11 bị bắt sống, Kasad, là những minh chứng rõ ràng nhất về đồng lõa với khủng bố ở cấp độ cao nhất của Pakistan, ông Dasgupta viết.

Thứ ba, Bắc Kinh vẫn luôn xem New Delhi là một mối hiểm họa đối với tham vọng bành trướng và trở thành bá chủ thế giới của Trung Quốc.

Cùng với tầm ảnh hưởng cũng như các mối quan hệ ngoại giao ngày càng gia tăng của Ấn Độ, mối lo ngại của Bắc Kinh cũng theo đó mà tăng thêm.

Đối với Islamabad, đây chính là một cơ hội tuyệt vời để cô lập Ấn Độ, đặc biệt là tại Nam Á.

Thứ tư, việc Mỹ liên tục "gõ đầu" Islamabad về việc hỗ trợ các tổ chức quân sự chống lại Mỹ và các chiến dịch chống khủng bố, trong khi lại đồng ý bán máy bay F-16 và nhiều loại vũ khí khác, cũng khiến tình hình trở nên khó nắm bắt hơn.

Sau sự kiện này, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã có một động thái "xưa nay hiếm", đó là triệu tập Đại sứ Mỹ nhằm bày tỏ sự bất bình. Tuy nhiên, thực tế lại chỉ ra rằng chính sách của Mỹ đối với Islamabad vẫn sẽ tiếp tục thay đổi.

Những chướng ngại trên đã loại bỏ tính khả thi của các cuộc đàm phán.

Không khí giữa hai nước vẫn tiếp tục căng thẳng và khó có thể dự đoán trước về ảnh hưởng của các cuộc đối thoại hiệu quả đối với tình hình hiện nay, ông Dasgupta viết.

Nhiều người không nhận thức được rằng đồng ý đối thoại khác hẳn với việc đối thoại, và còn xa mới tới được tiến trình đám phán thực sự.

Theo ông Dasgupta, nếu Ấn Độ và Pakistan không chấp nhận được những thực tế về mặt địa lý của nhau, viễn cảnh về việc hòa giải, dù hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích, vẫn còn khá xa xôi và không thực tế.

Căng thẳng sẽ tiếp tục phá hỏng quan hệ hai nước, trừ khi quân đội ở Pakistan sẵn sàng ngồi xuống đàm phán trong vai trò một đối tác tin cậy, và các hãng thông tấn 24/7 của Ấn Độ cho phép các cuộc đối thoại xây dựng niềm tin bắt đầu.

Có vẻ như viễn cảnh tốt đẹp nhất một người có thể hi vọng là một kiểu quan hệ song phương mới, một trạng thái bình yên đầy khắc khoải hoặc thái độ xa cách mang tính chiến lược giữa hai nước.

Quá nhiều định kiến đã bám rễ sâu. Quá nhiều ký ức và trải nghiệm bất hạnh đã trở thành một phần của lịch sử. Chúng chính là thực tế. Nhiều người dân đã phải chết. Vết sẹo của chủ nghĩa khủng bố cũng như những ngờ vực vẫn còn tồn tại.

Như một cựu Thủ tướng từng nói: "Khó có thể bắt tay nhau khi biết rằng bạn có thể bị đá vào chân ở dưới gầm bàn bất kì lúc nào".

Người Thủ tướng ấy, trong hội nghị lịch sử của Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC) cũng tuyên bố: "Hãy cùng nhau làm giàu". Ông đã mở ra viễn cảnh tốt đẹp về sự hưng thịnh trong một khu vực trước nay chỉ biết tới đói nghèo.

Trong tương lai, vẫn chưa rõ rằng liệu hai bên sẽ mạnh dạn tiến tới đàm phán hay tiếp tục bị các chướng ngại trên chi phối.

Tuy nhiên, trong lúc này, như một câu thành ngữ của Anh, có vẻ "con voi" cản trở quan hệ ngoại giao hai nước "vẫn đang ở trong phòng", và không ai thấy bóng dáng người quản tượng, ông Dasgupta viết.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại