Vì sao dù "mất" thị trường châu Âu nhưng doanh thu xuất khẩu dầu thô của Nga vẫn tăng?

An An |

Nga vẫn có thể kiểm soát được nền kinh tế dù đang chịu cấm vận.

Lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga bộc lộ sự chia rẽ của EU

Theo Báo Năng lượng Trung Quốc, hiện nay, Hungary, Séc, Hy Lạp, Bulgaria, Malta và Síp đã công khai phản đối lệnh cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga do Liên minh châu Âu EU áp đặt.

Hungary nói rõ rằng nước này "không thể ủng hộ lệnh cấm này" và họ chỉ đồng ý nếu hoạt động nhập khẩu dầu thô từ Nga qua đường ống được miễn trừ trừng phạt. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố: "Điều này liên quan đến an ninh nguồn cung năng lượng, và lệnh cấm sẽ làm gián đoạn các kênh cung cấp năng lượng hiện tại của chúng tôi".

Hungary là quốc gia không giáp biển, do không có cảng biển nên lựa chọn duy nhất cho các tuyến đường cung cấp năng lượng là đường ống và vận tải đường bộ, hiện nước này chủ yếu dựa vào đường ống đi qua Ukraine để nhập khẩu dầu thô của Nga. Theo số liệu công khai, dầu thô của Nga là nguyên liệu thô quan trọng nhất cho các nhà máy lọc dầu của Hungary, chiếm 2/3 lượng dầu thô nhập khẩu của Hungary. Như vậy, lệnh cấm vận sẽ giáng một đòn rất lớn vào nước này.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã viết thư cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen, nói rằng: "Lệnh cấm vận dầu thô của Nga sẽ phá hoại sự thống nhất của EU và đe dọa an ninh năng lượng của các nước Đông Âu. Nếu nhất quyết thông qua đề xuất này thì EU sẽ phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của sự hội nhập châu Âu".

Nền kinh tế châu Âu đối mặt với suy thoái sâu

Theo CNBC (Mỹ ), đầu tiên là than đá, sau đó là dầu thô, rồi khí đốt tự nhiên của Nga cũng có thể "biến mất" ở châu Âu trong tương lai. Do khí đốt tự nhiên của Nga chiếm khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của EU, một lệnh cấm vận toàn diện sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế châu Âu.

Dữ liệu mới nhất do Ngân hàng Trung ương châu Âu công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 4, lạm phát trong khu vực đồng euro đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng thứ sáu liên tiếp, trong đó giá năng lượng tăng đóng góp nhiều nhất vào tỷ lệ lạm phát. Châu Âu đã hoàn toàn ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga, buộc các ngành công nghiệp chủ chốt như sản xuất và công nghiệp hóa chất trong khu vực giảm công suất, điều này dần dần đẩy nền kinh tế Châu Âu vào bế tắc.

Vì sao dù mất thị trường châu Âu nhưng doanh thu xuất khẩu dầu thô của Nga vẫn tăng? - Ảnh 1.

Đường ống Yamal-EU vận chuyển khí đốt từ Nga đến châu Âu. Ảnh: europol

CNBC cho hay, nước Đức từng cảnh báo người tiêu dùng châu Âu nên chuẩn bị cho một tác động lớn đối với nền kinh tế và giá năng lượng cao hơn. Chuyên gia kinh tế Edward Gardner, Công ty tư vấn Capital Economics, cho biết: “Nếu Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Đức, chính phủ nước này có thể đưa ra chính sách hạn chế tiêu thụ khí đốt. Các hộ gia đình sẽ được bảo vệ nhưng trái lại các ngành công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến một cơn suy thoái sâu”.

Đồng thời, việc châu Âu cấm nhập khẩu dầu thô của Nga nhất định sẽ làm tăng nhu cầu nhập khẩu dầu thô từ các nước và khu vực khác, và lựa chọn nhập khẩu hợp lý nhất là dầu thô vùng Vịnh. Tuy nhiên, hầu hết các nhà máy lọc dầu của châu Âu chỉ thích hợp để chế biến dầu Urals nặng của Nga, không phù hợp loại dầu nhẹ của vùng Vịnh nên cần phải sửa đổi và nâng cấp thiết bị. Điều này đòi hỏi thời gian và vốn đầu tư đáng kể.

Lấy Hungary làm ví dụ, việc chuyển đổi các nhà máy lọc dầu của nước này sang dầu thô nhẹ có thể đòi hỏi 5 tỷ USD chi phí trang bị thêm, điều này chắc chắn sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với châu Âu, nơi nền kinh tế đang chịu nhiều áp lực. Alfred Stern, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Dầu khí Áo cho biết: “Trong ngắn hạn, chúng tôi gần như không thể tìm được một nguồn thay thế hoàn hảo cho năng lượng của Nga, đặc biệt là khí đốt tự nhiên".

Tác động có thể kiểm soát đối với nền kinh tế Nga

Không giống như khó khăn của châu Âu, nền kinh tế Nga dường như có thể chịu được tác động của "lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ" của EU. Ông Sergey Aleksashenko, cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, chỉ ra "lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của EU sẽ có tác dụng hạn chế, vì giá dầu tăng mạnh sẽ bù đắp chi phí cho việc Nga mất thị trường châu Âu. Năm ngoái, doanh thu từ dầu mỏ chiếm 45% tổng doanh thu tài khóa của Nga, và miễn là Moscow có thể bán dầu với giá 44 USD/thùng trở lên, thì việc hòa vốn không phải là vấn đề".

Được biết, dầu thô chủ lực Urals của Nga hiện đang giao dịch ở mức 70 USD/thùng, thấp hơn giá dầu Brent nhưng cao hơn mức chuẩn tối thiểu trong dự toán tài khóa của Nga. Với Moscow lệnh cấm nhập khẩu dầu của EU sẽ chỉ đẩy giá dầu và khí đốt lên cao hơn, gây áp lực lớn hơn lên châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu khí, nhưng lại có lợi hơn cho Nga, một nước xuất khẩu năng lượng.

Ngoài ra, các quốc gia châu Á có nhu cầu năng lượng lớn và kinh tế phát triển nhanh chóng đã là những nhà nhập khẩu chính các sản phẩm dầu khí của Nga. Ước tính giá dầu cao có thể giúp Nga tạo ra 180 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ trong năm nay.

OPEC+ không bị tác động

Trước tình hình EU cấm vận có thể khiến nguồn cung dầu thô bị thắt chặt hơn, tổ chức OPEC+ do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu về khối lượng sản xuất vẫn không bị tác động, thậm chí còn tăng sản lượng ở biên độ nhỏ tại cuộc họp cắt giảm sản lượng thường kỳ vào ngày 5/5, tức sản lượng sẽ tăng thêm 432.000 thùng/ngày trong tháng 6.

Bộ Kinh tế Nga dự kiến ​​sản lượng dầu thô của Nga sẽ giảm 17% trong năm nay so với năm ngoái. Tuy nhiên, trước sự thiếu hụt sản lượng nhập khẩu từ Nga, OPEC vẫn từ chối nhanh chóng tăng sản lượng và nhấn mạnh rằng "các nguyên tắc cơ bản của thị trường được duy trì và sự đồng thuận về triển vọng cho thấy thị trường dầu đang cân bằng".

Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo cho biết: "Các nhà sản xuất khác không có khả năng thay thế sản lượng xuất khẩu hơn 7 triệu thùng/ngày của Nga và trong khi sản lượng dự trữ bằng không. Khủng hoảng thị trường do tình hình [chiến sự] không nằm trong tầm kiểm soát của OPEC, Việc mất nguồn cung dầu thô từ Nga do các lệnh trừng phạt hiện tại và trong tương lai vượt xa những gì OPEC có khả năng thay thế".

Đáp lại, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật Không liên kết các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu (NOPEC) vào ngày 6/5, nhằm mục đích gây áp lực lên OPEC để tăng sản lượng.

Reuters chỉ ra rằng NOPEC sẽ khiến các nhà sản xuất năng lượng của Mỹ phải chịu thiệt hại, vì chi phí sản xuất dầu của OPEC thấp hơn nhiều so với Mỹ, thay vào đó, NOPEC sẽ khiến OPEC đẩy dầu đá phiến của Mỹ ra khỏi thị trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại