Vụ Iran bắt xuồng tuần tra: Hải quân Mỹ lộ điểm yếu đáng xấu hổ

Hải Vy |

Hải quân Mỹ đã phát hiện ra một loạt các vấn đề đáng xấu hổ, từ trục trặc kỹ thuật, mất liên lạc cho tới việc các thủy thủ chưa được đào tạo đầy đủ kỹ năng định hướng chuẩn.

Khi 10 thủy thủ Mỹ “trôi dạt” vào vùng biển Iran và bị Tehran bắt giữ, nhiều câu hỏi ngay lập tức được đặt ra về nguyên nhân thực sự của vụ việc, nhất là khi xét tới mức độ chính xác của hệ thống dẫn đường hiện đại ngày nay.

Một cuộc điều tra mới đây của Hải quân Mỹ đã hé lộ nội tình sự việc này.

Tháng 1/2016, khi thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn chưa được thực thi, 2 xuồng tuần tra nhỏ của Hải quân Mỹ đã “trôi dạt” vào vùng biển của Iran ở ngoài khơi đảo Farsi, vịnh Ba Tư.

10 thủy thủ Mỹ bị Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt giữ, khiến mối quan hệ ngoại giao giữa 2 phía trở nên mong manh.


Lính Mỹ quỳ gối khi bị Vệ binh cách mạng Iran bắt. (Irib News)

Lính Mỹ quỳ gối khi bị Vệ binh cách mạng Iran bắt. (Irib News)

Khi đó, Lầu Năm Góc tuyên bố nguyên nhân dẫn đến sự cố là do trục trặc kỹ thuật. Điều này đã vấp phải nhiều nghi ngờ bởi 2 chiếc xuồng vẫn hoạt động được sau khi các thủy thủ được thả.

Trong cuộc điều tra nội bộ đang được tiến hành, Hải quân Mỹ đã phát hiện ra một loạt các vấn đề đáng xấu hổ, từ trục trặc kỹ thuật, mất liên lạc cho tới việc chưa được đào tạo đầy đủ kỹ năng định hướng chuẩn.

Trao đổi với tạp chí Foreign Policy, các quan chức giấu tên nắm rõ về cuộc điều tra mô tả các thủy thủ bị bắt giữ đã vội vàng di chuyển từ Kuwait tới Bahrain như thế nào trong thời hạn 24h.

Một trong 2 chiếc xuồng trong cuộc hành trình này không được chuẩn bị kỹ lưỡng, phải trang bị thêm một số bộ phận lấy từ chiếc tàu khác.

Các điều tra viên cho rằng thủy thủ trên xuồng đang tìm cách sửa động cơ khi họ bị bắt giữ.

Khoảng cách hành trình cũng đóng vai trò nhất định trong vụ việc. Với quãng đường dài 240 hải lý, chuyến hành trình này dài hơn so với những gì các thủy thủ được huấn luyện.

Khoảng cách này cũng đòi hỏi phải tiếp nhiên liệu giữa hành trình, vì vậy các thủy thủ nôn nóng muốn đến nơi trước khi trời tối.

Họ chưa được huấn luyện để thực hiện tiếp nhiên liệu trong đêm.

Tình hình trở nên phức tạp hơn khi các thủy thủ không có đường dây liên lạc trực tiếp với các tàu tiếp nhiên liệu và gặp rất nhiều khó khăn trong việc sắp xếp một “cuộc hẹn”.


Hai xuồng tuần tra Mỹ bị bắt giữ gần đảo Farsi (Đồ họa: BBC)

Hai xuồng tuần tra Mỹ bị bắt giữ gần đảo Farsi (Đồ họa: BBC)

Hai chiếc xuồng được trang bị thiết bị định vị GPS nhưng các điều tra viên phát hiện ra rằng phần mềm bản đồ không có độ phân giải cho phép để nhận diện hòn đảo tương đối nhỏ như Farsi.

Chúng cũng được trang bị một thiết bị có chức năng tự động báo cho trung tâm hoạt động vị trí của các thủy thủ 30 phút một lần.

Vì lý do nào đó, trung tâm hoạt động này đã không thông báo với các thủy thủ rằng họ đang đi vào lãnh hải Iran.

“Chúng tôi không tìm cách bao biện. Mục đích của cuộc điều tra là không chỉ tập trung vào các thủy thủ có liên quan mà còn cả dây chuyền điều hành.

“Nhận trách nhiệm là điều quan trọng nhưng quan trọng hơn cả là những gì chúng ta rút ra từ vụ việc này và đảm bảo nó sẽ không tái diễn” - Một quan chức nói.

Iran công bố video đối xử thủy thủ Mỹ bị bắt giữ

Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif đã đàm phán thành công để Tehran đồng ý thả 10 thủy thủ Mỹ nhưng tình hình có thể đã tồi tệ hơn rất nhiều.

Như các quan chức đã đề cập, cả 2 chiếc xuồng của Mỹ đều trang bị súng máy 50-cal và GAU-19.

Theo Đại úy Hải quân Mỹ David Nartker, nếu các thủy thủ sửa xong động cơ trước khi bị bắt giữ, họ có thể đã tìm cách tẩu thoát.

Tất nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc nổ súng vào đội tuần tra của Iran và một sai sót nhỏ này cũng có thể nhanh chóng đẩy sự việc leo thang lên tầm quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại