14 năm sau sự kiện 11/9: Chủ nghĩa khủng bố đe dọa cả thế giới

Tuệ Minh |

14 năm kể từ sau vụ sự kiện kinh hoàng 11/9/2001, bộ mặt của khủng bố đã thay đổi trên nhiều phương diện. Đối với nhiều chuyên gia, mối đe dọa khủng bố của các nhóm Hồi giáo lớn hơn nhưng cũng thu nhỏ đi ở một số khía cạnh.

Khủng bố giờ đây được phân bổ ở nhiều khu vực địa lý khác nhau và chia nhỏ thành nhiều tổ chức. Thêm vào đó là sự bùng nổ của các mạng xã hội và internet so với năm 2001.

Ở phương Tây, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo thường diễn biến bất ngờ hơn là có tổ chức hay dưới sự chỉ đạo. Mối đe dọa này cũng dễ thay đổi và không thể đoán trước được như thời điểm năm 2001.

Các công cụ sử dụng trong các cuộc khủng bố cũng đa dạng hơn, từ những loại vũ khí phức tạp hay các phương tiện không người lái chính xác, cho đến tình báo tài chính hay các phần mềm thuật toán lấy cắp dữ liệu công nghệ thông tin.

Vụ tấn công với quy mô tương tự như sự kiện 11/9/2001 không có nhiều khả năng tái diễn nhưng những vụ khủng bố nhỏ lẻ với mức độ thiệt hại ít hơn lại ngày càng gia tăng và diễn ra thường xuyên hơn.

Ai phải chịu trách nhiệm?

Mới đây, tổ chức al Qaeda đã công bố đoạn băng dài 45 phút trong đó nhà lãnh đạo tổ chức Ayman al-Zawahiri đã mô tả mọi thứ thay đổi như thế nào.

14 năm trước, al Qaeda là lực lượng không có đối thủ trong thế giới hồi giáo cực đoan và càng nổi danh từ sau sự kiện 11/9.

Ngày nay, theo al-Zawahiri, người đã kế nhiệm Osama bin Laden từ năm 2011, nhóm này đang phải đấu tranh với tổ chức khủng bố mới nổi là nhà nước Hồi giáo IS ở Iraq và Syria.


Tòa tháp đôi tại New York hoàn toàn sụp đổ sau vụ tấn công hôm 11/9/2001. Nguồn: CNN

Tòa tháp đôi tại New York hoàn toàn sụp đổ sau vụ tấn công hôm 11/9/2001. Nguồn: CNN

Trong thông điệp cuối cùng, al-Zawahiri đã đưa ra một lời cảnh báo đối với IS và lãnh đạo của tổ chức này là Abu Bakr al-Baghdadi: “Chúng tôi không công nhận nhóm Hồi giáo này, chúng tôi không coi IS là một nhóm Hồi giáo theo phương thức tiên tri, thay vào đó, đây chỉ là một tổ chức chuyên đi chiếm đoạt mà không được phép”.

Al Qaeda luôn coi chiến dịch của mình là một cuộc đấu tranh kéo dài qua nhiều thế hệ, hướng tới một ngày hoàng kim khi Hồi giáo chiếm thế thượng phong.

Nhưng sau đó, từ năm 2010, 2011, al-Baghdadi xây dựng IS từ đống tro tàn của al Qaeda ở Iraq, mở rộng hoạt động tới Syria năm 2012 và tuyên bố mình là Vua của đạo Hồi năm 2014.

Kể từ đó thế giới chứng kiến hai phong trào Hồi giáo cực đoan theo một cách không ai có thể tưởng tượng được từ 14 năm trước.

Al Qaeda có trong tay một chuyên gia chế tạo bom khét tiếng tại Yemen, Ibrahim al Asiri và một chỉ huy ở Afghanistan là Farouq al Qahtani, người được cho là cực kỳ thông minh và uy tín.

Dường như nếu hai nhóm khủng bố này coi nhau là địch thủ sẽ trở thành một tin tốt cho thế giới nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Dù không muốn IS chiếm ưu thế nhưng al-Zawahiri vẫn khẳng định: “Bất chấp những sai lầm trên, nếu tôi ở Iraq hay Sham (Syria) tôi cũng sẽ hợp tác với IS để chống lại người Crusader, người Nusayris, những người theo chủ nghĩa thế tục dù cho chúng tôi không thừa nhận tính hợp pháp của nhà nước này”.

Kiểm soát lãnh thổ

14 năm trước, một nhóm Hồi giáo cực đoan theo như các học giả nói là một “tổ chức vô gia cư” nhưng đến nay, lực lượng này đang dần chiếm được một vùng lãnh thổ khá rộng lớn.

Al Qaeda từng là khách của Taliban ở Afghanistan và sau vụ 11/9 đã phải phân tán trong các khu vực vùng núi ở Pakistan.

Trong một khoảng thời gian, al-Shabaab đã kiểm soát một số vùng ở trung tâm và phía Nam Somalia, lực lượng al Qaeda cũng chiếm được mộ số tị trấn ở Mali.

Tuy nhiên, tổ chức này chưa bao giờ có được danh xưng “nhà nước” như IS tự đặt với các dịch vụ xã hội cơ bản và thậm chí cả đồng tiền riêng.

Bất kỳ một hình thức nhà nước nào cũng có thể hình thành nên một kế hoạch lớn hơn và tham vọng hơn.

Nick Rasmussen, giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ, phân tích: “Việc tiếp cận được với các nguồn lực con người và tài chính, kiểm soát lãnh thổ, tất cả là yếu tố cần thiết để hình thành một “thiên đường” an toàn đồng thời vươn tầm với ra ngoài lãnh thổ chiếm đóng”.

Trả lời phỏng vấn trên Sentinel, ông Rasmussen cho biết thế giới đang theo dõi liệu IS có kế hoạch mở rộng hoạt động sang châu Âu và Mỹ hay không.

Ông cũng cho rằng việc Mỹ rút dần sự hiện diện quân sự ở Afghanistan cũng có thể khiến al Qaeda hồi sinh trở lại và đi tìm một vùng đất mới.

Dịch chuyển địa lý

Thời kỳ 11/9/2001, al Qeada dựng trại ở Afghanistan, ngoài ra còn có sự hiện diện của một nhóm Hồi giáo cực đoan ở Algeria và Caucasus cùng một số cơ sở quân sự ở bán đảo Ả Rập.

Giờ đây, nhiều nhóm hồi giáo ở Indonesia đã tới các nước châu Phi và tuyên bố lòng trung thành với cả al Qeada và IS.

Cựu giám đốc CIA Mike Morell cho rằng “chiến thắng lớn nhất của al Qeada là lan truyền lý tưởng của mình ra một khu vực địa lý rộng lớn” từ phía Bắc Nigeria, xuyên qua châu Phi và tới Yemen cũng như Iraq và Syria.


Nhóm khủng bố IS ngày càng áp dụng nhiều thủ đoạn tàn bạo hơn. Nguồn: Reuters

Nhóm khủng bố IS ngày càng áp dụng nhiều thủ đoạn tàn bạo hơn. Nguồn: Reuters

Ông Morell thống kê, có khoảng 20 quốc gia trên thế giới hiện nay có sự hiện diện của các nhóm khủng bố và IS cũng đã tạo ra “các tỉnh thành” bên ngoài biên giới Syria và Iraq với tốc độ chóng mặt.

Ngày càng có nhiều khu vực tiềm ẩn nguy cơ khủng bố từ sau sự kiện 11/9 như: Anh cảnh báo người dân tránh xa Tunisia; một số phần ở Kenya và Ai Cập và gần như toàn bộ lãnh thổ libya; Boko Haram đã biến phần lớn vùng phía Bắc Nigeria thành chiến trường ; và Yemen chưa bao giờ là một địa điểm dễ kiểm soát.

Cuối cùng, Syria, một thể chế từng được coi là khó có thể thay đổi được ở Trung Đông, giờ đây đã đánh mất phần lớn lãnh thổ và khiến hàng triệu dân cư phải rời bỏ đất nước.

Ông Rasmussen nhận định: “Quy mô của các nhóm khủng bố cực đoan trên thế giới ngày càng lớn hơn so với thời kỳ 11/9/2001.

Phải nói rằng chúng ta đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa hơn, đến từ mọi vùng đất và liên quan đến nhiều cá nhân hơn bất kỳ lúc nào”.

Bị xúi giục, có động lực hay bị điều khiển?

Bản chất của các hoạt động khủng bố thời nay cũng đã thay đổi.

Theo như những người từng tham gia tổ chức al Qaeda, by Abu Hafs al Masri và Khalid Sheikh Mohammed đã lên kế hoạch cho vụ tấn công từ hai năm trước đó và tất cả đều năm trong vòng bí mật.

Nhưng mối đe dọa giờ đây có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn rất nhiều, thậm chí IS có thể chiêu mộ những chiến binh từ các quốc gia phương Tây và mặc dù quy mô nhỏ hơn nhưng các cuộc tấn công chết người này lại trở thành một khái niệm phổ biến hơn.

Chỉ tính riêng trong năm nay, các cuộc tấn công khủng bố ở Pháp và Tunisia đã cướp đi sinh mạng của hơn 70 dân thường.

Các nhóm khủng bố như al Qaeda hay IS giờ đây biết tận dụng các cá nhân ủng hộ đơn lẻ, đạo tạo họ trở thành các chiến binh hữu ích dưới sự chỉ huy của lãnh đạo nhóm. Và kết quả thu được không phải là bình thường.

Ví dụ như anh em Kouachi, người đã tấn công trụ sở tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng 1 vừa qua, đã ở al Qeada tại Yemen trong bốn năm nhưng họ tự lập kế hoạch tiến hành cuộc tấn công chết người này.

Nỗ lực tấn công triển lãm hoạt hình nhà tiên tri Mohammed ở Dallas cũng xuất phát từ sự khuyến khích của IS nhưng do không lên kế hoạch kỹ càng nên hai phiến quân Hồi giáo đã phải bỏ mạng.

Theo ông Rasmussen, hình thức khủng bố kiểu mới này diễn ra chớp nhoáng và không đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị như kiểu “truyền thống". Và đó, theo ông, chính là thách thức lớn nhất.

Trong những năm vừa qua, ngày càng có nhiều cá nhân ở các nước phương Tây sẵn sàng đến Iraq và Syria để gia nhập các tổ chức khủng bố.

Mike Morell dự đoán rằng các vụ tấn công ở châu Âu và Mỹ do IS chỉ đạo sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, có thể ban đầu là với quy mô nhỏ nhưng dần dần nhóm này sẽ có khả năng tiến hành một cuộc tấn công phức tạp và nguy hiểm hơn.

Theo thống kê có khoảng 5.000 người phương Tây đã được đào tạo kinh nghiệm chiến đấu và kỹ năng đánh bom cũng như sử dụng vũ khí sau khi gia nhập IS.

Al Qeada cũng thu hút một số người từ phương Tây như công dân Mỹ Adam Gadahn và một lượng người dân Anh gốc Pakistan.

Truyền thông và mạng xã hội

Trong những năm sau sự kiện 11/9, chỉ có một số tuyên bố từ phía al Qeada xuất hiện trên các hệ thống truyền hình như kênh Al Jazeera.

Nhưng giờ đây, IS có hẳn một cỗ máy truyền thông chính thức, được dịch ra nhiều thứ tiếng, đăng tải video, các bức ảnh và những mẩu tin hàng ngày.

Ngoài ra, nhóm phiến quân này còn tận dụng các tài khoản mạng xã hội Twitter hay các trang web Hồi giáo.

Một số lượng lớn người ủng hộ IS sử dụng Twitter và đó là kênh hữu ích để nhóm này truyền bá thông tin cũng như chiêu mộ binh lính.

IS còn có cả các chuyên gia công nghệ có khả năng mã hóa thông tin cao.

Theo ông Rasmussen, một trong những lo lắng lớn nhất thời điểm hiện nay là các nhóm khủng bố đã biết tận dụng các phương tiện truyền thông, bao gồm cả những cách mà chúng biết được rằng các tổ chức tình báo trên thế giới cũng không thể tìm ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại