Việt Nam chọn mua thiết giáp bánh hơi "siêu khủng" Piranha-3C?

Bình Nguyên |

Bên cạnh BMP-3F đã giới thiệu ở bài trước, trong đánh giá của Tổng cục Kỹ thuật, Piranha-3C là một ứng viên sáng giá để thay thế các dòng thiết giáp bánh hơi đã cũ của Việt Nam.

Những điểm yếu chí tử của BTR-60 Việt Nam

BTR-60PB - loại xe thiết giáp bánh hơi chủ yếu của bộ binh cơ giới Việt Nam, được đưa vào biên chế từ khá lâu, đến nay đã tỏ ra lạc hậu và bộc lộ nhiều điểm yếu chí tử.

Thứ nhất, khả năng tự bảo vệ kém. Do giáp sử dụng thép thường, khá mỏng, dễ tổn thương bởi các loại vũ khí chống tăng hạng nhẹ, khả năng kháng mìn, lựu đạn và các vật liệu nổ tự tạo rất kém. Thậm chí, đạn xuyên giáp cỡ 14,5 mm cũng có thể gây thiệt hại lớn cho xe.

Thực tế sử dụng trên chiến trường Afghanistan đã chứng minh, BTR-60PB của Liên Xô phải hứng chịu thiệt hại rất nặng nề bởi các vũ khí chống tăng vác vai như RPG hoặc tương đương. Thông thường, khi xe trúng đạn, thiệt hại về sinh mạng chiến sĩ là cực kỳ nghiêm trọng.

Thứ hai, thiết kế cửa ra vào lạc hậu. BTR-60PB không có cửa chính, thay vào đó là 4 cửa nóc, buộc người lính phải leo vào, leo ra rất vất vả, dễ làm mồi ngon cho hỏa lực pháo, cối với đạn văng mảnh hoặc bắn tỉa của đối phương.

Bên cạnh đó, không gian hoạt động của kíp xe khá chật hẹp, gây bất lợi cho những chiến sĩ có thể hình cao to, nhất là xạ thủ đại liên 14,5 mm. Chưa kể, cách bố trí này còn khiến cho việc đưa thương binh lên xe gặp nhiều khó khăn.

Thứ ba, hỏa lực kém. BTR-60PB chỉ có tháp súng cố định, độ linh hoạt kém, khả năng tác xạ vào mục tiêu trên cao rất hạn chế. Hơn nữa, hỏa lực chính là súng máy KPVT không đủ uy lực sát thương, chế áp các phương tiện bọc thép hay lô cốt kiên cố của địch.

Xe thiết giáp bánh hơi BTR-60PB của Việt Nam

Xe thiết giáp bánh hơi BTR-60PB của Việt Nam

Những điểm yếu này dễ khiến tâm lý binh lính bất an, luôn có cảm giác không an toàn khi ngồi trong xe.

Trong chiến tranh Afghanistan, lính bộ binh Liên Xô thường chọn giải pháp ngồi trên nóc xe để thoát ly ngay lập tức, bất chấp dễ bị sát thương bởi hỏa lực của đối phương, còn hơn là hầu như không có cơ hội sống sót nếu xe bị trúng mìn hoặc hỏa lực diệt tăng.

Do vậy, có thể thấy BTR-60PB của Việt Nam đã lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu chiến tranh hiện đại, cần sớm được thay thế, và theo đánh giá của Tổng cục Kỹ thuật, Piranha-3C và các biến thể của nó là ứng viên sáng giá.

Piranha-3C và Piranha-V có cơ hội lớn

Theo phân tích, Piranha do hãng MOWAG GmbH (Thụy Sĩ) chế tạo là một trong những dòng xe thiết giáp bánh hơi có nhiều đặc tính vượt trội.

Trong đó, nổi bật nhất là thiết kế module, khối động lực nằm phía trước, thể tích có thể sử dụng lớn ở phía sau để bố trí các ụ súng, chở quân và hàng hóa; hệ thống lái đặt ở giữa.

Các biến thể mới nhất của dòng xe này đều đáp ứng hoàn hảo những điều kiện tác chiến khắc nghiệt của Việt Nam như:

Việt Nam có kiểu địa hình đặc trưng với rừng, núi, chiếm tới 3/4 diện tích, lại bị sông ngòi chằng chịt chia cắt, gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của lực lượng tăng, thiết giáp. Do vậy, việc chọn mua các loại xe thế hệ mới bị chi phối khá nhiều bởi yếu tố này.

Xe bọc thép bánh hơi hiện đại có khả năng vượt chướng ngại nước luôn được ưu tiên và một trong những yêu cầu bắt buộc, xe phải có khả năng kháng mìn và các thiết bị nổ tự tạo, cũng như lựu đạn hay mảnh pháo để bảo vệ sinh lực của kíp xe.

Bên cạnh đó, xe phải có hệ thống treo cải tiến, động cơ mạnh mẽ, đủ sức vận hành bền bỉ trong điều kiện địa hình và yêu cầu tác chiến hết sức khắc nghiệt, kể cả khi bị tấn công bởi vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học (NBC).

Thiết kế module giúp dễ dàng thay thế, sửa chữa hoặc nâng cấp kể cả trong điều kiện dã chiến. Khung gầm đa năng cho phép tùy chọn cấu hình vũ khí dễ dàng như pháo - cối tự hành, trinh sát chiến trường hoặc trinh sát tác nhân NBC, cứu thương, vận tải...

Xe thiết giáp Piranha-3C của Bỉ

Xe thiết giáp Piranha-3C của Bỉ

Piranha-3C

Với thiết kế module, đây là phiên bản có khả năng lội nước đầy đủ nhất trong họ xe Piranha.

Nó có tính năng việt dã tốt trên mọi loại địa hình nhờ hệ treo độc lập, 2 trục chân vịt để đẩy dưới nước và có thể chạy với vận tốc tới 100 km/h trên đường nhựa hoặc 10 km/h ở dưới nước. Xe được trang bị hệ thống phòng hộ NBC và thiết bị dập lửa tự động.

Vũ khí chính của Piranha-3C là pháo 25 mm M242 với thiết bị ngắm ảnh nhiệt, cơ số đạn 240 viên và 1 súng máy đồng trục 7,62 mm M240 cơ số đạn 400 viên cùng 8 ống phóng lựu khói. Xe có thể bắn khi đang chạy hoặc đang bơi, tiêu diệt các mục tiêu mềm hoặc bọc thép.

Hiện dòng xe được chế tạo tại Kreuzlingen (Thụy Sĩ) này đã được hải quân đánh bộ Tây Ban nha và Brazil đặt mua. Lục quân Thụy Sĩ cũng mua 12 xe trinh sát NBC trên khung gầm Piranha-3C để làm nhiệm vụ trinh sát tác nhân phóng xạ, sinh học và hóa học trong thời gian thực.

Phiên bản Piranha-V mới nhất do hãng MOWAG GmbH (Thụy Sĩ) chế tạo

Phiên bản Piranha-V mới nhất do hãng MOWAG GmbH (Thụy Sĩ) chế tạo

Piranha-V

Đây phiên bản mới, hiện đại nhất trong họ xe Piranha và được xếp trong Top 10 xe chiến đấu bộ binh tốt nhất thế giới nhờ khả năng việt dã, vượt chướng ngại nước cực tốt, hỏa lực mạnh và nhất là khả năng phòng hộ cao.

Xe có thiết kế module với giáp composite giúp chịu được mìn chống tăng tới 8 kg hoặc đạn xuyên giáp cỡ 25 mm. Vũ khí chính có nhiều lựa chọn từ đại liên 12,7 mm cho tới súng phóng lựu 40 mm có thể điều khiển từ xa.

Ngoài ra, dòng xe này có thể dễ dàng biến thành pháo - cối tự hành với cỡ nòng lên tới 120 mm.

Tóm lại, họ xe Piranha là lựa chọn tốt để thay thế cho các dòng xe bọc thép bánh hơi lạc hậu như BTR-152 và BTR-60PB. Tuy nhiên, mức độ khả thi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là khả năng tài chính của Việt Nam.

Bởi theo Báo cáo “Thị trường xe thiết giáp chở quân 2008 - 2015” của Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới (Nga), Thụy Sĩ xuất khẩu khoảng 350 xe Piranha-3C với tổng doanh thu 1,08 tỷ USD, tương đương với 3,0 triệu USD/xe, đắt gấp đôi so với dòng BTR-88 của Nga.

Mức giá này khá cao, tuy nhiên, nếu Việt Nam mua giấy phép sản xuất/chuyển giao công nghệ hoặc “mua chung” cùng một quốc gia nào đó thì có thể sẽ khiến tiết kiệm được một phần chi phí.

Chưa kể, mua công nghệ sẽ giúp đặt nền móng vững chắc cho lĩnh vực chế tạo xe quân sự của Việt Nam trong tương lai.

>>> Việt Nam chọn BMP-3F mới, bỏ qua xe thanh lý của Hàn Quốc?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại