Algeria là nước đầu tiên được trang bị S-400 của Nga?
Truyền thông Algeria vừa hào hứng công bố những bức ảnh đầu tiên của một hệ thống tên lửa phòng không mới, siêu mạnh. Qua nhận dạng, các chuyên gia quân sự khẳng định đó là hệ thống phòng không tiên tiến S-400 Triumf của Nga.
S-400 được xác định nhờ xe đầu kéo BAZ-64022, nhãn hiệu của cơ sở sản xuất khung gầm là Nhà máy ô tô Bryansk (các hệ thống S-300PMU2 xuất khẩu dùng khung gầm KrAZ-260).
Theo dự đoán số lượng hàng được bàn giao đã lên tới 3 - 4 trung đoàn, mỗi trung đoàn biên chế 3 - 4 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn lại bao gồm 6 - 8 dàn phóng. Những hệ thống S-400 này sẽ bổ sung sức mạnh cho 3 trung đoàn S-300PMU2 của Algeria.
Được biết trước khi sở hữu S-400 Triumf, Algeria cũng đã xây dựng mạng lưới phòng không rất mạnh được tích hợp, đa tầng, đa lớp, có chiều sâu kiểu Nga gồm các hệ thống tầm xa S-300PMU2, tầm trung Buk-M2 và tầm gần như Pantsir-S1, Tor-M2.
Hợp đồng cung cấp S-400 cho Algeria đã được ký kết từ hơn một năm trước và những hệ thống đầu tiên đã được giao vào đầu năm nay. Trong trường hợp việc bàn giao được xác nhận thì Algeria sẽ là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua S-400 của Nga.
Điều này chứng tỏ Algeria là đối tác rất quan trọng nên Nga đã ưu tiên cho hợp đồng này. Bởi ngay cả những đơn vị phòng không của quân đội Nga cũng chưa được trang bị đại trà hệ thống phòng không tiên tiến S-400.
Từ trước đến nay, Trung Quốc và Ấn Độ luôn được xếp vào hàng những đối tác mua sắm quốc phòng lớn nhất của Nga. Tuy nhiên trên thực tế, khối lượng xuất khẩu vũ khí Nga sang Algeria cũng chiếm tỷ trọng cực lớn.
Vũ khí do Nga sản xuất là xương sống của Quân đội Algeria
Điều này không có gì lạ khi Algeria luôn là nước được Nga ưu tiên bán cho những trang bị thế hệ mới nhất, hiện đại nhất, thậm chí là cả những loại mà Nga không bán cho nước khác.
Ví dụ, Algeria là quốc gia đầu tiên được Nga bán cho tàu ngầm Kilo, trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất Club-S 3M-14E. Trong khi đó Ấn Độ và Việt Nam sau này mới có, còn Trung Quốc thì không được bán.
Algeria cũng được Nga bán các chiến đấu cơ Su-30MKA, MiG-29S từ rất sớm. Trong thời gian tới, nước này dự định sẽ trang bị thêm 2 - 4 phi đội máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 và có thể là cả máy bay huấn luyện chiến đấu cao cấp Yak-130.
Đồng thời Algeria cũng là khách hàng mua sắm rất nhiều trang bị lục quân tiên tiến của Nga, ví dụ như họ đã đặt mua khoảng gần 200 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90SM và đang xem xét mua xe chiến đấu yểm trợ xe tăng BMPT.
Algeria cũng là nước đầu tiên sở hữu trực thăng vận tải lớn nhất thế giới Mi-26T2
Algeria cũng chính là khách hàng đầu tiên trên thế giới được Nga bán cho siêu máy bay trực thăng vận tải thế hệ mới nhất là Mi-26T2 (Ấn Độ và Trung Quốc vẫn phải xếp sau Algeria, mặc dù đã đàm phán trước với Nga).
Trước đó, nước này cũng đã sở hữu phiên bản cơ sở của nó là Mi-26 Halo và nhiều loại trực thăng khác như Mi-17, Mi-171, Ka-32. Đồng thời họ còn đang nhăm nhe mua trực thăng tấn công được mệnh danh là “Thợ săn đêm” Mi-28N Night Hunter…
Algeria cũng đang cân nhắc mua tàu hộ vệ tàu tên lửa Dự án 20380 lớp Steregushchy và các tổ hợp phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P sử dụng đạn tên lửa P-800 Yakhont để bảo vệ dải bờ biển của nước mình.
Việt Nam nên theo xu hướng của Algeria hay Ấn Độ?
Algeria là quốc gia sở hữu kho vũ khí Nga đồ sộ, có thể còn lớn và đa dạng hơn cả Ấn Độ và Trung Quốc. Các trang bị họ mua của Nga đều thuộc loại tốt nhất và tiên tiến nhất thế giới.
Trung Quốc do có nền khoa học kỹ thuật quân sự khá mạnh nên họ mua vũ khí Nga kiểu thực dụng (chỉ mua những loại không thể chế tạo được với số lượng vừa phải, sử dụng cũng chỉ trong một giai đoạn hoặc mua để học hỏi công nghệ chứ không mua ồ ạt).
Điều này có thể thấy rõ qua việc Trung Quốc mua sắm khu trục hạm Sovremenny, tên lửa phòng không S-300, tàu ngầm Kilo, máy bay chiến đấu Su-27/30MKK và một số loại tên lửa chiến thuật phóng từ máy bay như như Kh-31, Kh-58, Kh-59…
Hiện Trung Quốc đang dự định mua thêm hệ thống phòng không S-400, máy bay chiến đấu Su-35, tàu ngầm Lada…
Tất cả những loại vũ khí mà nước này đã và sắp mua đều nhắm vào chỗ yếu, chỗ thiếu và có giá trị sử dụng mang tính giai đoạn, sau khi đã chế tạo được những vũ khí đồng hạng.
Trung Quốc mua sắm vũ khí Nga để bù đắp chỗ yếu và thiếu (Ảnh: Chiến đấu cơ Su-35)
Ấn Độ là nước đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, nhưng trong đó vẫn chú trọng vũ khí Nga như tiêm kích Su-30MKI, MiG-29K, xe tăng T-90S, tàu ngầm Kilo, tàu hộ vệ Talwar, tàu sân bay… hợp tác phát triển tên lửa hành trình chống hạm BrahMos, chiến đấu cơ thế hệ 5 FGFA…
Tuy nhiên, họ vẫn mua sắm một số trang bị bảo đảm của Mỹ như máy bay vận tải C-17 GlobeMaster, C-130 Hercules, máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8I Neptune và một số tiêm kích châu Âu như Mirage-2000 (Pháp), Jaguar (liên doanh Anh-Pháp)…
Hiện nay, Ấn Độ bắt đầu đàm phán mua thêm các tiêm kích Rafale của Pháp nhằm bổ sung sức mạnh cho Su-30MKI, đồng thời thay thế những máy bay đã cũ gồm Jaguar, MiG-21, Mirage-2000…
Tuy sở hữu phi đội máy bay chiến đấu đa dạng nhưng đó cũng là điểm yếu của Ấn Độ khi nước này đứng số 1 thế giới về tai nạn máy bay quân sự, do những khó khăn trong xây dựng hệ thống bảo đảm kỹ thuật và huấn luyện chiến đấu
Ấn Độ tuy sở hữu nhiều vũ khí Nga nhưng cũng có không ít vũ khí phương Tây (Ảnh: máy bay tuần tiễu hàng hải P-8I Neptune - phiên bản xuất khẩu của P-8A Poseidon)
Hướng đi của Algeria phần nào giống Ấn Độ nhưng rõ ràng và triệt để hơn. Họ không đi theo hướng đa dạng hóa quy mô lớn mà trung thành với đường lối lấy vũ khí Nga làm xương sống tác chiến của quân đội.
Mặc dù Algeria có liên quan chặt chẽ về lịch sử, hiện là đồng minh kinh tế và chính trị của Pháp. Tuy nhiên, nước này vẫn ưu tiên mua phần lớn vũ khí tác chiến của Nga, bởi chất lượng không kém của Pháp nhưng lại rẻ hơn và không kèm theo điều kiện chính trị.
Hiện nay Việt Nam đang nỗ lực xây dựng “quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, hiện đại hóa vũ khí trang bị từ các nguồn cung của nước ngoài.
Chắc chắn chúng ta sẽ không mua sắm vũ khí kiểu Trung Quốc, vậy Việt Nam nên đi theo hướng của Algeria hay Ấn Độ khi gần đây có thông tin cho biết Việt Nam bắt đầu tỏ ý quan tâm đến vũ khí, khí tài do châu Âu và Mỹ sản xuất.
Đây là một bài toán cần cân nhắc kỹ lưỡng và Việt Nam nên tích cực rút kinh nghiệm từ việc nghiên cứu, tìm hiểu hai quốc gia trên để xác định hướng đi phù hợp nhất với mình.