Sợ hãi đến mức... vãi ra ý tưởng!
Trong những năm chiến tranh Lạnh, nỗi sợ hãi về một cuộc xâm lược quy mô lớn bằng tăng thiết giáp của Liên Xô khiến các quốc gia phương Tây tìm đủ mọi phương cách để đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
Cũng vì thế mà nhiễu loại vũ khí rất ngớ ngẩn cũng được các chuyên gia vũ khí phương Tây cho ra đời, một trong số đó là mìn hạt nhân Blue Peacock.
Ý tưởng về mìn hạt nhân rất đơn giản, người Anh chế ra các quả mìn có sức nổ khoảng 10 kiloton, sau đó chôn ở phía bắc nước Đức. Nếu Liên Xô phát động tấn công, xâm chiếm Tây Đức, họ chỉ việc kích nổ những quả mìn này.
Tuy vậy mục đích chính của chúng không phải để tiêu diệt sinh lực địch mà là để “ngăn cho quân địch chiếm đóng lãnh thổ của ta bằng cách làm nó nhiễm phóng xạ”. Ngay từ ý tưởng của loại mìn này đã rất ngớ ngẩn.
Các nhà khoa học Anh chế tạo mìn hạt nhân dựa trên thiết kế của bom hạt nhân Blue Danube, vũ khí hạt nhân đầu tiên mà Anh chế tạo. Sau khi hoàn thành, quân đội Anh sẽ đặt hàng 10 quả rồi chuyển đến cho Tập đoàn quân Sông Rhine đang đóng tại Đức.
Bom hạt nhân Blue Danube của Anh, nguyên mẫu để tạo nên mìn hạt nhân.
Chỉ sau vài năm nghiên cứu chế tạo, các nhà khoa học Anh đã cho ra đời nguyên mẫu đầu tiên của mìn hạt nhân có hình trụ bọc thép, bên trong là lõi plutonium với thuốc nổ thường bao quanh.
Tuy vậy, nguyên mẫu này đã cho thấy có nhiều vấn đề mà nó gặp phải. Thứ nhất, so với những quả mìn thông thường thì mìn hạt nhân quá to lớn, nặng tận 8 tấn, cao 1.8 mét.
Đừng nói đến việc chôn nó xuống đất hay ngụy trang để Liên Xô không biết, ngay cả đến việc vận chuyển và thử nghiệm cũng là cả một vấn đề.
Vấn đề thứ 2 mà người Anh gặp phải là làm thế nào để kích nổ quả mìn này mà không làm ảnh hưởng đến quân mình? Bom hạt nhân thường được máy bay ném từ độ cao rất lớn để kịp bay đi, tránh vụ nổ.
Nhưng ở đây ngay cả khi người lính cố gắng tránh xa bãi mìn hạt nhân, họ vẫn có thể bị thương vong vì sức mạnh hủy diệt của vũ khí hạt nhân là rất lớn.
Đầu tiên thì người ta nghĩ ra giải pháp là chỉ cần một người lính đứng xa quả mìn 3 dặm kích nổ nó, còn cả đạo quân nghìn người sẽ phải rút lui từ trước.
Thế nhưng nhỡ đoạn dây nối giữa mìn và bộ kích nổ dài 3 dặm gặp trục trặc thì sao, và làm sao để Anh biết khi nào Liên Xô xâm lăng để họ còn sơ tán vài ngàn binh lính. Và thế là người Anh nghĩ ra cách thêm vào quả mìn một hệ thống hẹn giờ.
Khi bị Liên Xô tấn công, người ta sẽ kích hoạt hệ thống hẹn giờ, sau đó rút toàn bộ quân ra khỏi khu vực, hệ thống hẹn giờ sẽ đếm ngược, 8 ngày sau nó sẽ phát nổ.
Vậy nhưng giải pháp trên lại làm nảy sinh vấn đề thứ 3 đó là nhỡ quân Liên Xô biết được có mìn hạt nhân ngay dưới chân họ, làm sao để không cho họ vô hiệu hóa chúng?
Vậy là người Anh lại tiếp tục cài đặt thêm một hệ thống chống vô hiệu hóa, chỉ cần có ai đó đập, đẩy hay bắn vào quả mìn, hay thậm chí là làm nó ngập nước, quả mìn sẽ phát nổ chỉ sau 10 giây.
Bom hạt nhât Blue Danube. Ảnh: HandmadeByMachine.com
Cũng may vì ngớ ngẩn nên nó đã bị hủy bỏ
Và vấn đề cuối cùng, vấn đề nan giải nhất và các nhà khoa học cũng giải quyết bằng một cách “sáng tạo” nhất: nhiệt độ.
Quả mìn chỉ có thể hoạt động trong một điều kiện nhiệt độ nhất định, nếu quá nóng hoặc quá lạnh, mìn có thể không hoạt động, khi chôn nó xuống đất, họ lo rằng ở đó quá lạnh, khiến mìn sẽ hỏng. Giải pháp đầu tiên của người Anh đó là làm nóng quả mìn bằng… gà.
Đúng vậy, họ sẽ dùng thân nhiệt của gà để giữ ấm cho quả mìn. Do quả mìn rất to, bên trong nó có đủ chỗ để thực hiện điều trên.
Người ta sẽ thả vào đây một lượng thức ăn vừa đủ để con gà sống, những chú gà dũng cảm sẽ ăn, ngủ, nghỉ ngay bên trong quả mìn hạt nhân để giữ ấm cho nó. Người lính có thể thay gà mới nếu cần. Ý tưởng này tất nhiên không trở thành hiện thực.
Tuy vậy, thay vì sử dụng những phương pháp thực tế, hiệu quả để sinh nhiệt ủ ấm cho quả mìn, người Anh lại sử dụng những chiếc gối làm từ sợi thủy tinh để giải quyết vấn đề.
Cũng may vì ngớ ngẩn nên dự án mìn hạt nhân Blue Peacock đã bị hủy bỏ, không thì chưa biết hậu quả sẽ thế nào!
Dự án cuối cùng bị đóng cửa do nhiều vấn đề gặp phải từ việc quá to cho đến việc dùng gối thủy tinh đề giữ ấm. Việc chôn vũ khí hạt nhân dưới lòng đất tại một quốc gia đồng minh trong thời bình cũng gây ra nhiều vấn đề chính trị nhiêu khê.
Ngày 1 tháng 4 năm 2004, Cục Lưu trữ Quốc gia Anh giải mật thông tin về dự án Blue Peacock, kể cả chuyện dùng gà để làm ấm. Các phóng viên đã ngạc nhiên đến mức họ phải hỏi Cục Lưu trữ rằng liệu đây có phải trò đùa nhân ngày Cá tháng Tư.
Mìn hạt nhân là một dự án ngớ ngẩn nhưng nó không phải là dự án duy nhất khi người ta cố gắng thu nhỏ vũ khí hạt nhân, dự án này có lẽ chưa thể sánh bằng súng Bazooka hạt nhân của Mỹ về độ ngớ ngẩn của nó.