Mỹ và Nga hôm qua (22/2) đã công bố thỏa thuận ngừng bắn một phần trên lãnh thổ Syria. Theo đó, lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu từ ngày 27/2, nhưng các bên đều nhấn mạnh những trở ngại phía trước trên con đường ngoại giao nhằm nỗ lực kết thúc cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm qua ở quốc gia Trung Đông này.
Thỏa thuận ngừng bắn không toàn diện
Theo tiết lộ của RT, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong ngày 22/2 để bàn bạc về điều khoản của thoả thuận.
Tại cuộc điện đàm, ông Putin nói rằng, “đây là cơ hội thật sự để chấm dứt đổ máu tại Syria và cũng nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo cần thiết”.
Theo các điều khoản của thỏa thuận, các bên liên quan sẽ sử dụng ảnh hưởng để gây sức ép, buộc Chính phủ Syria và phe đối lập vũ trang tại nước này đồng ý “đình chiến”, thỏa thuận có hiệu lực vào ngày 27/2.
Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn không áp dụng cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm mặt trận Al-Nusra, điều này đặt ra câu hỏi lớn cho tính khả thi của thỏa thuận nói trên.
Thỏa thuận kêu gọi Chính phủ Syria và phe đối lập tuân thủ “hiệp định đình chiến” – một thuật ngữ đã được lựa chọn rất cẩn thận vì nó không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một thỏa thuận ngừng bắn chính hiệu.
Theo đó, Mỹ có trách nhiệm buộc phe đối lập tuân thủ, trong khi Nga phải gây sức ép với Chính phủ Syria thực hiện nhiệm vụ tương tự. Washington và Moscow cũng đồng ý thiết lập đường dây nóng để giám sát việc tuân thủ của cả hai bên.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đảm bảo rằng, phía Mỹ sẽ nỗ lực để các điều khoản trong thỏa thuận được thực thi, trong khi ông Putin đánh giá rất cao cam kết này.
Tổng thống Nga nói: “Tôi chắc chắn rằng, các hành động chung với sự hợp tác của phía Mỹ có khả năng thay đổi hoàn toàn cục diện khủng hoảng ở Syria”.
Trong khi đó, Nhà Trắng tỏ ra “kiềm chế” hơn trước diễn biến mới này khi công bố nội dung vắn tắt cuộc trò chuyện giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ mà không dành cho nó những mỹ từ đặc biệt nào.
Theo Nhà Trắng, ông Obama đã nói với ông Putin rằng, thỏa thuận ngừng bắn là “để làm giảm bớt sự khổ đau cho người dân Syria”, thúc đẩy một giải pháp chính trị và tập trung vào cuộc chiến của liên quân chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
“Điều này rất khó để có thể thực hiện. Thực tế là tình hình ở Syria rất phức tạp”, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói.
Thỏa thuận không dễ thực thi
Nhận định của ông Earnest không phải là không có cơ sở. Tình hình trên thực địa ở Syria dường như ngày càng khó nắm bắt. Chỉ 1 ngày trước khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn, các vụ đánh bom liên tiếp xảy ra tại thủ đô Damascus và thành phố Homs của Syria đã làm ít nhất 140 người chết.
Trong khi đó, các cáo buộc lẫn nhau về việc không kích nhầm vào những mục tiêu dân sự giữa Nga và Mỹ vẫn xuất hiện “như cơm bữa” trên mặt báo.
Không thể phủ nhận, các nỗ lực ngoại giao đã mang lại những thành quả bước đầu: lần đầu tiên trong tháng 2/2016, những chuyến hàng viện trợ đã được chuyển đến những thị trấn vốn bị bao vây và cô lập ở các vùng chiến sự ác liệt.
Nhưng những người may mắn được tiếp cận nhân đạo chỉ là “hạt cát” trong số “biển người” Syria đang cần đến sự trợ giúp thực phẩm và các dịch vụ y tế.
Các nhóm hoạt động nhân đạo cho rằng, việc đưa số phận những người dân đang ở tận cùng của sự tuyệt vọng ra làm thứ để giao dịch, đổi lấy thỏa thuận chính trị là điều không thể chấp nhận được và chỉ khiến cho tình hình thêm tồi tệ.
Nhìn lại quá trình đi đến một thỏa thuận ngừng bắn không toàn diện, có thể thấy, thỏa thuận này chỉ có được sau khi những nỗ lực ban đầu thất bại.
Còn nhớ, hôm 12/2, tại Munich, Đức, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng tuyên bố về một lệnh ngừng bắn có hiệu lực trong vòng một tuần nhưng các bên đã không thể đi được đến đích cuối cùng.
Hôm 21/2, khi có mặt tại thủ đô Amman của Jordan, ông Kerry đã 3 lần điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov để bàn về các chi tiết của thỏa thuận ngừng bắn.
Và hôm qua, trong khi quay trở lại Washington, ông Kerry đã thông báo tới các quan chức Anh, Pháp, Đức, Saudi Arbia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ về thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được.
New York Times cho rằng, là một nhà ngoại giao, ông Kerry dường như lạc quan hơn Nhà Trắng về triển vọng cho một giải pháp ngoại giao ở Syria nhưng tuyên bố của ông hôm qua (22/2) lại không cho thấy điều đó.
Ông không đề cập đến thời điểm 27/2 mà chỉ mô tả thỏa thuận ngừng bắn là “đầy hứa hẹn” và “để thực hiện lời hứa đó phải phụ thuộc vào hành động của các bên liên quan”.
Một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên cho rằng: “Ông Kerry hẳn nhiên là cảm thấy vui vì chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn dù chưa toàn diện, nhưng ông ấy không sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được điều đó. Trong tâm trí của ông Kerry, đây không phải lúc để ăn mừng”.
Hy vọng vẫn rất mong manh
Trong khi đó, các nhà phân tích bày tỏ hoài nghi về tính khả thi của thỏa thuận này khi mà những diễn biến trên thực địa cho thấy, ở vào thời điểm 5 ngày trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, quân đội Syria và không quân Nga có thể gây thiệt hại nhiều hơn cho lực lượng đối lập thông qua các cuộc tấn công vào Aleppo.
Một số suy đoán cũng cho rằng, Nga có thể mở rộng chiến dịch quân sự ở khu vực tỉnh Idlib, phía Tây Nam Aleppo, nơi phiến quân của nhóm mặt trận Al-Nusra đang hoạt động.
Chuyên gia Frederic Hof, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, người từng có thời gian làm việc về chính sách Syria trong chính quyền nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama nhận định: “Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào thiện chí của Nga, Iran và chế độ Assad, tuy nhiên họ đều không cho thấy động thái nào tích cực trong những năm qua”.
Ông Hof cáo buộc: “Người Nga có khả năng để thúc đẩy thực thi thỏa thuận ngừng bắn trong 5 ngày còn lại nhưng họ đang tận dụng khoảng thời gian đó cùng với cái cớ tấn công Al-Nusra để giành thêm quyền kiểm soát những khu vực ở Syria”.
Từ Riyadh, người đứng đầu Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) thuộc phe đối lập Syria, cựu Thủ tướng Syria Riad Hijab tuyên bố sẽ tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn nhưng tỏ ý hoài nghi về động thái tương ứng của phe Tổng thống Assad.
Đối với chính quyền Tổng thống Obama, thỏa thuận ngừng bắn một phần ở Syria có thể đơn giản là cách giúp Mỹ duy trì việc kiểm soát tình hình bạo lực ở quốc gia Trung Đông này, trong khi đó dành sự tập trung lớn hơn vào lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động quân sự chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Libya.
Theo các chuyên gia phân tích, thỏa thuận ngừng bắn một phần ở Syria không thể được coi là nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria mà chỉ là biện pháp để giảm bớt đổ máu, vừa đủ để cho phép các hoạt động viện trợ nhân đạo cho những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến sự như Aleppo.
Chuyên gia về Syria, Andrew Tabler của Viện Washington về chính sách Cận Đông cho biết: “Những gì mà Washington đang làm không phải để chấm dứt cuộc chiến ở Syria. Họ chỉ muốn nó hạ nhiệt để nắm bắt tình thế tốt hơn”./.