Bởi việc này sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu chỉ huy tác chiến tập trung, hiệu quả; nâng cao khả năng cơ động; đảm bảo được độ chính xác; tiết kiệm thời gian, nhiên liệu; giúp cho các cán bộ, hoa tiêu, thuyền trưởng điểu khiển tàu hành trình trên sông, trên biển, cập bến, neo đậu… dễ dàng, an toàn; nâng cao trình độ tác nghiệp và khả năng SSCĐ, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Cán bộ Phòng Trắc địa-Địa hình (Cục Bản đồ - Bộ Tổng tham mưu) giới thiệu các thiết bị trong đề tài Tích hợp GPS/DGPS và phần mềm dẫn đường NAVI SAILOR 4000/4100 dẫn đường cho tàu quân sự.
Hiện nay, các tàu mặt nước phục vụ hoạt động quân sự do Việt Nam sản xuất đã được tích hợp công nghệ này, nhưng còn một lượng lớn các phương tiện cũ chưa được tích hợp, hoặc mới chỉ trang bị hệ thống định vị vệ tinh mà chưa có hải đồ điện tử. Cho nên, việc ứng dụng và tích hợp công nghệ Định vị vệ tinh dẫn đường kết hợp với sử dụng ENC đối với các tàu quân sự là hết sức cần thiết, là cơ sở để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa trong quân đội.
Trên cơ sở ấy, từ năm 2007, các nhà khoa học quân sự thuộc Phòng Trắc địa-Địa hình (Cục Bản đồ - Bộ Tổng tham mưu) đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công đề tài: Tích hợp GPS/DGPS và phần mềm dẫn đường NAVI SAILOR 4000/4100 dẫn đường cho tàu quân sự của Quân chủng Hải quân và Bộ tư lệnh Cảnh Sát biển. Theo Trung tá Trần Quốc Vinh (Cục Bản đồ), là chủ nhiệm đề tài, qua nghiên cứu đã lựa chọn hệ thống trang thiết bị phần cứng gồm: Máy tính của TranSas, máy GPS của Simrad và phần mềm dẫn đường NAVI SAILOR 4000/4100 để lắp đặt cho hơn 30 tàu quân sự của Hải quân và Cảnh Sát biển. Qua theo dõi, đánh giá từ khi lắp đặt đến hết ngày 20/9/2014 cho thấy, các trang thiết bị hoạt động rất tốt.
Màn hình máy tính thể hiện hải đồ điện tử.
Máy GPS của Simrad.
Trung tá Trần Quốc Vinh cho biết thêm, giải pháp này tiết kiệm chi phí hơn so với mua sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới. Hệ thống thiết bị lắp đặt cơ bản đáp ứng đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật của ngành hàng hải nói chung và của lực lượng quân sự hoạt động trên biển nói riêng. Các trang thiết bị mới lắp đặt trên các tàu được tích hợp trong một hệ thống (máy tính, máy GPS/DGPS… ), hạn chế được sự tác động của môi trường khi hoạt động trên biển.
Một hệ thống dẫn đường hiện đại hoạt động trên biển bao gồm: Hệ thống định vị (GPS), radar (ARPA), la bàn (điện, con quay, hoặc từ), thiết bị đo lưu tốc (log), máy đo sâu (Enchosounder), hệ thống nhận dạng tự động (AIS), máy tính cài đặt phầm mềm dẫn đường và hải đồ điện tử, máy lái tự động (Autopilot), thiết bị đo gió. Các thiết bị này được kết nối với nhau và được điều khiển bằng phần mềm thông qua một hệ thống máy tính đến máy lái tự động.
Ở đây, các nhà khoa học đã chọn hệ thống máy tính có cấu hình cao, tốc độ xử lý nhanh, có thể cài đặt với nhiều hệ thống phần mềm dẫn đường, hệ thống hiển thị hải đồ điện tử ECDITS, cổng kết nối vào (ra) hợp lý theo tiêu chuẩn quốc tế và kết nối được các thiết bị (radar, la bàn điện tử, máy đo sâu, máy đo lưu tốc, thiết bị nhận dạng điện tử, máy in, máy fax, thiết bị lái tàu tự động…).
Phần mềm NAVI SAILOR 4000/4100 và hệ thống phần mềm điều khiển dẫn đường có tính năng tích hợp tín hiệu thu GPS/DGPS để hiểm thị trên nền hải đồ điện tử, phục vụ tốt cho định vị, dẫn đường hàng hải, đồng thời có khả năng: Cảnh báo, giám sát, phát hiện những mối nguy hiểm trong quá trình đi biển (dạng hộp đen), lưu lại những thay đổi để cập nhật thêm dữ liệu mới, lập kế hoạch chạy tàu, điều khiển tàu tự động… Máy thu GPS/DGPS của hệ thống có ưu điểm vừa thu tín hiệu GPS từ Hệ thống vệ tinh GPS Navsta, vừa thu được tín hiệu cải chính DGPS phát đi từ các trạm cơ sở thường trực của Cục Bản đồ và tín hiệu cải chính từ vệ tinh, từ các hệ thống cung cấp dữ liệu ở nhiều vị trí, khu vực khác nhau trên thế giới…với độ chính xác cao, cho phép xác định vị trí của các tàu trên biển ở khoảng cách dưới 3m. Đặc biệt, khi tàu đi trong luồng lạch và di chuyển trong điều kiện sóng to, gió lớn, yêu cầu độ chính xác cao về vị trí để tránh va chạm thì phần mềm này phát huy hiệu quả rất tốt.
Hải đồ dùng cho Hệ thống chủ yếu là hải đồ điện tử, thông tin của các đối tượng trên biển được mã hóa và hiển thị một cách trực quan trên màn hình, thân thiện với người sử dụng. Hơn nữa, các dữ liệu hải đồ điện tử được xây dựng theo chuẩn quốc tế (S-54, S-57, S-63, TX-79…), hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về sử dụng và hợp tác quốc tế.
Như vậy, đề tài nghiên cứu Tích hợp GPS/DGPS và phần mềm dẫn đường NAVI SAILOR 4000/4100 cho tàu quân sự mở ra một hướng mới, giúp cho việc bổ sung trang bị được kịp thời, góp phần nâng cao sức cơ động, khả năng hoạt động của phương tiện; tiến tới hiện đại các tàu quân sự của Hải quân và Cảnh Sát biển làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, tuần tra, kiểm soát và trực dài ngày trên biển.