Theo thông tin được giới thiệu trên trang mạng của công ty này, tàu ngầm mini do họ tự chế tạo có lượng giãn nước khi lặn 12 tấn, lượng giãn nước khi nổi 9,2 tấn. Tàu ngầm này có thể lặn sâu tối đa 50m, có thể di chuyển hay nằm im sát dưới đáy biển, bán kính hoạt động của tàu lên đến 800km.
Cũng theo giới thiệu trên trang web này, tàu ngầm Trường Sa 1 được trang bị 2 động cơ công suất 90 mã lực, thời gian lặn liên tục khoảng 15 giờ đồng hồ nhờ được trang bị động cơ AIP Việt Nam sản xuất. Tốc độ di chuyển tối đa của tàu khi lặn lên đến 40 hải lý/giờ (khoảng 73km/h).
Đọc qua thông số kỹ thuật của tàu quả thật rất ấn tượng, tuy nhiên, ít nhất có 2 thông tin liên quan đến thông số kỹ thuật của tàu khiến nhiều người đặt câu hỏi. Đầu tiên, điều được cư dân mạng chú ý hơn cả là thông tin tàu ngầm mini Trường Sa 1 được trang bị hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập AIP (Air Independent Propulsion).
Động cơ AIP là loại động cơ có thể hoạt động mà không phụ thuộc vào không khí ở bên ngoài môi trường. Động cơ AIP được cung cấp không khí bằng một nguồn khép kín. AIP thuộc loại động cơ giấu nhiệt, lại rất ít tiếng ồn khi hoạt động nên nó có thể giúp tàu ngầm hoạt động lâu hơn dưới nước, đảm bảo được tính bí mật trong các nhiệm vụ.
Tuy nhiên, để sản xuất động cơ AIP cần những công nghệ thuộc hàng tối tân bậc nhất thế giới mà chỉ có một số quốc gia làm chủ được. Hiện nay trên thế giới chỉ có Đức, Pháp, Thụy Điển là đã chế tạo thành công động cơ AIP để trang bị cho tàu ngầm. Ngay cả với Nga, quốc gia có công nghệ chế tạo tàu ngầm hàng đầu thế giới, vẫn đang trong quá trình phát triển loại động cơ siêu hạng này.
Dựa vào tính chất phức tạp của công nghệ động cơ AIP so với nền tảng công nghệ khoa học kỹ thuật trong nước thì thông tin tàu ngầm do Việt Nam tự chế được trang bị động cơ AIP khiến nhiều người hoài nghi về tính chân thật của nó.
Phần thân trên của tàu ngầm Trường Sa 1 khi đang được hoàn thiện
Điều thứ 2 khiến nhiều người hoài nghi là tốc độ của tàu, theo giới thiệu tốc độ di chuyển tối đa của tàu ngầm Trường Sa 1 tới 40 hải lý/giờ (khoảng 73km/h). Đây có thể coi là tốc độ kinh hoàng mà chưa một loại tàu ngầm nào trên thế giới đạt được.
Tốc độ di chuyển trung bình của các tàu ngầm trên thế giới chỉ khoảng trên 10 hải lý/giờ (khoảng 20km/h). Với tốc độ tới 40 hải lý/giờ thì tàu ngầm này đã chạm đến tốc độ của một quả ngư lôi. Một số cư dân mạng đã cho rằng, công ty này hơi “nổ” khi giới thiệu tàu ngầm do mình tự chế.
Mặt khác, theo quan sát các bức ảnh được đăng tải, thiết kế thủy động lực học của tàu ngầm Trường Sa 1 không có gì đặc biệt, hệ thống ổn định và bánh lái của tàu còn khá thô sơ. Một vấn đề nữa trong thiết kế thủy động lực học của tàu ngầm này là hệ thống chân vịt.
Các tàu ngầm trên thế giới đều có chân vịt nằm ở phần nhỏ nhất cuối đuôi tàu nhưng tàu ngầm Trường Sa lại có phần đuôi khá tù, phía đuôi có 3 ống thừa ra với 2 ở phía dưới và 1 ở phía trên. 2 ống phía dưới có thể là vị trí lắp chân vịt, còn ống phía trên không rõ để làm gì?
Thiết kế thủy động lực học của các tàu ngầm trên thế giới phần lớn theo kiểu hình giọt nước để giảm lực cản của nước khi lặn nhưng tàu ngầm Trường Sa lại có thiết kế hình trụ, phần cánh ổn định và bánh lái ở gần đuôi tạo ra lực cản nước tương đối lớn, điều này có thể ảnh hưởng lớn đến tốc độ di chuyển của tàu. Do đó, tốc độ di chuyển của tàu khó lòng đạt được con số 40 hải lý/ giờ như công ty này giới thiệu.
Tuy vậy, đây cũng là một tín hiệu đáng mừng bởi ngày càng có nhiều cá nhân và đơn vị quan tâm đến việc chế tạo tàu ngầm phục vụ cho các mục đích nghiên cứu khoa học, thử nghiệm công nghệ, tiến đến việc chế tạo các tàu ngầm hoàn chỉnh phục vụ cho mục đích quốc phòng.
Trước đó, truyền thông trong nước đã giới thiệu các tàu ngầm "made in Vietnam" do ĐH Nha Trang, ĐH Bách Khoa HN, và Việt kiều Phan Bộ An nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một đơn vị cơ khí chế tạo máy chuyên nghiệp tham gia chế tạo tàu ngầm, điều đó góp phần làm tăng tính khả thi của các dự án chế tạo tàu ngầm.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!