Việt Nam 'hóa phép' vũ khí chiến lợi phẩm như thế nào?

“Lấy vũ khí đối phương đánh đối phương” là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong nghệ thuật quân sự Việt Nam, được phát huy trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975.

Tuy nhiên, khác với thời đại trước, để chiếm giữ vũ khí địch tăng cường sức mạnh quân đội, làm rối loạn hàng ngũ đối phương, các cán bộ, chiến sĩ của ta phải vận dụng trí tuệ, khắc phục sự khác biệt về hệ vũ khí. Thậm chí có trường hợp phải đổ máu để giành mẫu nguyên bản, phục vụ cho công tác nghiên cứu.

“Chuyển loại” kỷ lục trong 5 ngày

Một trong những thành tích “lấy vũ khí địch đánh địch” đáng nhớ nhất trong lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam là chiến công của phi đội Quyết thắng, sử dụng máy bay A-37 ném bom sân bay Tân Sân Nhất, ngày 28/4/1975.

Việt Nam 'hóa phép' vũ khí chiến lợi phẩm như thế nào?
A-37 của Mỹ là một trong những máy bay cường kích hiểu quả, kích thước nhỏ gọn nhưng mang được nhiều vũ khí.

Theo Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, người từng tham mưu trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi tiếp quản máy bay A-37, ngay lập tức, phi công của ta tập trung “chuyển loại” (học lái loại máy bay mới) trong vỏn vẹn 5 ngày. Đây là quãng thời gian có thể được xếp vào hàng kỷ lục. Vì quá trình “chuyển loại” thông thường đã kéo dài hàng tháng, thế nhưng, đây lại là “chuyển loại” giữa hai hệ máy bay TBCN và XHCN, có nhiều sự khác biệt.

Trong thời gian này, các phi công của phi đội Quyết thắng đã chạy đua với thời gian để làm quen với ở hệ thống phanh, hệ đo lường, cách sắp xếp đồng hồ ở buồng lái. Thậm chí, giữa cái nóng hầm hập ở sân bay Đà Nẵng giữa những ngày tháng 4, phi công Hán Văn Quảng và Nguyễn Văn Lục còn chui vào buồng lái để thao tác nút bấm, đồng hồ đến khi thành thạo mới thôi.

Việt Nam 'hóa phép' vũ khí chiến lợi phẩm như thế nào?
Sau kháng chiến chống Mỹ, ta đã thu được nhiều chiếc A-37 và biên chế trong Không quân Nhân dân Việt Nam. Những chiếc máy bay này đã tham gia hiệu quả trong công cuộc bảo vệ biên giới.

Ngoài phi công, các thợ máy của không quân ta cũng phải nhanh chóng nắm bắt cấu tạo máy bay mới thu hồi của địch để sửa chữa, đảm bảo số lượng, khả năng tác chiến của máy bay tham gia phi đội chiến đấu.

Nhờ vậy, ngày 28/4/1975, cuộc tập kích của phi đội Quyết thắng đã phá hủy 24 máy bay địch ở Tân Sơn Nhất, reo rắc sự hoang mang tột độ trong lòng địch. Trong cuộc tấn công, đài đối không của hốt hoảng la hét: “A-37 của không đoàn nào? A-37 của không đoàn nào?”, phi công Từ Đễ đã bình tĩnh đáp trả “A-37 do Mỹ chế tạo đó”, trước khi cắt bom.

Nhớ về trận đánh lịch sử, thiếu tướng Phạm Ngọc Lan tâm sự: “Phi công của ta ngày ấy quả là những con người thông minh, dũng cảm tuyệt vời. Chỉ có ít ngày huấn luyện mà đã xuất trận với hiệu suất chiến đấu rất cao”.

Đổ máu bảo vệ xe tăng chiến lợi phẩm

Từ năm 1966, thực hiện chủ trương “lấy xe địch đánh địch”, Bộ chỉ huy giao cho Đoàn cơ giới Miền tổ chức một số trận đánh chiếm xe địch làm phương tiện huấn luyện bộ đội, xây dựng đơn vị thiết giáp ở B2.

Ngày 23/3/1966, đại đội C40, gồm 38 đồng chí bất ngờ tấn công vào căn cứ của Trung đoàn Thiết giáp số 1 VNCH ở Gò Đậu, đoạt được 4 xe tăng M41 và 6 xe thiết giáp M113. Thế nhưng, khi đưa xe ra khỏi căn cứ, địch cho gọi máy bay đánh chặn, bắn cháy gần hết số xe ta thu được. Trong đó, chỉ duy nhất chiếc M41. A1 (số 247) thoát được.

Việt Nam 'hóa phép' vũ khí chiến lợi phẩm như thế nào?
M-113 là một trong những xe thiết giáp chở quân tiêu biểu của Mỹ trong những năm 1960-1970.

Thế nhưng, suốt giai đoạn 1966-1969, địch nhiều lần đổ quân phá căn cứ của ta và truy tìm xe. Nhờ sự chiến đấu và hy sinh của các chiến sĩ của ta cùng với phương pháp ngụy trang và đảm bảo bí mất tốt, chiếc xe đã an toàn, ngay cả trong trường hợp nơi chôn dấu cách địa điểm đổ quân vài trăm mét.

Chiếc xe chiến lợi phẩm được sử dụng để huấn luyện cho bộ đội B2. Nhiều cán bộ, chiến sĩ trưởng thành từ đây đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong huấn luyện, chiến đấu.

Việt Nam 'hóa phép' vũ khí chiến lợi phẩm như thế nào?
Xe thiết giáp M-113 của Mỹ, VNCH được ta thu hồi, biên chế trong lực lượng tăng - thiết giáp đã tham gia tích cực trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía tây nam.

Tiếp nối chiến công đầu tiên của bộ đội tăng thiết giáp miền Đông Nam Bộ, trong những chiến dịch sau này, khi đã thu hồi được tăng, thiết giáp của Mỹ, ngụy để lại, bộ đội ta đã nhanh chóng làm chủ và khai thác để tấn công địch. Đặc biệt, Đội 33 (một đơn vị chuyên thu gom tăng, thiết giáp khí tài của địch, thành lập dưới quyền Chỉ huy sở Tiền phương cơ giới miền) còn có cả một "bộ sưu tập" nhiều chủng loại xe: M24; M41; M48; M113; M113 phun lửa; xe cẩu... Những chiến xa này đã tham gia nhiều trận đánh lớn, trong đó, có trận đánh tiến về giải phóng Sài Gòn từ hướng Tây Nam.

Tìm kính ngắm dưới mưa đạn

Không được cơ động như các khí tài cơ giới, việc “lấy vũ khí địch đánh địch” của các đơn vị pháo binh hết sức có ý nghĩa. Vì, khai thác được khí tài của địch sẽ giảm bớt gánh nặng cho các đơn vị hậu cần, nhiều khi phải sử dụng sức người để kéo, gùi pháo.

Do đó, tinh thần “lấy vũ khí địch đánh địch” luôn được các chiến sĩ của binh chủng “chân đồng, da sắt” quán triệt. Trong đó, có câu chuyện lần lấy pháo, đạn của địch đánh địch của sư đoàn Sao Vàng, mà mở màn là chiến dịch giải phóng Hoài Ân.

Ngày 18/4/1972, sau khi chiếm được trận địa pháo của địch, một phân đội của tiểu đoàn 17 nhanh chóng tiến hành thu hồi pháo. Thế nhưng, trước khi rút chạy, địch đã đập phá, tháo gỡ các kính ngắm. Không có kính ngắm, người điều khiển pháo như không có mắt. Đồng thời, giặc không để yên cho ta chiếm giữ trận địa. Nhằm vị trí ta vừa chiếm giữ, pháo địch dồn dập trút đạn xuống.

Thế là, vật lộn giữa cơn mưa đạn, chờ những lúc pháo ngớt nổ, phân đội của tiểu đoàn 17 vẫn kiên trì lần mò trong bóng tối tìm kính ngắm, xung quanh trận địa, từ gần ra xa, xuống cả ruộng ngô. May mắn, cuối cùng cũng thu được kính ngắm và một số phụ tùng, đủ ráp đồng bộ một khẩu pháo 105 ly và kéo về căn cứ an toàn. Toàn phân đội, ai cũng mừng rỡ vì từ nay có pháo lớn.

Từ chiến công đầu, chỉ thu được khẩu pháo duy nhất, những chiến dịch sau, phân đội của tiểu đoàn 17, sư đoàn Sao Vàng đã 7 lần thu được của địch gồm nhiều loại, thậm chí cả “cẩm nang các bài bắn pháo” do địch để lại. Đến kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, lượng khí tài thu được đủ để đơn vị trang bị và phát triển thành trung đoàn, với 24 khẩu pháo mặt đất (chiếm 80% số pháo của đơn vị).

Xem thêm:

Việt Nam 'hóa phép' vũ khí chiến lợi phẩm như thế nào? (II)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại