Sáng 2/3/2015, đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh làm trưởng đoàn, hội đàm với đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Israel do ông Dan Harel, Tổng Vụ trưởng Quốc phòng nhân dịp đoàn sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Cả hai bên đều nhất trí quyết định tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.
Có lẽ đây cũng là một dịp để tìm hiểu thêm về công nghiệp quốc phòng và Quân đội Israel và người viết xin giới thiệu một số bài về chủ đề này. Trước hết, về vũ khí và phương tiện kỹ thuật quân sự của Israel (sau đây gọi tắt là vũ khí).
Máy bay không người lái Hermes 450. Ảnh: rpdefense.com
Phần một : Vũ khí Israel rất được ưa chuộng trên thị trường vũ khí thế giới vì một lý do rất quan trọng - đó là chúng đã được “thử thách” qua thực tiễn tác chiến
Đến Hàn Quốc (một nước xuất khẩu vũ khí) cũng chuộng vũ khí Israel
Ngày 22/11/2010, trên Bán đảo Triều Tiên đã xảy ra một vụ việc nghiêm trọng.
Gần 9 giờ sáng (giờ địa phương), pháo binh Triều Tiên đã nã pháo vào đảo Yeonpyeong: 200 quả đạn pháo đã phá hủy 70 công trình xây dựng, làm 5 người chết và rất nhiều người bị thương.
Vụ việc gây sốc này tuy sau đó đã được giải quyết, nhưng Seoul nhận thấy cần một loại vũ khí có thể làm “nguội” Bắc Triều Tiên.
Và nước này đã quyết định lựa chọn tổ hợp tên lửa cơ động Israel “Spike NLOS” lắp trên các phương tiện vận tải và máy bay lên thẳng do công ty “Rafael” của Israel chế tạo.
“Spike NLOS” có hệ thống dẫn bắn điện tử, có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly đến 25 km. Để “dằn mặt” Triều Tiên, Hàn quốc đã lập tức đàm phán mua của Israel 70 tên lửa loại này và bố trí ngay trên đảo Yeonpyeong tháng 12 năm đó.
Tại sao Hàn Quốc lại chọn “ Spike NLOS” ? - nó được lựa chọn vì đã qua“ thực tiễn” tác chiến - đây là ưu thế mà các loại vũ khí tương tự của Phương Tây không hoặc ít có.
Đây không phải là lần đầu tiên vũ khí Israel được khách hàng lựa chọn theo tiêu chí trên - vũ khí của nước này đã đưa thử lửa và chứng minh được hiệu quả.
Trong bối cảnh luôn tồn tại nguy cơ xung đột và thách thức tiềm tàng, không có một luận chứng nào thuyết phục hơn đối với khách hàng khi lựa chọn mua vũ khí bằng tính hiệu quả của nó trong các điều kiện tác chiến thực sự.
Trong lĩnh vực này, không có nhiều nước có thể so sánh với Israel - các phương tiện tiêu diệt và kiềm chế của nước này đã qua “thử thách” không phải trong các điều kiện “gần với điều kiện tác chiến”, mà là ngay trực tiếp trên chiến trường.
Máy bay không người lái (UAV) - thế mạnh của công nghệ cao Israel
Tháng 6/2013, Công ty phân tích Anh Jane’s cho công bố một bản báo cáo “về các dòng chảy vũ khí thế giới” và bảng xếp hạng các nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Các kết luận của Jane’s rất đáng quan tâm, xin dẫn ra sau đây:
Yeonpyeong sau vụ pháo kích của Triều Tiên. Ảnh : Ho New / Reuters
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng của thị trường buôn bán vũ khí trên thế giới nhanh và đột biến (tăng 30% trong các năm từ 2008 đến năm 2012).
Thứ hai, thị trường buôn bán vũ khí nhộn nhịp nhất tập trung ở Phương Đông, cụ thể - tại Đông Nam Á và Trung Cận Đông.
Thứ ba, sự gia tăng vị thế đáng nể của các quốc gia không phải là cường quốc nhưng tham gia xuất khẩu vũ khí - đó là Hàn Quốc và Israel (Israel được Jane’s xếp là quốc gia xuất khẩu UAV lớn nhất thế giới và đứng thứ 6 trên thế giới về xuất khẩu vũ khí nói chung).
Từ năm 2008 đến năm 2012, xuất khẩu vũ khí của Israel tăng 74% và đạt kim ngạch 2,4 tỷ đô la.
Cũng theo Jane’s thì : “Không còn nghi ngờ gì nữa, Israel là nhà xuất khẩu vũ khí hiệu quả nhất thế giới.
Mặc dù bị các nước thuộc thế giới Hồi giáo tẩy chay nhưng Israel không ngừng tăng thị phần của mình trên một thị trường rất khó tính như vậy” (thị trường buôn bán vũ khí).
Nếu tính tới việc Trung Quốc và Nga cũng đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí (Trung Quốc trong 5 năm trở lại đây đã tăng gấp đôi số lượng vũ khí bán ra), cuộc chiến giành thị trường ở Châu Á ngày càng khốc liệt thì mới thấy “thành tích ” trên của Israel là rất ấn tượng và đáng nể.
Còn về tương lai, theo khẳng định của Jane’s, đến năm 2020, chi phí quân sự của Trung Quốc, Ấn Độ, Indonexia và một số nước khác trong khu vực sẽ vượt ngân sách quân sự của Mỹ và Canada, và như vậy triển vọng xuất khẩu vũ khí Israel là rất sáng sủa.
Vẫn theo Jane’s thì ưu thế của (vũ khí) Israel - đó là các công nghệ quân sự có hàm lượng chất xám cao và kỹ thuật robot. Theo tính toán của Jane’s, trong năm 2014, Israel đã vượt Mỹ trong lĩnh vực xuất khẩu UAV.
Tháng 5/2013, Hãng tư vấn Frost & Sullivan cũng đã cho công bố một bản báo cáo - theo đó Israel giữ vị trí hàng đầu trong xuất khẩu UAV, chỉ trong 8 năm trở lại đây đã bán một số lượng UAV trị giá tới 4,6 tỷ đô la.
Còn theo số liệu của Viện nghiên cứu các vấn đề hòa bình Stockhom (SIPRI) thì Israel kiểm soát hơn 40% thị trường UAV, cung cấp mặt hàng này cho hơn 20 nước trên thế giới: từ Mỹ, Anh, Brazil, Azerbaizan, Gruzia, Singapore, Mexico...
Loại UAV có “cầu” cao nhất nhất là “Hermes 450” của công ty Elbit - đây là loại UAV có thể thực hiện cả các chức năng trinh sát lẫn chức năng tấn công. Như vậy, cùng với Mỹ và Ý, Israel nằm trong bộ ba xuất khẩu UAV lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, UAV không phải là thương hiệu có uy tín duy nhất của Công nghiệp quân sự Israel.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc tháng 6/2014 thì trong năm 2011, Israel đứng trong top 7 nước xuất khẩu vũ khí hạng nhẹ - sau Áo, Brazil và Thụy Sỹ , nhưng trước Nga.
Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Israel, trong năm 2012 các tổ hợp công nghiệp quốc phòng của nước này đã xuất khẩu lượng vũ khí, đạn dược, đồ quân dụng và công nghệ quân sự trị giá 7 tỷ USD - tăng 20% so với năm 2011, nhưng ít hơn so với năm 2010 (7,2 tỷ USD).
Các nước có có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong buôn bán vũ khí với Israel là Ba Lan, Azerbaizan, Việt Nam và Brazil.
Xét tổng thể, hướng xuất khẩu chủ yếu của vũ khí Israel - các nước Phương Tây, Viễn Đông và Nam Á, các nước Ngoại Kapkaz và Châu Mỹ Latinh.
Con số đáng tự hào: 30.000 đơn đặt hàng từ 190 nước
Một ưu thế rất quan trọng nữa của các sản phẩm quân sự Israel là chúng luôn được cải tiến và hiện đại hóa sau khi đã được sử dụng trong các chiến dịch quân sự.
Ngay cả các máy bay chiến đấu F-16 mà Israel mua của Mỹ cũng đã được công nghiệp quốc phòng Israel hiện đại hóa, trang bị thêm các trang thiết bị điện tử và chúng có tính năng vượt hẳn phiên bản gốc.
Một ví dụ: trong vòng 3 năm kể từ chiến dịch Libanon lần thứ hai, vào tháng 10/2009 Tập đoàn “Công nghiệp quốc phòng ” Israel đã nghiên cứu các tổ hợp tên lửa chống tăng của Hezbolla (gây nhiều thiệt hại cho quân đội Israel).
Họ đã thiết kế và cho ra mắt tổ hợp bảo vệ cơ động “Bolem Zaazim” ("Ressor" chống các tổ hợp tên lửa chống tăng). “Ressor” phát hiện các tên lửa chống tăng và lái chúng đi chệch mục tiêu.
Ngoài ra, công tác quảng bá sản phẩm quân sự cũng được Israel thực hiện rất bài bản.
Trong cuộc triển lãm hàng không Farnborough tại Anh tháng 7/2010, chỉ riêng Tập đoàn quốc phòng “Công nghiệp hàng không” (TAA) đã giới thiệu một loạt chủng loại vũ khí - khí tài có chức năng rất khác nhau:
UAV Heron, Skylark,1-LE, Hermes 900, Hermes 450LE, Hermes 90 và Skylark II; xe ô tô bộ binh đa năng không người lái Guardium; tổ hợp tên lửa Barark-8 và các radar công suất lớn EL/M-2084MMR, tên lửa phòng không “Piton” và “Derby”.
Ngoài ra là các thiết bị huấn luyện hàng không, các hệ thống quang điện tử, hệ thống dẫn đường, các sở chỉ huy. Tập đoàn quốc phòng “Elbit Systems” giới thiệu hệ thống viễn thông tích hợp Cocpit NG.
Và đến năm 2011, theo số liệu của Phòng kiểm soát xuất khẩu sản phẩm quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng Israel tháng 4/2012 thì trong năm 2011 nước này đã tiếp nhận 30.000 đơn đặt hàng quốc phòng từ 190 nước.
Trong đó đơn đặt hàng từ 130 quốc gia được chấp nhận - 60 nước bị từ chối, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ - vốn là một “cựu” đối tác chiến lược của Israel, còn bây giờ là kẻ thù.
Các tập đoàn công nghiệp quốc phòng xuất khẩu chủ chốt của Israel, lịch sử hình thành và phát triển
Phần lớn các sản phẩm quân sự xuất khẩu là của 4 tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn nhất của Israel: 1/ “Công nghiệp hàng không ”(TAA), 2/ “ Công nghiệp quốc phòng” (TAAC), 3/ Tập đoàn “ Rafael” và 4/ Tập đoàn “ Elbit Systems”.
Không nhiều người biết một chi tiết khá thú vị sau đây: công nghiệp quốc phòng Israel đã có từ trước khi nhà nước Do thái được thành lập.
“Công nghiệp quốc phòng” (TAAC) được thành lập từ năm 1933. Thời gian đầu xí nghiệp này nằm tại ngoại ô thành phố Givataim (nay là thành phố vệ tinh của Tel-Aviv).
Năm 1936, khi người A Rập liên tục nổi dậy chống lại người Do Thái và chính quyền Anh, xí nghiệp trên được chuyển đến nhà máy thuộc da cạnh Herzliya và bắt đầu cho xuất xưởng lựu đạn và súng cối.
Có thế coi đây là nhà máy quốc phòng đầu tiên sản xuất vũ khí và phương tiện kỹ thuật quân sự ở toàn bộ khu vực Trung Cận Đông - thời gian đầu chỉ có 7 xưởng và 50 công nhân.
Giám đốc nhà máy này là một trong số các tư lệnh của “Haganah” (“ Haganah ”- một trong những tổ chức quân sự hóa bí mật và là tiền thân của Quân đội Israel hiện nay) là Israel Amir.
Mặc dù chỉ sản xuất được được số lượng không nhiều các loại vũ khí và đạn dược nhưng công binh xưởng này đã đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của người Do Thái chống lại quân nổi dậy A rập và quân đội các nước A rập ngay sau khi Israel tuyên bố độc lập.
Trong thời gian nổ ra các cuộc khởi nghĩa của người A rập cuối những năm 30, khi người Do Thái luôn là mục tiêu tấn công của các tổ chức không chính quy A rập, công binh xưởng nói trên là nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu cho người Do Thái để tự vệ.
Chỉ trong vòng hai thập kỷ, “nhà máy thuộc da” nói trên đã trở thành một tập đoàn công nghiệp quốc phòng phát triển năng động và sản phẩm của nó được ưa chuộng trên toàn thế giới.
Súng tiểu liên “ Uzi” của TAAC cùng với “AK “ là loại súng bộ binh được sản xuất nhiều nhất.
“Uzi” rất giống “Sa-23” của Tiệp Khắc (tại sao lại là Tiệp Khắc, nói cho công bằng, Israel “nợ” Tiệp Khắc nhiều vì nước này đã cung cấp cho Israel nhiều loại vũ khí hiện đại trong cuộc chiến tranh giành độc lập, huấn luyện phi công cho Israel.
Cho đến nay, mối quan hệ vẫn tốt đẹp - Tiệp Khắc là đồng minh chủ chốt của Israel tại Châu Âu - (đây là một câu chuyện dài, xin trình này ở một dịp khác) nhưng đã được cải tiến và hoàn thiện để phù hợp với điều kiện tác chiến tại sa mạc.
Một sản phẩm khác cũng của TAAC - súng trường tự động “Galil” được xuất khẩu sang nhiều nước: Việt Nam, Cambodia, Brazil, Ấn Độ, Peru, Chi Lê, Estonia, Bồ Đào Nha và nhiều nước khác.
Còn một số loại vũ khí bộ binh nữa rất nổi tiếng của TAAC là súng máy “Negev”, súng ngắn Ierikhon-941, thiết kế dựa theo mẫu súng ngắn CZ-75 của Tiệp Khắc.
Có một chi tiết thú vị là ngay cả Mỹ cũng mua “Tavor” của TAAC để trang bị cho cảnh sát bảo vệ Quốc hội Mỹ.
Tháng 12/2013, Chính phủ Israel đã tuyên bố tư nhân hóa Tập đoàn này nhưng với điều kiện là chỉ cho phép các công ty Israel tham gia và phải được Bộ Quốc phòng (Israel) lựa chọn.
Còn về “Công nghiệp hàng không” (TAA): tập đoàn này được thành lập đúng 20 năm sau TAAC - vào năm 1953.
Người đưa ra sáng kiến thành lập TAA là chính khách Simon Peres, vào thời gian đó đang giữ vị trị Bộ trưởng Quốc phòng.
Cũng như TAAC, “Công nghiệp hàng không” bắt đầu từ một tập thể chỉ có vài chục công nhân với lực lượng nòng cốt là các chuyên gia Mỹ. Hiện nay, 80% sản phẩm của TAA được xuất khẩu.
Tổ hợp quân sự - nghiên cứu “Rafael” là một trong 100 hãng sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới.
Rafael chuyên nghiên cứu- thiết kế - thử nghiệm - sản xuất tên lửa lớp “không đối đất”, tổ hợp tên lửa chống tăng, UAV, các tàu tuần tiễu điều khiển từ xa, hệ thống bảo vệ các phương tiện tăng thiết giáp, hệ thống phòng không laser.
Hãng này cũng hiện đại hóa các loại vũ khí hiện có và thiết kế các loại vũ khí công nghệ cao hiện đại, bao gồm cả các hệ thống máy tính và tác chiến có điều khiển, hệ thống quang điện tử và hệ thống đo xa, trinh sát và điều khiển hỏa lực....
Và cuối cùng, “Elbit Systems”, đây là Tập đoàn quân sự tư nhân lớn nhất Israel với thu nhập hàng năm gần 3 tỷ USD, - chủ yếu nghiên cứu thiết kế UAV và trang thiết bị vô tuyến điện tử cho máy bay, radar, các vệ tinh trinh sát.
Năm 2011, “Elbit Systems” đã thắng thầu cung cấp các trang thiết bị điều khiển hệ thông hàng không của Hải quân Mỹ, các radar cho Không quân và Hải quân Pháp.
Khách hàng của các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Israel không chỉ là các quốc gia Phương Tây mà còn là các nước ở những khu vực thường xuyên xảy ra xung đột.
Chính các nước này quan tâm nhiều nhất đến các sản phẩm quân sự của Israel vì chúng có chất lượng cao và giúp cho các nước này có ưu thế trước các đối phương tiềm năng.