Khủng hoảng ở Transnistria và nguy cơ xung đột Ukraine lan ra những nơi khác ở châu Âu

Minh Hạnh |

Trong khi xung đột tại Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp, khu vực Transnistria, khu vực ly khai của Moldova, cũng đang hứng chịu những vụ tấn công.

Hàng loạt những vụ nổ đã được ghi nhận ở Tiraspol, thủ phủ của Transnistria, khu vực ly khai Moldva, từ cuối tháng 4 vừa qua. Ngoài ra, nhiều tiếng súng cũng được nghe thấy ở khu vực biên giới Transnistria gần biên giới Ukraine, nơi đã xảy ra xung đột trong gần 3 tháng qua.

Một số tòa nhà cơ sở hạ tầng và quân sự quan trọng tại Transnistra đã bị tấn công, bao gồm Bộ An ninh, một trung tâm truyền hình và đài phát thanh, cũng như kho đạn dược lớn nhất ở Đông Âu. Vấn đề Transnistria đã sôi sục bên lề chính trị toàn cầu kể từ khi các cuộc xung đột tại khu vực này được giải quyết vào ngày 21/7/1992 và một lệnh ngừng bắn được ký kết.

Các vụ pháo kích

Khu vực Transnistria, hay còn được biết đến là Cộng hòa Moldavian Pridnestrovian (PMR) ly khai, là một trong những khu vực đầu tiên tại châu Âu được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2. Phần lớn cư dân tại khu vực này có lập trường ủng hộ Moscow và kể từ đầu những năm 1990, Transnistria đã cắt đứt quan hệ với Moldova. Thay vào đó, khu vực này chủ yếu dựa vào sự ủng hộ của Điện Kremlin. Tuy nhiên, về mặt địa lý, Transnistria nằm gần phía Tây Nam Ukraine, giáp với Odessa và Vinnitsa.

Khủng hoảng ở Transnistria và nguy cơ xung đột Ukraine lan ra những nơi khác ở châu Âu - Ảnh 1.

Tượng đài Alexander Suvorov tại Công viên Catherine ở Tiraspol. Ảnh: Getty

Kể từ những này đầu chiến dịch quân sự, các hành động khiêu khích có thể xảy ra ở khu vực ly khai này. Vào ngày 25/4 các vụ nổ đã ghi nhận ở khu vực Bộ An ninh Transnistria. Vụ việc đã dẫn đến một đám cháy trong tòa nhà làm vỡ cửa sổ của các tòa nhà gần đó nhưng may mắn là không có thương vong. Trong khi các dịch vụ khẩn cấp xử lý thiệt hại, các nhà chức trách khu vực đã cố gắng tìm ra kẻ đứng sau vụ tấn công. Cuối cùng, họ kết luận rằng những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ việc là những kẻ muốn kéo Transnistria vào cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Sau đó một ngày, ngày 26/4, một sân bay quân sự tại Tiraspol đã bị tấn công và 2 ăng-ten ở Mayak, nơi đặt trung tâm phát thanh và truyền hình Transnistrian, cũng trở thành mục tiêu pháo kích. Theo các blogger tại Transnistria, 2 ăng-ten này thuộc Mạng lưới Phát thanh Truyền hình và Đài Phát thanh của Nga.

Sau hàng loạt vụ nổ, Hội đồng Bảo an Transnistria đã nâng cảnh báo về mối đe dọa khủng bố lên cấp cao nhất và cam kết sẽ "thực hiện các biện pháp khẩn cấp cho phép chính quyền sơ tán người dân, điều trị cho các nạn nhân, tư vấn tâm lý và giúp bảo đảm tài sản nếu chủ sở hữu rời đi".

Người đứng đầu khu vực, ông Vadim Krasnoselsky cho biết ông tin rằng các lực lượng Ukraine đứng sau những vụ phá hoại này. Cụ thể, ông Krasnoselsky nhận xét: "Chúng tôi biết những kẻ khủng bố đến từ đâu và đã đi đâu sau đó. Tôi đảm bảo với bạn, họ không liên quan gì đến vấn đề Transnistria". Tuy nhiên, phía Ukraine đã phủ nhận sự liên quan trong các cuộc tấn công này.

Chính quyền địa phương sau đó đã phải hủy bỏ lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng hôm 9/5 để đề phòng nguy cơ tấn công. Họ ra quy định cấm đốt pháo hoa và yêu cầu mọi người không mang hoa đến các ngôi mộ của những người lính Liên Xô. Giải thích về quyết định này, ông Krasnoselsky nói: "Tổ chức các cuộc tụ tập ở một số địa điểm là không an toàn".

Bất chấp mọi biện pháp đảm bảo an ninh được áp dụng, tình hình tại Transnistria vẫn diễn biến theo chiều hướng căng thẳng. Vào ngày 27/4, có báo cáo cho rằng súng phóng lựu VOG-25 đã được sử dụng để bắn vào các kho quân sự ở Kolbasna, nơi đóng quân của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga. Ủy ban điều tra khu vực khi ấy kết luận rằng cuộc tấn công được thực hiện từ lãnh thổ Ukraine.

Căng thẳng gia tăng

Xung đột tại Transnistria bắt nguồn từ năm 1992 sau khi Liên Xô tan rã. Khi ấy, Transnistria là một phần của Cộng hòa Xô Viết Moldova. Đây là một khu vực đông dân cư nói tiếng Nga và ngày nay là một khu vực cộng hòa ly khai nằm giữa Moldova và Ukraine. Các vấn đề liên quan tới việc làm tan băng xung đột tại Transnistria vốn đã được đưa ra thảo luận trong nhiều năm.

Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận vào năm 2014, sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea và xung đột bùng phát ở Donbass, miền Đông Ukraine. Một nửa trong số 500.000 cư dân ở Transnistria là công dân Nga và các nhà chức trách khu vực đã điều chỉnh luật pháp cho phù hợp với luật của Nga kể từ năm 2016 để tạo bước đệm cho quá trình hội nhập trong tương lai.

Khủng hoảng ở Transnistria và nguy cơ xung đột Ukraine lan ra những nơi khác ở châu Âu - Ảnh 2.

Người dân mang biểu ngữ Transnistria tham gia cuộc diễu hành tưởng niệm Trung đoàn Bất tử trong Ngày Chiến thắng ở Moscow (Nga). Ảnh: Getty

Diễn biến này đã đưa Ukraine và Moldova tới gần nhau hơn và làm gia tăng áp lực chính trị và quân sự đối với chính phủ tại Transnistria. Tới năm 2022, nguy cơ căng thẳng leo thang đã tăng cao hơn sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Nhưng từ những tuyên bố của cả Moldova và Transnistria, cả 2 đều không mong muốn bị kéo vào cuộc xung đột hiện nay.

Phát biểu trước người dân Ukraine, đặc biệt là ở khu vực Vinnitsa và Odessa, vào ngày 26/2, ông Krasnoselsky nói rằng những tin đồn về mối đe dọa đến từ Transnistria chỉ là một "sự khiêu khích". Ông khẳng định: "Tôi hoàn toàn tin rằng tất cả những người đã lan truyền thông tin sai lệch này hoàn toàn không liên quan đến cuộc xung đột hoặc chỉ đang muốn gây rối. Đừng tin những tin đồn do những kẻ mờ ám và những kẻ gây rối lan truyền, hãy luôn tỉnh táo và hỗ trợ những người cần thiết".

Trong khi đó, phản ứng của Moldova với chuỗi các vụ tấn công được ghi nhận ở Transnistria lại tương đối dè dặt.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp của Hội đồng An ninh tối cao vào ngày 27/4, Tổng thống Moldova Maia Sandu nói rằng cho sự leo thang căng thẳng là do "các lực lượng ủng hộ chiến tranh" trong khu vực, những người "muốn gây mất ổn định tình hình". Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Moldova Anatolie Nosatii nhấn mạnh rằng giới chức nước này đang theo dõi các sự kiện và tìm mọi cách để tránh leo thang căng thẳng.

Moldova đang nỗ lực hết sức để tránh xa cuộc khủng hoảng Ukraine và diễn biến căng thẳng hiện nay đang là mối lo ngại lớn đối với cả chính phủ và công chúng nước này. Cơ quan An ninh và Thông tin Moldova đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi mọi người bình tĩnh và không lan truyền thông tin chưa được xác minh. Tuyên bố nếu: "Điều quan trọng là phải ngăn chặn sự lan truyền của tin tức giả mạo có mục đích thúc đẩy hận thù và chiến tranh".

Không chỉ riêng Moldova và Transnistria, Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ lo ngại về những diễn biến gần đây tại khu vực này. Theo đó, các nhà ngoại giao EU đã kêu gọi các bên giữ bình tĩnh và kiềm chế các hành động gây hấn và quyết định tăng cường hỗ trợ Moldova. Một số quốc gia thậm chí đã khuyến nghị công dân của họ rời khỏi lãnh thổ Transnistria hoặc tránh đến thăm khu vực này do tình hình an ninh ngày càng tồi tệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại