"Bộ đôi hoàn hảo", tại sao?
Một nhóm bắn tỉa thường có 2 thành viên để làm nhiệm vụ xạ thủ và quan sát viên. Do đặc thù kính ngắm quang học của súng bắn tỉa có góc quan sát hạn chế và phát bắn có chính xác hay không phụ thuộc rất nhiều vào các thông số thu thập về môi trường xung quanh. Nhiệm vụ cung cấp các thông số trên cho xạ thủ bắn tỉa chính là quan sát viên. Họ được trang bị kính quan sát góc rộng có giá trị cho phép thu thập thông tin toàn cảnh.
Ngoài ra, các thông tin về khoảng cách mục tiêu, hướng gió, sức gió, tốc độ di chuyển của mục tiêu, ảnh ảo, nhiệt độ, áp khí và điều kiện ánh sáng cũng được quan sát viên thu thập và tính toán cung cấp biến số cho xạ thủ thực hiện phát bắn hoàn hảo.
Cùng với đó, quan sát viên cũng là người xác nhận phát bắn của xạ thủ, nếu không thành công họ sẽ hiệu chỉnh giúp xạ thủ khai hỏa chính xác vào lần sau. Thông tin này được quan sát viên nhận biết được từ vết đạn đạo của viên đạn khi bay ở tốc độ cao với khoảng cách lớn, nó sẽ tạo ra một cái đuôi giống như vệt hơi nước.
Nếu cả 2 thành viên của đội đều là xạ thủ bắn tỉa chuyên nghiệp, họ có thể thay phiên đổi vai cho nhau. Điều này hết sức quan trọng trong tác chiến dài ngày, giúp giảm mệt mỏi và căng thẳng cho xạ thủ.
Nếu quan sát viên là một học viên xạ thủ bắn tỉa đi kèm với các xạ thủ chuyên nghiệp để học nghề: Trong trường hợp này, xạ thủ bắn tỉa chính là chỉ huy của đội. Việc ghép đôi dạng này cho phép học viên bắn tỉa có những kiến thức thực chiến giúp ích cho các nhiệm vụ trong tương lai, khi họ trở thành xạ thủ chuyên nghiệp.
Khi tác chiến, xạ thủ bắn tỉa tập trung vào mục tiêu thông qua kính ngắm, khả năng tự bảo vệ của họ trước các yếu tố tấn công bất ngờ tầm gần là rất hạn chế nên người quan sát cũng chính là "người cảnh giới" bảo vệ cho cả đội với súng trường tấn công. Nếu bắt buộc phải chiến đấu tầm gần, súng bắn tỉa nặng nề không phải là lựa chọn tốt so với súng trường hoặc súng lục.
Quy trình của đội bắn tỉa thường là:
1. Nhóm bắn tỉa (2 người) sử dụng bản đồ và hình chụp để xác định vị trí mục tiêu và đường đi tối ưu nhất tới mục tiêu đó.
2. Sau đó, họ đi (hoặc lén lút đi) từ điểm đổ bộ cho đến vị trí đó.
3. Sau khi đến, họ bắt đầu xây dựng nơi ẩn náu và ngụy trang cho mình.
4. Kiểm tra vị trí của mình đã được ngụy trang tốt hay chưa.
5. Họ cũng không quên "vẽ" đường thoát cho mình và thiết lập một địa điểm tập trung khác (cũng được ngụy trang) phòng trường hợp 2 người bị tách ra.
6. Xác định vị trí mục tiêu, hoặc chờ cho mục tiêu di chuyển đến nơi đã định.
7. Cả 2 vào vị trí:
- Lính bắn tỉa chọn một vị trí lý tưởng để quan sát, đặt súng ngắm.
- Người quan sát sẽ nằm sát bên, hơi lùi một chút so với lính bắn tỉa. Người này sẽ đặt ống nhòm của mình sát với nòng súng càng gần càng tốt.
8. Sau đó cả hai cùng làm việc với nhau, đọc các chỉ số gió, căn góc, điều chỉnh ống ngắm... kiểm tra tất cả những yếu tố có thể ảnh hướng đến viên đạn lúc bắn ra.
9. Nằm chờ mục tiêu đến.
10. Khi mọi thứ đã được chuẩn bị kỹ càng, mục tiêu rơi vào tầm ngắm, họ chỉ việc bắn phát súng đó và rồi nhanh chóng rút lui theo phương án định sẵn.
Sự khác biệt của súng bắn tỉa chuyên dụng so với súng bộ binh thường
Trong thực tế, tất cả súng bộ binh thông thường với kính ngắm quang học đều có thể được sử dụng trong nhiệm vụ bắn tỉa, nhưng để có các phát bắn chính xác ở khoảng cách xa, xạ thủ bắn tỉa cần súng bắn tỉa chuyên nghiệp được thiết kế với những tiêu chí riêng.
Các súng bắn tỉa chuyên nghiệp đều có nòng súng dài giúp có đạn đạo ổn định cao và chính xác, trọng lượng súng lớn giúp súng ổn định theo phương nằm ngang sau mỗi phát bắn. Ngoài ra, đối với các đơn vị bắn tỉa đặc biệt, việc chế tạo và thiết kế súng bắn tỉa được làm riêng căn cứ vào chiều cao và cân nặng của xạ thủ.
Việc phân biệt súng bắn tỉa có thể căn cứ vào cỡ đạn sử dụng. Đối với các dòng súng bắn tỉa thông thường thì cỡ đạn thường là loại phổ dụng như đạn bộ binh thông thường: 5,56mm, 7,62mm... cho tới dưới cỡ 12,7mm. Tuy nhiên, để tăng cường độ chính xác, đạn dùng cho súng bắn tỉa cũng được chế tạo đặc biệt theo các dòng súng.
Đối với các súng bắn tỉa sử dụng từ cỡ đạn từ 12,7mm tới 20mm, đây là dòng súng bắn tỉa hạng nặng dùng cho nhiệm vụ chống bắn tỉa hoặc phá hủy, vô hiệu hóa các khí tài quân sự của đối phương. Có thể lấy ví dụ: Với súng bắn tỉa M107 cỡ đạn 12,7mm, xạ thủ có thể thực hiện phát bắn có tốc độ đạt Mach 3 tới khoảng cách hiệu dụng là 1,6km. Ở tầm gần, đạn của súng M107 có thể xuyên qua tường bê tông hoặc các lớp thép dày. Với khẩu súng dạng này, động cơ máy bay, giàn ăng-ten hay các thiết bị quan sát trên xe thiết giáp đều có thể bị phá hủy sau một phát bắn. Đó chính là uy lực thực sự của súng bắn tỉa hạng nặng.
Việc phân loại súng bắn tỉa căn cứ vào phương thức lên đạn: Bằng tay (bolt-action) và bán tự động (semi-automatic). Mỗi phương thức đều có ưu và nhược điểm riêng. Súng bắn tỉa lên đạn bằng tay có ưu điểm là không sử dụng cơ cấu trích khí, nên súng rất ổn định và độ giật sau mỗi phát bắn tương đối nhẹ, nhưng tốc độ bắn thấp. Trong khi đó, súng bắn tỉa bán tự động lại có ưu thế về tốc độ bắn, nhưng độ chính xác không cao.
Trong thực tế, súng bắn tỉa lên đạn bằng tay thường được các xạ thủ chuyên nghiệp chọn do không cần yêu cầu cao về tốc độ bắn, còn súng bắn tỉa bán tự động lại được xạ thủ lựa chọn do tốc độ bắn là yếu tố quan trọng trong tác chiến tầm gần và trung. Tuy nhiên, việc chọn cho mình khẩu súng ưng ý phần nhiều phụ thuộc vào sở thích và cảm nhận của mỗi xạ thủ bắn tỉa.
Một điểm quan trọng nữa để phân loại súng bắn tỉa là MOA (minute of angle) - đơn vị đo độ chính xác của phát bắn. Khoảng cách khai hỏa càng xa, độ chính xác càng giảm do tác động từ rất nhiều yếu tố tự nhiên. MOA đo độ chính xác của cú bắn thông qua thông số lấy từ khoảng cách khai hỏa: 1 inch (25mm) ứng với 100 yards (khoảng 900 mét). Nếu súng bắn đạt 1 MOA tương đương với việc súng này có sai số bắn 25mm ở cự ly 900m. Về yếu tố này, súng bắn tỉa lên đạn bằng tay ưu thế hoàn toàn so với súng bắn tỉa bán tự động. Cụ thể, súng trường bắn tỉa AWM (Anh) có MOA đạt dưới 0,5, còn súng bắn tỉa SVD Dragunov với đạn chuyên dụng mới có thể đạt MOA dưới 2.
Do đặc tính chế tạo cần tính chính xác cao, công phu, giá thành của súng bắn tỉa đều rất cao, dao động từ vài ngàn tới vài chục ngàn USD/súng tùy loại và từng quốc gia.
Kỷ lục về khoảng cách bắn tỉa hiện nay là 2.430m bởi xạ thủ Rob Furlong người Canada, thuộc tiểu đoàn số 3 lực lượng bộ binh nhẹ Canada trong cuộc chiến tại Afghanistan. Xạ thủ bắn tỉa này sử dụng súng bắn tỉa lên đạn bằng tay McMilan cỡ 12,7mm. Thời gian bay của viên đạn lên đến 4 giây, và tạo đường đạn cầu vồng cao đến 46m.
Xem phần 1:
Xạ thủ bắn tỉa: Từ phim ảnh đến thực tế