Theo đó, nhà báo này chỉ ra tầm quan trọng chiến lược của khu vực nối Kavkaz với lục địa châu Âu.
“Các cảng không đóng băng của Nga nằm tại đây. Biển Đen chiếm vị trí nổi bật trong kiến trúc phòng thủ của Moscow. Sự vượt trội ở vùng biển này không chỉ đảm bảo an ninh của đất nước mà còn cho phép Nga lan rộng ảnh hưởng và thách thức NATO”, nhà báo Mỹ nhận định.
Gần đây, lực lượng hải quân của NATO đã tăng cường sự hiện diện trong khu vực, nhưng các hạn chế về địa lý và luật pháp quốc tế gây nhiều trở ngại cho cuộc chiến chống Nga của NATO.
Các hoạt động quân sự ngày càng gia tăng ở Biển Đen cho thấy giá trị chiến lược của vùng biển này trong bối cảnh căng thẳng giữa NATO và Nga. (Ảnh: RIA)
Theo nhà báo Mỹ, xét về khả năng quân sự, các quốc gia khác của NATO thua kém hơn Nga. Trang bị của Romania có 3 khinh hạm, 7 tàu hộ tống, 1 tàu ngầm lớp Kilo cũ và các tàu phụ trợ.
Ông Atlamazoglu lưu ý, Bulgaria không khá hơn, hải quân của nước này gồm 4 tàu khu trục nhỏ, 3 tàu hộ tống và tàu quét mìn. Trong khi, Ukraine đang cố gắng tái xây dựng lực lượng hải quân, và Gruzia chỉ có lực lượng bảo vệ bờ biển.
“Thổ Nhĩ Kỳ có hạm đội đáng gờm và hiệu quả, tuy nhiên mối quan hệ nồng ấm với Moscow và sự xa lánh của NATO làm dấy lên nghi ngờ về sự trung thành của nước này với liên minh”, ông Atlamazoglu nhấn mạnh.
Cũng theo nhà báo Mỹ, Biển Đen đã trở thành “hồ của Nga”. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Hạm đội Biển Đen của Nga bị thu nhỏ lại. Với cải cách quân sự năm 2008 và Chương trình vũ trang nhà nước 2011-2020, Hạm đội Biển Đen trở thành một lực lượng linh hoạt hơn, có khả năng hoạt động ở các khu vực gần bờ và các vùng biển xung quanh Nga.
Thành phần chính của Hạm đội Biển Đen là 3 khinh hạm tên lửa lớp Đô đốc Grigorovich, tàu tuần tra lớp Krivak, tàu tuần dương tên lửa Moscow, cũng như 6 tàu ngầm diesel-điện thế hệ mới. Theo đánh giá của bài viết, ở trên biển, các tàu này được hỗ trợ bởi nhiều tàu hỗ trợ nhỏ, giúp nâng cao tiềm năng của Hải quân.
Hạm đội Biển Đen còn có sư đoàn Lục quân số 22 mới được thành lập, 1 đơn vị phòng không và 2 đơn vị hàng không đóng tại Crimea và 1 đơn vị phòng không đóng tại Rostov-on-Don.
Ngoài ra, theo các nguồn tin, Nga cũng đang xây dựng “Khu vực chống tiếp cận/chống xâm nhập” (Anti-Access/Area Denial, A2/AD) ở Biển Đen. Đây là những tên lửa chống hạm ven biển, hệ thống tên lửa tác chiến-chiến thuật, trạm radar và hệ thống phòng không.
Hơn nữa, mới đây, Nga cho biết họ sẽ triển khai một trung đoàn lính dù mới trên Crimea kể từ đầu tháng 12. Theo đó, quân đội Nga sẽ thành lập trung đoàn lính dù mới trên bán đảo Crimea, qua đó hoàn tất quá trình cải tổ lực lượng do Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu giới thiệu hồi tháng 3.
“Lực lượng này sẽ giúp bảo vệ các tàu của Nga và ngăn chặn quân đội của đối phương”, nhà báo Mỹ kết luận.
Biển Đen nằm ở vị trí chiến lược, kết nối Kavkaz với châu Âu dọc sườn Tây Nam của Nga. Khu vực này có các cảng biển nước ấm của Nga và đem lại cho Moscow con đường tới Địa Trung Hải và các vùng biển xa hơn.
Biển Đen có vị trí quan trọng trong cấu trúc an ninh quốc phòng của Nga. Việc chiếm ưu thế vượt trội tại khu vực này cho phép Moscow đối phó với những thách thức từ NATO.
Moscow hiện đang đẩy mạnh năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập ở Biển Đen, đặc biệt là xung quanh Crimea, để bảo vệ các tàu chiến và ngăn chặn lực lượng đối thủ. Bổ sung cho khả năng tấn công từ xa của Hạm đội Biển Đen là tên lửa hành trình Kalibr, có tầm bắn tối đa 2.000 km.