Quốc đảo 22 triệu dân lại vỡ nợ: Lời cảnh tỉnh đáng sợ cho những nền kinh tế mới nổi

Vu Lam |

Theo Bloomberg, Sri Lanka đang có khoản nợ trái phiếu nước ngoài 12,6 tỷ USD sắp đến hạn và khả năng cao quốc gia này lại tiếp tục không thể thanh toán. Đây là dấu hiệu cảnh báo cho một số quốc gia đang phát triển rằng lạm phát tăng cao sẽ gây ra những thiệt hại to lớn.

 Quốc đảo 22 triệu dân lại vỡ nợ: Lời cảnh tỉnh đáng sợ cho những nền kinh tế mới nổi  - Ảnh 1.

Thời gian ân hạn đối với khoản nợ 78 triệu USD của quốc gia Nam Á này kết thúc vào ngày hôm nay. Theo đó, đây là lần đầu tiên Sri Lanka vỡ nợ trái phiếu kể từ khi giành độc lập vào năm 1948. Trái phiếu chính phủ Sri Lanka đã giao dịch ở vùng "vỡ nợ", khi nhà đầu tư chuẩn bị đối diện với khoản lỗ gần 60 cent. Tháng trước, chính phủ nước này cho biết họ sẽ tạm ngừng thanh toán nợ nước ngoài.

Tình hình của Sri Lanka được cho là đặc biệt khi so sánh với những đợt khủng hoảng nợ từng xảy ra. Cụ thể, người dân nước này không tin tưởng vào chính phủ do một gia tộc điều hành – hậu quả của cuộc nội chiến kéo dài 30 năm, và những cuộc biểu tình căng thẳng cũng chưa được giải quyết. Song, câu chuyện của quốc đảo này đang được coi là hồi chuông cảnh báo cho các thị trường mới nổi. Những nền kinh tế này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng do ảnh hưởng của lạm phát.

Guido Chamorro – đồng giám đốc bộ phận nợ ngoại tệ của các thị trường mới nổi tại Pictet Asset Management, công ty đang nắm giữ trái phiếu Sri Lanka, cho hay: "Việc quốc đảo này vỡ nợ là dấu hiệu đáng lo ngại đối với các nền kinh tế mới nổi. Chúng tôi dự đoán thời kỳ thuận lợi đã kết thúc. Tăng trưởng giảm tốc và điều kiện tài trợ được thắt chặt sẽ làm tăng rủi ro vỡ nợ, đặc biệt là các thị trường cận biên."

Nền kinh tế 81 tỷ USD của Sri Lanka đã "sa lầy" vào tình trạng hỗn loạn trong nhiều tuần do lạm phát đã tăng lên mức 30%, đồng nội tệ rớt giá mạnh. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến quốc gia này khó nhập khẩu lương thực và nhiên liệu vì đồng nội tệ yếu. Việc người dân chán nản, phẫn nộ - do chính phủ nhiều năm vay nợ quá nhiều để hậu thuẫn các doanh nghiệp nhà nước và tung ra các khoản phúc lợi xã hội tốn kém, đã làm bùng lên "ngọn lửa" biểu tình.

 Quốc đảo 22 triệu dân lại vỡ nợ: Lời cảnh tỉnh đáng sợ cho những nền kinh tế mới nổi  - Ảnh 2.

Sri Lanka hiện không có bộ trưởng tài chính. Điều này còn gây khó khăn nhiều hơn cho những nỗ lực được đưa ra để vượt qua cuộc khủng hoảng, khi chính phủ đang chật vật để khôi phục tình hình an ninh và nhận gói cứu trợ từ IMF. Đồng thời, quốc đảo 22 triệu dân này cũng cần phải đàm phán về việc tái cấu trúc với các chủ nợ gồm BlackRock và Ashmore.

Trái phiếu USD của Sri Lanka nằm trong số các trái phiếu có hiệu suất tệ nhất thế giới trong năm nay, chỉ đứng sau Ukraine, Belarus và El Salvador. Ngày 18/4, chính phủ nước này đã không thể thanh toán khoảng 78 triệu USD trái phiếu coupon cho các trái chủ đang nắm giữ khoản nợ đáo hạn vào năm 2023 và 2028. Theo đó, S&P Global Ratings đã hạ bậc Sri Lanka xuống "vỡ nợ một phần". Fitch Ratings và Moody’s Investors Service vẫn chưa đưa ra thông báo tương tự dù có cảnh báo.

Sau thời gian ân hạn đối với các khoản nợ trên kết thúc vào ngày 18/5, Sri Lanka sẽ bắt đầu đàm phán với các chủ nợ. Quá trình này được cho sẽ là chìa khóa để quốc gia này nhận được gói viện trợ từ IMF. Trước đó, Sri Lanka cho biết họ cần 3-4 tỷ USD trong năm nay để thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

Dẫu vậy, việc đảm bảo một thỏa thuận như vậy một cách nhanh chóng không hề dễ dàng. Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã bổ nhiệm một trong những đối thủ của chính trường của mình lên làm Thủ tướng vì anh trai ông - Mahinda Rajapaksa, từ chức. Sau đó, tình trạng bất ổn vẫn kéo dài. Những chia rẽ sâu sắc sau cuộc nội chiến kéo dài 30 năm kết thúc vào năm 2009 vẫn tiếp tục và thống đốc NHTW nước này thông báo sẽ từ chức nếu Sri Lanka không giành lại được sự ổn định chính trị.

Matthew Vogel, giám đốc danh mục đầu tư và trưởng bộ phận nghiên cứu trái phiếu chính phủ của FIM Partners, cho biết: "Sri Lanka đang ở trong tình huống cực kỳ nguy hiểm."

 Quốc đảo 22 triệu dân lại vỡ nợ: Lời cảnh tỉnh đáng sợ cho những nền kinh tế mới nổi  - Ảnh 4.

Khi Sri Lanka chật vật giải quyết tình trạng hỗn loạn, thì những vấn đề của họ lại là lời cảnh báo cho các thị trường mới nổi khác – nơi gánh nặng nợ nần đang gây áp lực cùng nhiều vấn đề kinh tế, bất ổn xã hội khác. Họ phải đối diện với thách thức lớn hơn khi Fed và các NHTW lớn khác nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát, dẫn đến chi phí đi vay cao hơn.

Trang Nguyen – giám đốc điều hành bộ phận chiến lược thị trường mới nổi tại JPMorgan, cho hay: "Họ đang phải hứng chịu gánh nặng nợ nần trong bối cảnh các điều kiện tài chính bị thắt chặt."

Hiện tại, ít nhất 14 nền kinh tế đang phát triển được Bloomberg theo dõi đang có lợi suất trái phiếu vượt 1.000 điểm cơ bản so với trái phiếu Kho bạc Mỹ - đây được coi là ngưỡng "vỡ nợ".

 Quốc đảo 22 triệu dân lại vỡ nợ: Lời cảnh tỉnh đáng sợ cho những nền kinh tế mới nổi  - Ảnh 5.

Ngoài Sri Lanka, các quốc gia khác cũng có vấn đề về cán cân thanh toán bao gồm Ai Cập và Tunisia. Pakistan cũng chứng kiến lạm phát tăng cao và căng thẳng địa chính trị đã dẫn đến việc chính quyền của Thủ tướng Imran Khan trong tháng này bị lật đổ. Tại Pakistan, chính phủ buộc phải cắt điện của các hộ gia đình và hoạt động công nghiệp vì họ không đủ tiền mua than, khí đốt tự nhiên từ nước ngoài.

 Quốc đảo 22 triệu dân lại vỡ nợ: Lời cảnh tỉnh đáng sợ cho những nền kinh tế mới nổi  - Ảnh 6.

Ở Tunisia, chính phủ đang không có đủ tiền mặt khiến giá nhiên liệu tăng ít nhất 4 lần trong 13 tháng qua. Ngành du lịch kiệt quệ và tình trạng khan hiếm hàng hóa đang lan rộng đến mức người bán hàng ở chợ còn nói đùa rằng mua chất kích thích còn dễ hơn cả bột mì.

Trong khi đó, giá trái phiếu chính phủ El Salvador sụt giảm mạnh vào tháng 4 tới 15,1%, chỉ thấp hơn so với mức giảm của trái phiếu chính phủ Ukraine do đang chịu ảnh hưởng bởi xung đột leo thang. Trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 của quốc gia này hiện có lợi suất 24% - một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang chuẩn bị tinh thần đối mặt với khả năng vỡ nợ. Cùng với những cuộc đàm phán với IMF rơi vào thế bế tắc, các chủ nợ của quốc gia này đang lo ngại rằng El Salvador sẽ không thể thanh toán khoản trái phiếu 800 triệu USD đáo hạn vào năm tới.

Tham khảo Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại