1. Tất nhiên, gọi hay không gọi cầu thủ nào tập trung đội tuyển là quyền của HLV trưởng, và có lẽ ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, việc gọi tập trung đội tuyển quốc gia, chẳng ít thì nhiều đều có tranh cãi.
Nói đâu xa, quyết định gọi Phí Minh Long và Mạc Hồng Quân của HLV Mai Đức Chung mới đây cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ chính "người nhà", hay xa hơn là quyết định gọi quân "xứ Nghệ" của HLV Hữu Thắng từng gây tranh cãi suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, cái lý do mà "tướng" Park loại Quế Ngọc Hải - tranh cãi với trọng tài, không khỏi làm nhiều người phải ngạc nhiên và suy nghĩ.
Phải chăng đấy là văn hóa bóng đá của Hàn Quốc, thứ kỷ luật bóng đá được đánh giá từ những biểu hiện nhỏ nhất, giống cái cách mà HLV Chung Hea Seong đang dạy cho những Công Phượng, Tuấn Anh phải "học ăn, học nói, học đứng, học đi", và cũng tương đồng với cái sự "tử tế" mà bầu Đức vẫn hay nhắc đến? Và ở hệ quy chiếu ấy, hành động của Quế Ngọc Hải là không thể chấp nhận?
Tranh cãi với trọng tài là hành vi không thể chấp nhận được?
Đến Việt Nam, tân HLV trưởng ĐTQG HLV Park Hang-seo được biết đến nhiều nhất với vai trò trợ lý số 1 của HLV Guus Hiddink, cùng nhau đưa Hàn Quốc đoạt vị trí thứ 4 thế giới ở World Cup 2002.
Nên nhớ, hai trận đấu của Hàn Quốc năm ấy ở vòng knock-out - thắng Italia và Tây Ban Nha được Bleacher Report đánh giá nằm trong top 3 những scandal tai tiếng nhất mọi thời đại của bóng đá thế giới.
Ở hai trận đấu ấy, ngoài sự thiên vị của trọng tài là hàng loạt hành vi phi thể thao của các cầu thủ Hàn Quốc, mà đỉnh điểm là pha tung chân sút thẳng vào đầu hậu vệ Paolo Mancini của tiền đạo Lee Chun-Soo cùng hàng loạt pha phạm lỗi ác ý theo kiểu "đánh võ" khiến các cầu thủ châu Âu phải chùn chân.
World Cup 2002: Hàn Quốc - Italia
Thậm chí ở trận gặp Đức, người hâm mộ Hàn Quốc còn đến sân cổ vũ cho đội nhà với "di ảnh" của thủ thành Oliver Kahn và tiền đạo Klose được lồng trong khung đen, với dải băng tang vắt chéo.
Ngày ấy, ông Park Hang-seo đang ở đâu? Chẳng phải là trên băng ghế huấn luyện, bên cạnh HLV trưởng Guus Hiddink? Chẳng phải ông cũng nhảy nhót ăn mừng điên cuồng cùng các cầu thủ sau những trận thắng xấu xí để đời ấy ư?
Người hâm mộ Hàn Quốc đem di ảnh Oliver Kahn đến sân cổ vũ đội nhà.
Hay bởi vì ngày ấy trọng tài rõ ràng hậu thuẫn cho đội tuyển Hàn Quốc, nên tranh cãi với trọng tài là trọng tội, theo quan điểm của riêng ông? Hay những ngày tháng cầm đội bóng hạng 3 K-League, đối ngược hoàn toàn với hình ảnh hoành tráng 15 năm trước khiến ông có cái nhìn hoàn toàn khác về sự nhân văn trong bóng đá, rũ bỏ quá khứ để hướng đến tương lai?
Chắc chắn là không? Và trong cái quyết định loại Quế Ngọc Hải vì lý do buồn cười ấy, nghe đâu đây "mùi" của một màn quảng cáo quá đà.
Lại nói đến sự quá đà, gần đây người hâm mộ bóng đá nước nhà được phen "mắt tròn mắt dẹt" với việc HAGL công bố tăng cường dinh dưỡng cho các cầu thủ bằng sâm và bằng sữa, nhằm tăng cường thể lực theo kiểu Hàn Quốc cho lứa cầu thủ của mình.
HLV Park Hang-seo ăn mừng chiến thắng lịch sử của Hàn Quốc ở World Cup 2002.
Sau cơn choáng váng vì ghen tỵ, người ta tự hỏi thế xưa nay các cầu thủ HAGL ăn gì, các đội bóng khác ăn gì, và sự khác biệt đến mức nào. Lần giở lại quá khứ, hóa ra cứ mỗi lần có nhà tài trợ mới, là HAGL lại công bố một thực đơn hoành tráng, cực kỳ giàu chất dinh dưỡng và bổ dưỡng cho các cầu thủ.
Kết quả thế nào? Dù chế độ dinh dưỡng của HAGL luôn được công bố là "nhất Việt Nam", nhưng cuộc khảo sát, trắc nghiệm do Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM đo đạc tại Hàm Rồng năm 2014 cho thấy trong đội tuyển U19 Việt Nam ngày ấy, các cầu thủ HAGL có thể chất kém hơn các cầu thủ đến từ địa phương khác.
Và nói đâu xa, ngay hiện tại, việc các cầu thủ HAGL có thể lực kém hơn so với phần còn lại của V-League là điều dễ dàng nhìn thấy, và lứa tuổi 22, 23 đã là khá muộn để tăng cường thể hình, thể lực bằng chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên, hiệu ứng về mặt quảng cáo thì lại là câu chuyện khác.
Bảng khảo sát chiều cao, cân nặng của tuyển U19 Việt Nam năm 2014 cho thấy các cầu thủ của HAGL Arsenal JMG có thể chất kém hơn
2. Park Hang-seo, HLV từng sát cánh cùng Guus Hiddink dùng thủ đoạn xấu xí để đưa bóng đá Hàn Quốc đạt thành tích "lẫy lừng" trên đấu trường World Cup, dù cho để rồi được nhớ đến như một vết nhơ lớn, cũng đã thay đổi 180 độ từ khi sang Việt Nam, bằng việc loại Quế Ngọc Hải với lý do "tranh cãi với trọng tài". Lý do, chắc không ai biết?
Trận đấu với Afghanistan tới đây, chỉ cần một trận hòa là HLV Park Hang-seo cùng các học trò đạt được mục tiêu lọt vào VCK Asian Cup 2019, nhưng một trận thua sẽ là thảm họa, bởi ở loạt đấu cuối, khả năng Việt Nam thấy thủ trước Jordan là hoàn toàn có thể, và khi đó Afghanistan chỉ cần thắng Campuchia là đủ điểm giật chiếc vé từ tay chúng ta.
Afghanistan không quá mạnh, chúng ta lại được chơi trên sân nhà, nên dù Quế Ngọc Hải đang là trung vệ có chuyên môn và kinh nghiệm hàng đầu Việt Nam, việc loại cầu thủ SLNA này cũng không làm đội tuyển Việt Nam mất đi quá nhiều sức mạnh. Nhưng có ai biết được chữ ngờ...
Vòng loại Asian Cup 2019: Afghanistan 1-1 Việt Nam
Ngày ấy, cũng vì quá tin vào Công Phượng, vào lứa cầu thủ U19 của bầu Đức mà Hữu Thắng từng thẳng tay loại Anh Đức, nhất định để Hà Đức Chinh trên băng ghế dự bị để Hồ Tuấn Tài có đất diễn, để rồi ĐTQG Việt Nam tan tác ở AFF Cup 2016, U23 Việt Nam cúi đầu nhục nhã rời SEA Games 29 ngay sau vòng đấu bảng. Loại Quế Ngọc Hải, liệu là quan điểm của "tướng" Park, hay vì điều gì khác?
Người dân đồng bằng sông Cửu Long có câu ngạn ngữ "Cạn đìa mới biết lóc trê". Hai lần "cạn đìa" dưới tay Hữu Thắng, tưởng chừng bóng đá Việt Nam đã "biết lóc trê" với lá đơn xin từ chức của bầu Đức - người "đuổi" HLV Miura để chọn HLV "made in Việt Nam" lên nắm "đám trẻ" nhà mình. Nhưng có vẻ người hâm mộ bóng đá Việt Nam lại được xem thêm lần nữa bộ phim cũ "Hãy đợi đấy".