2 lý do "Giấc mơ Trung Hoa" có thể thành ác mộng vào năm 2016

Đức Huy |

Trong một bài phân tích trên trang The Diplomat, chuyên gia Kerry Brown chỉ ra 2 sự thay đổi nhiều khả năng sẽ khiến Trung Quốc lao đao vào năm 2016.

Cuối những năm 1990, Chủ tịch nước Trung Quốc khi đó là Giang Trạch Dân thường nhắc đến một "thời cơ chiến lược" kéo dài 20 năm, mà trong đó Trung Quốc tập trung phát triển kinh tế và "nhường" vai trò cường quốc cầm trịch cho Mỹ.

Trong thời kỳ này, Trung Quốc ẩn mình và nhìn chung không nắm giữ trách nhiệm lãnh đạo trên trường quốc tế. Họ tạo dựng hình ảnh là một nước nghèo đang phát triển, lấy cớ tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ để tránh nhiệm vụ ngoại giao bên ngoài lãnh thổ.

Đến nay, cái "thời cơ chiến lược" này đã đi được 3/4 chặng đường. Và theo chuyên gia Kerry Brown, có nhiều lý do để tin rằng thời đại này của Trung Quốc đã khép lại.

Sâu đã thoát khỏi kén

Xét về cả kinh tế lẫn địa chính trị, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đang mang nhiều phong thái của một cường quốc.

Với những tuyên bố về một "hình mẫu mới" trong quan hệ cường quốc Trung - Mỹ, hay mới đây là "Con đường tơ lụa" kết nối toàn cầu, có thể thấy Trung Quốc ngày nay đã sẵn sàng trở thành tâm điểm của sự chú ý trên trường quốc tế.

Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình khác xa với Trung Quốc dưới thời Giang Trạch Dân. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình khác xa với Trung Quốc dưới thời Giang Trạch Dân. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Theo ông Brown, một Trung Quốc ẩn mình và tập trung vào các vấn đề nội bộ nay đã được thay thế bởi một Trung Quốc mới, một Trung Quốc chủ động tranh giành vị trí lãnh đạo trên trường quốc tế, một Trung Quốc muốn các nước khác phải lắng nghe mình.

Brown cho rằng Trung Quốc hiện đang ở một vị trí thuận lợi để tiếp tục tranh giành ảnh hưởng trên trường quốc tế và đẩy mạnh vị thế cường quốc, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc nên tận dụng tối đa thời cơ này vì thời thế sẽ thay đổi rất nhanh chỉ trong năm tới.

Khi đó, một số chuyển biến mang tính quyết định nhiều khả năng sẽ biến "Giấc mơ Trung Hoa" của ông Tập Cận Bình trở thành "ác mộng".

Nhà Trắng đổi chủ

Theo đánh giá của ông Brown, trong hơn 6 năm đương nhiệm, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tỏ ra tương đối "hiền" với Trung Quốc.

Dù không ít lần tuyên bố "xoay trục" và cân bằng cán cân quyền lực tại châu Á, ông Obama chưa bao giờ được phía Trung Quốc coi trọng, thể hiện rõ nét qua cách đối xử chẳng lấy gì làm trọng thị của nước chủ nhà trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Bắc Kinh năm 2009.

Nhiệm kì của ông Obama đã chứng kiến sự nổi lên của một Trung Quốc quyết đoán đến mức huênh hoang, một Trung Quốc luôn tự cho mình quyền được đưa ra quyết định, ít nhất là trong khu vực.

Việc kí kết hiệp định chống biến đổi khí hậu với Trung Quốc vào năm ngoái có thể được coi là một thành công của Tổng thống Obama, một nước đi có thể sẽ đem lại nhiều lợi ích trong tương lai.

Tuy nhiên, trong suy nghĩ của đa số giới làm chính trị ở Bắc Kinh cũng như Washington, ông chủ Nhà Trắng luôn bị coi là yếu thế trong ngoại giao với Trung Quốc.

Nhưng người chủ mới của Nhà Trắng chắc chắn sẽ không "dễ dãi" với Trung Quốc như vậy.

Dù chưa chính thức tuyên bố tranh cử, nhưng giới phân tích đánh giá cao khả năng đắc cử Tổng thống của bà Hillary Clinton. Trong mắt chính quyền Trung Quốc, phu nhân cựu Tổng thống Bill Clinton là một người hoàn toàn khác với nhà lãnh đạo Washington hiện tại.

Từ hội nghị Liên hiệp quốc về quyền phụ nữ tại Bắc Kinh vào năm 1995 đến những chuyến thăm Trung Quốc với tư cách Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton đã xây dựng hình ảnh một nữ lãnh đạo cứng rắn và đầy tham vọng trong mắt giới chức và truyền thông Trung Hoa.

Bà Hillary Clinton nhiều khả năng sẽ có những chính sách đối ngoại cứng rắn hơn với Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.
Bà Hillary Clinton nhiều khả năng sẽ có những chính sách đối ngoại cứng rắn hơn với Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Theo ông Brown, giới chức Trung Quốc ngay từ bây giờ nên bắt đầu tính đến những thay đổi trong chính sách ngoại giao của một Nhà Trắng dưới thời bà Clinton, những sự thay đổi với tham vọng khẳng định vị thế số một của Mỹ trên trường quốc tế.

Bất ổn cận kề

Cũng trong năm 2016, Đài Loan sẽ tiến hành bầu cử tìm người lãnh đạo mới. Tương tự như Tổng thống Obama tại Mỹ, người đương nhiệm Mã Anh Cửu của Quốc Dân Đảng (KMT) luôn được đánh giá là một "đồng minh" tốt của Bắc Kinh.

Trong gần 7 năm qua, ông Mã đã tập trung thúc đẩy hợp tác kinh tế và nhấn mạnh sự cẩn trọng trong chính trị với đại lục, qua đó giảm đáng kể căng thẳng giữa hai bờ eo biển, khác xa với những gì đã diễn ra trong 8 năm trước đó dưới thời Trần Thủy Biển.

Tuy nhiên, chính sách này cũng khiến ông Mã không được người dân Đài Loan đánh giá cao. Tỉ lệ ủng hộ ông đang ở mức thấp nhất trong lịch sử các nhà lãnh đạo Đài Loan.

Tỉ lệ ủng hộ của người dân Đài Loan dành cho ông Mã Anh Cửu đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Ảnh: AP

Tỉ lệ ủng hộ của người dân Đài Loan dành cho ông Mã Anh Cửu đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Ảnh: AP

Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) được đánh giá là sẽ chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử năm 2016. Và theo ông Brown, các chính sách của DPP đối với chính quyền đại lục sẽ cứng rắn hơn nhiều so với những gì ông Mã và KMT đã thể hiện trong những năm gần đây.

Chỉ trong một vài tháng năm 2016, hai đối tác quan trọng của Bắc Kinh sẽ thay lãnh đạo. Theo ông Brown, những chuyển biến này nhiều khả năng sẽ mang lại một môi trường mang nặng tính đối đầu và nhiều va chạm hơn với Trung Quốc.

Và nếu không tận dụng tối đa khoảng thời gian 18 tháng sắp tới, khi mà mọi thứ đang diễn ra theo hướng có lợi cho mình, "Giấc mơ Trung Hoa" nhiều khả năng sẽ trở thành khơi nguồn của một "ác mộng" cho ông Tập Cận Bình và Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại