Quang Hải, Công Phượng, đừng bắt chước Beckham, Ronaldinho!

Na Miên - Ảnh: Đoàn Ca, Đông Anh |

Người ta đang mỉa mai, rằng yếu tố quyết định đến tốc độ của động cơ không chỉ là xăng và nhớt, nó còn có thể là bia và rượu.

Những thảm kịch liên tiếp trong thời gian qua do rượu bia khi cầm vô lăng khiến cộng động không thể im lặng được nữa. Đã có những chiến dịch tuyên truyền "không rượu bia khi lái xe" được khởi xướng.

Bóng đá Việt Nam - với trách nhiệm xã hội của mình, đã không nằm ngoài trào lưu ấy. Cuối tuần qua, một số đội bóng từ hạng Nhất đến V.League đã gương cao khẩu hiệu "Uống rượu bia, không lái xe".

Bóng đá với lượng fan lớn cùng sự quan tâm của giới truyền thông thì mỗi hành động tuyên truyền mang tính tích cực của nó luôn có sức lan tỏa tích cực đến cộng đồng và ngược lại.

Quang Hải, Công Phượng, đừng bắt chước Beckham, Ronaldinho! - Ảnh 1.

Từ Beckham đến Ronaldinho

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì rượu bia là nguyên nhân của 31% vụ đánh, giết nhau, 33% vụ hiếp dâm, 18% tai nạn giao thông và hàng trăm loại bệnh khác nhau.

Bộ Y tế thì xác nhận, Việt Nam - quốc gia có lượng tiêu thụ rượu bia hàng đầu châu Á có tới 77% nam giới uống rượu bia và 44% trong số đó uống ở mức nguy hại.

Vậy bao nhiêu phần trăm trong số đó gây ra tai nạn do rượu bia khi tham gia giao thông? Từng có ý kiến cho rằng, cảnh sát giao thông cứ chốt gần khu vực các quán nhậu, anh nào uống vượt ngưỡng sẽ bị xử lý. Nhưng ý kiến này lại bị một số người phản đối dữ dội bởi "như thế thì triệt đường làm ăn của người ta".

Rượu bia - Việt Nam vô địch! Theo quy luật tất yếu có cầu ắt có cung. Bất cứ hãng rượu mới nào cũng xem Việt Nam là thị trường tiềm năng. Vậy nên, một hãng rượu từng 2 lần đưa Beckham tới Việt Nam.

Quang Hải, Công Phượng, đừng bắt chước Beckham, Ronaldinho! - Ảnh 2.

Cả hai lần Beckham đến Việt Nam đều gây được chú ý tích cực trong chiến lược kinh doanh của hãng rượu. Xin nhắc lại, 77% nam giới Việt Nam uống rượu bia và 44% trong số đó uống ở mức nguy hại

Sau Beckham là Ronaldinho - một quái kiệt khác của làng cầu thế giới, nhân vật sở hữu lượng fan khổng lồ tại Việt Nam năm 2017 cũng được mời tới dải đất hình chữ S.

Nhưng cũng như Beckham, Ronaldinho không đến vì bóng đá Việt, mà đến như một phần trong chiến lược… mở rộng thị phần bia cho một hãng bia danh tiếng.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa - Phó Khoa Kinh doanh Quốc tế - Marketing, Đại học Kinh Tế TP.HCM cho biết: "Mình phải nhìn động cơ của nhà tổ chức. Toàn bộ sự kiện thì nhà tổ chức hướng tới những giá trị nào? Chắc chắn, khi họ bỏ tiền ra thuê những ngôi sao như Ronaldinho, Beckham hay anh em nhà De Boer làm sự kiện, thì động cơ là quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu là chính, chứ chẳng liên quan gì đến bóng đá Việt Nam".

Quang Hải, Công Phượng, đừng bắt chước Beckham, Ronaldinho! - Ảnh 3.

"Tác hại của rượu bia trong khi lái xe thì chúng ta đều đã rõ. Vấn đề ở đây là chúng phải giáo dục, tuyên truyền người tiêu dùng. Bởi vì họ là chủ thể ra quyết định. Ở góc độ làm marketing thì chúng tôi coi chủ thể ra quyết định rất quan trọng".

Chủ thể ra quyết định rất quan trọng. Và lại xin nhắc lại, 77% nam giới Việt Nam uống rượu bia và 44% trong số đó uống ở mức nguy hại.

Trong quá khứ, trên đường đến sân tập cũng như trở về nhà từ các hộp đêm, Ronaldinho - siêu sao tiếp thị bia ở Việt Nam đã phải nhiều lần đối mặt tử thần vì… tông xe vào tường hay… đối đầu xe tải. Mà theo giới truyền thông Brazil, lần hút chết nào cựu cầu thủ xuất sắc nhất giới cũng… miệng nồng nặc hơi men.

Và hành động của cầu thủ Việt

Trên khắp đất nước, nhiều người đã xuống đường kêu gọi cho hành động "uống rượu bia - không lái xe". Và như đã đề cập, một số đội bóng Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm xã hội rất đáng hoan nghênh.

Quang Hải, Công Phượng, đừng bắt chước Beckham, Ronaldinho! - Ảnh 4.

Hãy uống có trách nhiệm và không lái xe khi uống rượu bia. Có thể, về sức lan tỏa đến cộng đồng, các cầu thủ bóng đá Việt Nam không thể so sánh được với những ngôi sao thế giới hào nhoáng tầm Beckham hay Ronaldinho. Nhưng ít nhiều, nó cũng sẽ có tác động tích cực đến những "chủ thể ra quyết định", bởi trong thời gian qua, bóng đá Việt Nam đã kéo được lượng lớn khán giả nhờ kỳ tích của các đội tuyển quốc gia.

Ông Trần Hữu Nghĩa - Chủ tịch hội CĐV Việt Nam VFS cho rằng: "Tôi cho rằng đây còn là một hành động đẹp của bóng đá và tôi tin nó có sức lan tỏa thiết thực tới cộng đồng. Uống rượu bia không xấu, nhưng uống phải có trách nhiệm".

Trong khi đó, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương cũng quả quyết: "Đây là một việc làm hết sức đúng đắn và kịp thời của ban điều hành V.League. Bởi vì bóng đá không đơn thuần là những trận đấu, mà nó còn có trách nhiệm với xã hội".

Học trò ông Park có nên học theo Beckham? VFF nên hành động đồng bộ

Một hành động đẹp của bóng đá Việt Nam. Nhưng hành động đó kéo dài được bao lâu, có mang tính xuyên suốt, có tính tổ chức hay chỉ là một trào lưu nhất thời theo xu hướng xã hội?

Hành động tuyên truyền này cần được duy trì. Tại các nước có nền bóng đá phát triển, những chiến dịch xã hội có sự tham gia của sao bóng đá không chỉ được tuyên truyền trong một vài trận đấu hay giải đấu, mà kéo dài có khi đến hàng thập kỷ, thậm chí luôn song hành với bóng đá, như các chiến dịch "Nói không với phân biệt chủng tộc", "Nói không với lạm dụng tình dục trẻ em", "Nói không với phân biệt giới tính"…

Quang Hải, Công Phượng, đừng bắt chước Beckham, Ronaldinho! - Ảnh 5.

Như đã đề cập, nhờ thành công của bóng đá Việt Nam trên các đấu trường quốc tế trong những năm qua, rất mừng là nhiều ngôi sao Việt Nam đã có giá trị về mặt hình ảnh - thương mại, như Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Quang Hải, Bùi Tiến Dũng…

Nhiều thương hiệu đã hợp tác với họ như sử dụng celeb để thực hiện các sự kiện, nhằm xây dựng hình ảnh cộng đồng hoặc là tương tác với các nhóm công chúng, với khách hàng. Vậy họ có nên hợp tác quảng bá cho bia rượu như các ngôi sao Beckham, Ronaldinho… trong bối cảnh bóng đá đang chung tay kêu gọi uống rượu bia có trách nhiệm?

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương cho rằng: "Vấn đề này chúng ta cần làm một cách đồng bộ. Tức là ở đây không đơn thuần là cầu thủ, ban tổ chức V.League căng biển hiệu. Chúng ta cần một chiến dịch có sự kết hợp từ VFF và VPF, từ đó khuyến cáo các đội bóng, các cầu thủ không nên tham gia quảng cáo bia rượu. Hoạt động chung này cần xuyên suốt, thống nhất và bền lâu chứ không phải chỉ làm một lần để lấy hình ảnh rồi thôi".

Hành động đẹp của các đội bóng Việt Nam tuần qua liệu có trở thành một chiến dịch song hành dài lâu với xã hội. Các cầu thủ có nên quảng cáo hay xuất hiện ở những sự kiện rượu bia? VFF nên hành động, đồng bộ từ trên xuống dưới với những chiến dịch lâu bền và rõ ràng…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại