Quang Dũng: Từng bế tắc trong tháng ngày đen tối

Thùy Trang |

Ca sĩ Quang Dũng nói trải qua những khổ đau, anh cũng ngộ được vài điều. Tình duyên với anh bây giờ nếu có thì tốt mà không có cũng không phải là địa ngục.

Phóng viên: Đời sống âm nhạc vẫn sôi động nhưng những ca sĩ thế hệ của anh thường ưu tư với nghề?

- Ca sĩ Quang Dũng: Nhìn bề nổi là thế. Thực tế, sự phát triển của thị trường nhạc Việt là vòng xoắn ốc mang tính quy luật rất cụ thể: nhạc trẻ (còn gọi là nhạc Làn sóng xanh), trữ tình bolero, EDM (nhạc điện tử sôi động),… có vẻ sẽ thay nhau thống trị thị trường âm nhạc. 

Nhưng sự thật không thể chối bỏ là thị trường nhạc Việt hiện đang xuống dốc không phanh, bởi ca sĩ các thế hệ đều đang chạy đua để có sô diễn, tìm kiếm cơ hội cho sự xuất hiện của mình.

Quang Dũng: Từng bế tắc trong tháng ngày đen tối - Ảnh 1.

Ca sĩ Quang Dũng. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Cái sai của tổng thể

Tức là ca sĩ hiện nay không có sự đầu tư, làm nghề tử tế?

- Họ có đầu tư nhưng mọi thứ đang bị ngắt ngọn thay vì chuẩn bị từ gốc. Không có vốn nghề, làm theo kiểu "mì ăn liền", được lợi nhất thời. 

Điều đó khiến thị trường nhạc Việt chông chênh vì không móng. Trước đây, chúng ta có một đội ngũ những giọng ca "chất lượng" thực sự: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm,… 

Mỗi người là một "đế chế" riêng bền vững, không thể thay thế. Bởi lẽ, họ xây dựng con đường của mình bằng từng viên đá vững chắc. Trước khi ngắt ngọn, họ đã trồng nên cây năng lực.

Nhưng sự "mất dấu" của nhiều ca sĩ thuộc thế hệ như anh trên thị trường nhạc Việt thời gian gần đây minh chứng thêm cho nhận định rằng "ca sĩ trẻ đang lấn át những giọng ca ngôi sao của thời trước đây"?

- Thời gian qua, sự thay đổi lớn của thị trường với sự xuất hiện của nhiều gương mặt mới cũng khiến vài người đặt ra hoài nghi về sự hết thời, xuống dốc của những giọng ca này… Về hiện tượng, điều đó có vẻ đúng vì tần số xuất hiện của họ không còn nhiều như trước đây. 

Nhưng về bản chất, họ vẫn là họ, những giọng ca có sức "nặng" và tầm ảnh hưởng nhất định trên thị trường nhạc Việt. Không ai có thể phủ nhận vị trí cũng như tài năng của họ. 

Hiện nay, tôi không nhìn thấy những điều đó ở thế hệ ca sĩ trẻ. Tôi không xem thường họ nhưng cách mà họ xây dựng cho bản thân có vẻ nóng vội. Đó không phải lỗi của họ mà là cái sai của tổng thể: nhu cầu của thị trường, sự đón nhận của khán giả…

Đó có phải nguyên nhân chính góp phần xuống cấp của đời sống âm nhạc Việt hiện nay không?

- Giá trị nhạc Việt đang bị đảo lộn bởi yếu tố lai căng từ âm nhạc, thần sắc biểu diễn, trang phục, thậm chí là thẩm mỹ cũng y khuôn Hàn Quốc. 

Tìm đâu ra nét riêng, sự khác biệt cho thị trường nhạc Việt bây giờ nếu mọi thứ là khuôn mẫu của Hàn Quốc? Thế nên, thị trường nhạc Việt trở nên chông chênh. Nếu nói đến tham vọng nâng tầm cho nhạc Việt, tôi không dám đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ trẻ hiện nay vì chính họ đang cố tình tạo nên sự lai căng đó.

Đừng chỉ trách nghệ sĩ mà không xét đến trách nhiệm của đội ngũ làm truyền thông. Ca sĩ thời nay đều dựa vào truyền thông để tạo tầm ảnh hưởng, ai cũng có người làm truyền thông riêng cho mình nên khi phóng viên viết bài ít người viết khách quan. 

Sô diễn, sự kiện của ca sĩ có những thông tin không đúng. Giống như cuộc bắt tay nghệ sĩ - truyền thông vậy. Đó là chưa kể câu chữ về chuyên môn còn quá non nớt, bài viết lỏng lẻo, từ ngữ dùng không đúng. 

Ngày xưa được lên trang báo, nghệ sĩ vui đến không ngủ được, giờ khác quá. Nghệ sĩ ngày nay không có sự cao quý như hồi xưa dù bây giờ có nhiều thứ bổ trợ.

Giá trị ảo sẽ bị thay thế

Nếu muốn giá trị nghệ thuật đích thực không bị đánh tráo, chính những người như anh phải có hành động cụ thể chứ chỉ ngồi luận bàn, than thở và kỳ vọng vào một phép mầu nào đó thì giải quyết được gì?

- Tôi luôn có niềm tin mãnh liệt rằng giá trị ảo sẽ không thể tồn tại lâu dài vì khán giả đâu dễ bị đánh lừa. Ngày xưa, ca sĩ và ban nhạc luôn gắn liền với nhau như hình với bóng bởi đó là cách để học nghề, học kinh nghiệm sân khấu. 

Nhưng giờ, ca sĩ đi hát bằng nhạc thu sẵn, hỏi sao thần thái của họ thiếu tự tin, thậm chí là ngơ ngác khi kết hợp với ban nhạc trong một chương trình lớn. Trong vài chương trình biểu diễn kết hợp với vài giọng ca trẻ, tôi thấy họ còn không bắt được nhịp với ban nhạc. 

Thực tế đó không chỉ có tôi thấy, ban nhạc thấy mà khán giả cũng sẽ thấy. Chắc chắn, khán giả không chấp nhận điều đó ở một ca sĩ chuyên nghiệp. Kết quả, tự đào thải là chuyện đương nhiên.

Quan trọng hơn, muốn thay đổi điều gì đó, không phải vài cá nhân có thể làm được. Đó phải là sự bắt tay của cả người cũ lẫn người mới. Khi đã chọn nghệ thuật làm nghiệp, mỗi người phải chứng tỏ được bản lĩnh của mình trên con đường âm nhạc. Khi mọi người cùng làm nghề một cách tự trọng, tôi tin mọi thứ tự sẽ tốt lên.

Bản lĩnh của anh trong sự chuyển mình mạnh mẽ của thị trường nhạc Việt hiện nay là gì?

- Nếu không thay đổi, mình sẽ bị tụt hậu. Tại sao toàn những giọng hát hay như Xuân Phú, Đình Nguyên, Thụy Long, Trọng Bắc,… nhưng họ vẫn không tạo nên sự bứt phá? Vì họ không cập nhật, hay nhìn vào thị trường âm nhạc hôm nay nên luôn cho thấy sự nặng nề khi biểu diễn. 

May mắn hơn họ là tôi không bao giờ xử lý một bài hát theo cách ủ rũ vì như thế chính tôi còn chán mình chứ nói gì khán giả. Âm nhạc tôi chọn thể hiện luôn là trữ tình nhưng tinh thần phải sáng sủa, hát bằng hơi thở, tiếng nói của thế hệ hôm nay. 

Nếu cứ giữ khư khư tư duy bảo thủ, mình sẽ làm người khác mệt. Ai cũng lớn tuổi mà còn hát như một ông già nữa sao khán giả chấp nhận được.

Quang Dũng: Từng bế tắc trong tháng ngày đen tối - Ảnh 2.

Ca sĩ Quang Dũng tình tứ với ca sĩ Thanh Thảo trên sân khấu

Không có quyền ngồi hối tiếc quá khứ

Vậy sao anh rút lui như một người chạy trốn khỏi thị trường nhạc Việt thời gian qua?

- Tôi từng chông chênh trong cuộc sống riêng tư và trải qua khoảng thời gian đen tối của đời mình hơn 1 năm. Lúc đó, tôi hầu như không mấy xuất hiện. Tôi và vợ cũ bàn nhau chuyện quyết định nơi ở của con trai Bảo Nam. Đó là quyết định khó khăn khi liên quan đến tương lai của con. 

Khi chúng tôi quyết định để Bảo Nam ở lại với mình, cuộc sống tôi gần như đảo lộn vì tôi cần chuẩn bị mọi thứ vững vàng, đủ để chăm sóc tốt nhất cho Bảo Nam. Đó cũng là khoảng thời gian tôi loay hoay và bế tắc. 

Tôi gần như không thể đưa ra quyết định một cách tự tin khi trong đầu còn vô số câu hỏi hay sự nghi ngại mà mình chưa tìm ra lới đáp. Khi đã vượt qua được khoảng thời gian đó, tôi thấy mình thật may mắn.

Anh gọi đó là khoảng thời gian đen tối, hẳn anh cũng có nhiều hối tiếc khi để nó xảy ra trong cuộc đời mình?

- Tôi đã từng hối tiếc nhưng điều đó không có nghĩa cần phải quay trở lại quá khứ để làm lại. Tôi nhìn về những sai lầm của mình để chỉnh sửa bản thân tốt hơn trong ngày mai chứ không ngồi ao ước, "nếu... thì". 

Chúng ta không có quyền ngồi hối tiếc quá khứ. Với tôi, sự hối tiếc chính là dành thời gian để chiêm nghiệm thấu đáo mọi điều giúp cho mình chín chắn hơn. Tôi đã làm được điều đó. Tôi vào đời sớm và làm bất cứ nghề gì có tiền để trang trải cuộc sống. 

Tôi thấu hiểu giá trị cốt lõi cuối cùng chính là gia đình. Dù là ai, gia đình vẫn là điều quan trọng nhất. Vậy nên, điều tôi phải làm là giữ gìn giá trí gia đình, đó là mục tiêu lớn nhất trong cuộc đời tôi lúc này.

Nhưng chắc hẳn anh cũng đã từng ao ước có thể thay đổi điều gì đó để cuộc sống của anh được trọn vẹn hơn?

- Với âm nhạc, mong mình mới mẻ hơn. Với gia đình, sống tích cực hơn, dành thời gian nhiều hơn cho người thân. Với tình yêu, biết cách chăm sóc, bảo bọc người phụ nữ của mình. Nhưng tôi cũng hiểu duyên phận ở đời không do mình quyết định. 

Tôi và Jennifer Phạm từng không nói chuyện với nhau và bây giờ, chúng tôi có thể ngồi cùng nhau nên mọi thứ cũng đã thấy nhẹ nhàng. Trải qua những khổ đau, tôi cũng ngộ được vài điều. Tình duyên với tôi bây giờ có thì tốt mà không có cũng không phải là địa ngục nữa.

Quang Dũng: Từng bế tắc trong tháng ngày đen tối - Ảnh 3.

Quang Dũng và con trai

"Gà trống nuôi con"

. Anh đã giúp con trai đối mặt với chuyện chia tay của bố mẹ thế nào?

- Bảo Nam hiểu chuyện nhưng không bao giờ nói. Tôi và Jennifer cũng chưa có dịp để giải thích với cháu.

Hơn nữa, cháu là đứa trẻ cực kỳ nhạy cảm nên tôi cũng chưa biết cách để chia sẻ với Bảo Nam như thế nào. Đôi lần, tôi đọc được sự thắc mắc của cháu về việc của bố mẹ, điều ấy khiến tôi thực sự đau lòng nhưng bé còn nhỏ quá nên tôi cũng không biết bắt đầu thế nào.

. Anh vẫn chịu cảnh "gà trống nuôi con" như vậy đến bao giờ?

- Tôi ái ngại vì bị ám ảnh tình huống mẹ ghẻ con chồng. Duyên phận là do trời định. Tôi không sẵn sàng tìm mẹ kế cho Bảo Nam. Có lẽ tình yêu tôi dành cho cháu quá lớn và tôi sợ hạnh phúc riêng của mình ảnh hưởng không tốt đến cháu.

Mọi lựa chọn của tôi lúc này phải đặt trên cơ sở hạnh phúc và sự an toàn của Bảo Nam. Nói thật thì tôi cũng đang trong một mối quan hệ nhưng điều đó không có nghĩa chúng tôi phải nên duyên chồng vợ. Đó cũng không phải là chuyện tôi có thể quyết định được.

Chỉ biết rằng cốt lõi trong chuyện tình cảm vẫn là tìm được hạnh phúc. Chúng tôi đang hạnh phúc. Vậy là quá đủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại