Xạ thủ bắn tỉa: Từ phim ảnh đến thực tế

Qua phim ảnh, rất nhiều người hình dung xạ thủ bắn tỉa là người có thể hạ các mục tiêu ở xa một cách đơn giản và nhanh chóng. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác xa như vậy.

Qua phim ảnh, rất nhiều người hình dung xạ thủ bắn tỉa là người có thể hạ các mục tiêu ở xa một cách đơn giản và nhanh chóng. Họ hầu như chỉ cần chọn một vị trí kín đáo, có góc quan sát tốt là có thể hạ được mục tiêu. Đôi khi, những xạ thủ này cũng không cần bộ đồ ngụy trang rườm rà và đặc biệt là luôn hoạt động đơn độc.

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác xa như vậy, xạ thủ bắn tỉa có một loạt những kỹ năng liên quan trực tiếp tới khả năng thành công của phi vụ hoặc sự sống còn của bản thân như: Phương thức ẩn nấp, các phương án đối phó và di chuyển tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách thích hợp và thoái lui; để có phát bắn chính xác "một viên, một địch", xạ thủ bắn tỉa không đơn thuần là đưa súng lên và bóp cò mà phải tính toán tới hướng gió, độ ẩm không khí, nhiệt độ môi trường, hướng di chuyển của mục tiêu.... Ngoài ra, một điểm đáng chú ý nữa là một đội bắn tỉa thường có 2 thành viên. Việc xạ thủ bắn tỉa hoạt động độc lập chỉ trong tình huống hãn hữu hoặc nhiệm vụ đặc biệt.

Hiện tại, xạ thủ bắn tỉa được quân đội nhiều nước quân tâm và xây dựng. Căn cứ vào mức độ huấn luyện có thể chia xạ thủ bắn tỉa thành 2 nhánh. Một nhánh làm nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực cho các đơn vị bộ binh thường được biết tới với biệt danh xạ thủ (Markman hay Sharpshooter) với trang bị thường thấy là súng trường bắn tỉa bán tự động. Trong khi đó, xạ thủ bắn tỉa chuyên nghiệp (sniper) thì lại được phiên chế cho các lực lượng đặc biệt (SEAL, Delta Force (Mỹ), Alpha, Vympel (Nga), SAS (Anh)...). Trang bị và kỹ năng của lực lượng này cũng khác xa so với xạ thủ thông thường. Vậy thực sự xạ thủ bắn tỉa là ai?

Sự "rườm rà" có chủ đích của xạ thủ bắn tỉa.

Bắn tỉa không chỉ đơn thuần là "một viên, một địch"

Do đặc thù bắn tỉa là bí quyết và lực lượng mật của quân đội mỗi quốc gia, nên việc đào tạo họ được coi là bí mật. Tuy nhiên, xạ thủ bắn tỉa đều có dải nhiệm vụ chung là:

Do thám, theo dõi mục tiêu: Kỹ năng ẩn nấp được đào tạo chuyên nghiệp, sự chịu đựng tốt giúp xạ thủ bắn tỉa có thể đi sâu vào hậu cứ quân địch để thu thập thông tin, chỉ thị mục tiêu. Có nhiều trường hợp, xạ thủ bắn tỉa ẩn nấp ở 1 vị trí hàng tuần không cử động để theo dõi mục tiêu.

Ám sát, tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao: Các mục tiêu đáng giá hay yếu nhân luôn được bảo vệ kỹ và khó tiếp cận, nhưng kỹ năng bắn tỉa có thể giúp xạ thủ bắn tỉa không cần tiếp cận mục tiêu quá gần, mà vẫn tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa chúng.

Sự nguy hiểm từ những phát bắn chết người câm lặng.

Gây sức ép tâm lý, hỗ trợ đồng đội tấn công hoặc phòng thủ: Việc đối phương phát hiện ra đơn vị mình đang nằm trong tầm ngắm của một tay súng bắn tỉa có gây hiệu ứng tâm lý rất ghê gớm. Đây là yếu tố trong binh pháp "một người có thể địch trăm người". Ngoài ra, trong nhiệm vụ chiến đấu, xạ thủ bắn tỉa có thể chọn các vị trí thuận lợi cung cấp hỏa lực chính xác hỗ trợ cho đơn vị bộ binh tấn công hoặc phòng ngự.

Cùng với các nhiệm vụ căn bản nêu trên, một nhiệm vụ khác không thể quên đối với xạ thủ bắn tỉa là phát hiện và theo dõi các đơn vị bắn tỉa của đối phương trong khu vực. Nếu không làm tốt điều này, có thể chính xạ thủ bắn tỉa sẽ là mồi ngon của xạ thủ đối phương.

Trong thực tế chiến đấu, xạ thủ bắn tỉa luôn được coi là mục tiêu có giá trị cao. Khi bị phát hiện, vị trí ẩn nấp của họ sẽ là "túi bom, đạn".

Đừng cho đối thủ biết mình ở đâu, nếu không bạn (xạ thủ bắn tỉa) sẽ là mồi ngon.

Để nhận biết đơn vị có nằm trong tầm ngắm của xạ thủ bắn tỉa hay không có thể thông qua các dấu hiệu như: Nhiều binh sĩ của đơn vị bị hạ gục vì các phát đạn đơn lẻ, tiếng nổ đầu nòng cách xa thời điểm trúng đạn hoặc không có, chỉ huy của các đơn vị tiền tiêu bị hạ đồng loạt... Chính vì những yếu tố trên đã khẳng định sức mạnh thực sự của xạ thủ bắn tỉa có thể tính bằng cấp số nhân. Chỉ với các cá nhân đơn lẻ khi sử dụng những chiến thuật đặc biệt, xạ thủ bắn tỉa có hiệu quả tác chiến tương đương với một binh đoàn có số lượng binh sĩ lớn gấp nhiều lần. Điều khác biệt nữa là đối phương không thể biết họ ở đâu, là ai.

Với súng trường bắn tỉa hạng nặng, không có vị trí ẩn nấp nào là tuyết đối an toàn.

Trong trường hợp không có các mục tiêu cụ thể và với trang bị hợp lý, mức độ nguy hiểm của xạ thủ bắn tỉa là rất cao. Lính gác, sĩ quan... đều là "miếng mồi ngon" của họ. Thậm chí với súng trường bắn tỉa hạng nặng (anti-materiel rifles), xạ thủ có thể biến các loại khí tài quân sự: Xe thiết giáp, trực thăng, đài liên lạc.... thành đồ vô dụng. Kết quả này cũng tương đương với việc họ hạ thủ thành công sĩ quan điều khiển các khí tài nói trên.

Xạ thủ bắn tỉa Simo Hayha (quân đội Phần Lan) là một huyền thoại trong giới bắn tỉa và hiện vẫn đang giữ kỷ lục về số địch thủ bị hạ trong lịch sử bắn tỉa. Quân đội Xô viết đặt cho xạ thủ này biệt danh "Cái chết trắng". Trong Chiến tranh Liên Xô-Phần Lan (1940), S. Hayha tham gia bảo vệ vùng Kollaa và bằng một khẩu súng trường M28 cũ kỹ không có ống ngắm, xạ thủ này đã hạ 542 địch thủ. Mặc dù là một tay bắn tỉa cừ khôi nhưng khi được trang bị một khẩu tiểu liên Suomi M-31, ông tiếp tục nâng số địch thủ bị hạ của mình lên ít nhất là 705. Quân đội Xô viết đã truy lùng S. Hayha rất gắt gao, nhưng những nỗ lực của họ không có kết quả.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại