Yak-24 và cuộc cách mạng trong ngành chế tạo trực thăng

Quang Đức |

Khi nhắc tới trực thăng có 2 cánh quạt song song mọi người thường nghĩ ngay tới CH-47 của Mỹ, tuy nhiên trước thời điểm CH-47 ra đời Liên Xô đã chế tạo được loại tương tự như vậy.

Thông số kỹ thuật trực thăng Yak-24

Chiều dài: 21,24 m

Đường kính rotor: 20,2 m

Chiều cao: 6,5 m

Trọng lượng rỗng: 10.607 kg

Trọng lượng cất cánh tối đa: 16.800 kg

Động cơ: 2 động cơ ASh-82V 1.700 mã lực mỗi chiếc

Vận tốc tối đa: 195 km/h

Tầm bay: 430 km

Trần bay: 5.000 m

Vũ khí: 1 súng máy Afanasyev cỡ nòng 12,7 mm với cơ số đạn 150 viên

Quá trình phát triển máy bay trực thăng của Liên Xô bị trì hoãn trong suốt thời gian diễn ra Chiến tranh Thế giới thứ 2. Để chạy đua với Mỹ, tháng 9/1951, lãnh tụ Stalin yêu cầu các nhà sản xuất máy bay Xô Viết phải phát triển 2 loại trực thăng vận tải với tải trọng lần lượt là 1.200 kg và 2.400 kg.

Nhiệm vụ này được giao cho 2 phòng thiết kế Mikhail Mil (OKB-329) và Aleksandr Yakovlev (OKB-115). OKB-329 đảm nhận thiết kế loại trực thăng đầu tiên và đã phát triển thành công trực thăng Mi-4. Trong khi đó OKB-115 thực hiện dự án còn lại với các yêu cầu là máy bay phải có 2 động cơ, 2 cánh quạt nâng song song, có thể chở được 24 người. Các chuyến bay thử nghiệm của cả 2 loại này phải diễn ra trong vòng 1 hoặc 2 năm.

Thực hiện yêu cầu, OKB-115 đã chế tạo 4 mẫu thử nghiệm tại nhà máy số 272 ở thành phố Leningrad (St. Peterburg ngày nay). Trong đó, 2 mẫu do các phi công S. Brovtsev và Y. Milyutichev bay thử vào ngày 03/7/1953 và 2 mẫu thử nghiệm tĩnh học và động lực học trên mặt đất.

Yak-24 mẫu thử nghiệm năm 1952

Các nhà thiết kế ở OKB-115 đã sử dụng cánh quạt và động cơ do OKB-329 phát triển cho trực thăng Mi-4 là động cơ Chvetsov ASh-82V công suất 1.700 mã lực với cánh quạt nâng bốn lá có đường kính 21 m. Các cánh quạt này làm bằng hợp kim nhẹ và được phủ vải. Thân máy bay có cấu trúc hình ống dài, cuối thân có 2 cánh đuôi lớn.

Sơ đồ thiết kế của Yak-24

Quá trình thử nghiệm của các mẫu thử đã cho thấy những vấn đề nghiêm trọng về sự cộng hưởng rung động do 2 cánh quạt nâng gây ra, khung máy bay và cánh quạt thiếu chắc chắn nên chỉ sau 178 giờ hoạt động thì phần khung gắn động cơ thứ 2 ở phía sau máy bay đã vỡ vụn. Để giải quyết vấn đề, các nhà thiết kế đã cắt bỏ 0,5 m ở mỗi cánh quạt, tăng cường cấu trúc thân máy bay và nối lại các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước vào cuối năm 1953.

Đến năm 1954, trực thăng này được đưa vào sản xuất với định danh Yak-24 và ra mắt công chúng lần đầu tiên vào năm 1955 tại triển lãm hàng không Tushino nhân kỷ niệm ngày hàng không Liên Xô. Ngày 17/12/1955, một chiếc Yak-24 đã lập được 2 kỷ lục thế giới khi nâng tải trọng 4.000 kg lên độ cao 2.000 m và nâng 2.000 kg lên độ cao 5.082 m. Không quân Liên Xô tiếp nhận chiếc đầu tiên vào trang bị năm 1956. Khác với trực thăng Mi-4 sinh cùng thời, Yak-24 không được sản xuất trên quy mô lớn, chỉ có tổng cộng 35 chiếc được sản xuất trong khoảng thời gian 1953 - 1960 với nhiều phiên bản khác nhau phục vụ cho cả mục đích quân sự và dân sự (một số nguồn khác cho rằng số lượng Yak-24 thực tế chế tạo là gần 100 chiếc).

Trực thăng Yak-24 được trang bị 2 động cơ piston Chvetsov ASh-82V với 14 xilanh bố trí hình tròn làm mát bằng không khí và được đặt ở hai đầu của thân máy bay. Các động cơ này cho phép Yak-24 bay ở vận tốc 175 km/h với tối đa tải trọng hàng hóa. Tầm xa ở phiên bản hiện đại nhất là 430 km.

Cánh đuôi hình chữ V giúp ổn định máy bay

Buồng lái của Yak-24 có kiểu thiết kế cơ bản và không có các thiết bị điện tử hàng không hoặc cảm biến đặc biệt. Do vậy, Yak-24 hầu như không thể hoạt động vào ban đêm. Phía dưới buồng lái có thể lắp một súng máy 12,7 mm.

Bảng điều khiển trong buồng lái Yak-24

Súng máy 12,7 mm và kính ngắm K-10T trang bị trên Yak-24

Các phiên bản đặc biệt

Yak-24T, tham gia vào việc xây dựng các đường ống dẫn dầu với nhiệm vụ tiếp nhiên liệu cho các căn cứ quân sự. Máy bay được trang bị khoang chứa 2 ngăn với 44 ống dẫn đường kính 40 mm ở hai bên thân.

Yak-24 số hiệu 62 trang bị một cánh tay máy có thể thu vào thân. Trên cánh tay máy có máy ảnh với khả năng chụp 360 độ.

Yak-24K - phiên bản chở khách VIP có 2 chiếc với số hiệu 27.208.303 và 27.208.304 được chế tạo. Bên ngoài, Yak-24 được phân biệt bởi 4 cửa sổ vuông lớn chạy dọc theo thân máy bay. Nội thất của Yak-24K được thiết kể để chứa 8 hành khách với hệ thống lọc không khí, sưởi ấm, nhà vệ sinh, điện thoại liên lạc.

Yak-24A - phiên bản chở khách. Phiên bản này có thể chứa được 30 hành khách và được hãng hàng không quốc gia Liên Xô Aeroflot khai thác. Yak-24A cũng có thể hoạt động như một trực thăng vận tải hoặc như một cần cẩu trên không. Các móc treo bên ngoài của Yak-24A có thể mang khối lượng hàng hóa lên đến 5 tấn.

Yak-24 đang cẩu một xe GAZ-51

Tham gia phục chế cung điện Tsarskoïe Selo

Yak-24U - phiên bản quân sự tiêu chuẩn. Phiên bản đầu tiên của Yak-24 có thể chở được 30 lính vũ trang đầy đủ, 18 cáng cứu thương hoặc 3 tấn hàng hóa. Phiên bản cải tiến Yak-24U có thể chở 40 lính với đầy đủ trang bị hoặc lên đến 3,5 tấn hàng hóa.

Mặc dù có thiết kế đột phá nhưng Yak-24 lại có số phận không may mắn. Các máy bay Yak-24 chỉ phục vụ trong biên chế của Không quân Xô Viết cho đến khi bị thay thế bởi các máy bay Mi-6 có sức mạnh hơn hẳn vào đầu những năm 1960.

Yak-24 tại bảo tàng không quân Monino

Trực thăng Yakovlev Yak-24

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại