Vì sao Mỹ quyết nâng cấp tàu chiến ven biển LCS?

Đỗ Phong |

Dù đã có những nghi vấn về tính khả thi, và số lượng tàu chiến ven biển LCS đóng mới bị giảm, nhưng Lầu Năm Góc vẫn quyết nâng cấp.

Quyết tâm của Lầu Năm Góc

Ngày 11/12, Lầu Năm Góc cho biết sẽ nâng cấp chương trình tàu chiến ven biển (LCS) bất chấp những nghi ngại trước đó.

Theo cổng thông tin của Bộ Quốc phòng Mỹ, LCS sẽ được nâng cấp theo hướng có kích thước nhỏ hơn, nhưng khả năng sát thương cao hơn rất nhiều.

Ngoài ra, LCS được tập trung cải tiền vào các tính năng như radar phòng không, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống phát hiện ngầm, phòng thủ ngầm. Đồng thời lớp áo giáp của LCS cũng được tập trung gia tăng sự vững chắc.

Trước đó, nhiều ủy ban liên quan đến quốc phòng trong Quốc hội lưỡng viện Mỹ đã cho rằng chương trình này không có tính khả thi cao, đặc biệt về kinh phí, nó chiếm tới 34 tỉ USD trong bối cảnh ngân sách quốc phòng Mỹ đang eo hẹp.

Bản thân sự eo hẹp đó thể hiện ở chỗ theo kế hoạch, LCS sẽ được đóng mới 52 chiếc, tuy nhiên, ông Chuck Hagel đã buộc phải giảm xuống còn 32 chiếc.

Tàu USS Freedom cùng máy bay trực thăng săn ngầm

Tàu USS Freedom cùng máy bay trực thăng săn ngầm

Quay trở lại với chương trình nâng cấp, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm, Chuck Hagel tuyên bố Mỹ sẽ vẫn đóng 52 tàu LCS và phiên bản nâng cấp sẽ xuất xưởng muộn nhất vào năm 2019.

Tuyên bố này của ông Hagel cho thấy Mỹ đang thực sự quan tâm đến loại hình tàu chiến đa nhiệm tác chiến khu vực nước nông này.

Vì sao là LCS?

Tàu chiến đấu ven biển LCS (viết tắt của Littoral combat ship) là một loại tàu chiến nổi tương đối nhỏ đang được Hải quân Mỹ phát triển để thực hiện nhiệm vụ tại những vùng nước nông ven biển ngăn chặn địch tiếp cận bờ biển.

Chiếc tàu chiến đấu ven biển đầu tiên được đưa vào biên chế từ ngày 8/11/2008 là USS Freedom (LCS-1).

Tàu LCS được thiết kế với quan điểm là một tàu khu trục được tích hợp tất cả các đặc điểm như sau: nhỏ, nhanh, linh hoạt; dựa trên các module có thể thay thế, giá thành thấp, có khả năng tàng hình, và đa nhiệm (chống ngầm, quét mìn, trinh sát, giao chiến, hỗ trợ).

Trong phiên bản nâng cấp, việc gia tăng bền vững về tuyến thủ giáp, cùng với sức mạnh hỏa lực cũng như nâng cao tính đa nhiệm cho thấy Mỹ đang có nhiều toan tính với loại hình tàu chiến hiện đại này.

Nhưng vì sao là LCS chứ không phải một lớp tàu chiến khác? Phải chăng bờ biển Mỹ bị đe dọa? Thực chất vấn đề không phải vậy.

Còn nhớ chiếc LCS đầu tiên là USS Freedom đã có vài năm làm nhiệm vụ ở vùng biển của Đông Nam Á, trú tại căn cứ quân sự của Mỹ ở Singapore. Điều này cho thấy LCS đang được Mỹ nhắm tới những khu vực nhạy cảm ngoài nước Mỹ, nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Mỹ.

Hiện tại, Đông Nam Á đang có những vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, đặc biệt giữa Philippines - đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực này với Trung Quốc những căng thẳng đó ngày càng leo thang.

LCS là một tàu chiến ven biển hiện đại bậc nhất trong loại hình tàu chiến này của Mỹ.

Việc LCS xuất hiện ở Đông Nam Á đủ để chứng minh sự quan tâm và theo dõi các hành động của Trung Quốc trong khu vực này, trong bối cảnh kế hoạch chuyển trục của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc vẫn đang được thúc đẩy.

Tàu LCS (tàu nhỏ) hộ tống tàu vận tải đổ bộ trực thăng
Tàu LCS (tàu nhỏ) hộ tống tàu vận tải đổ bộ trực thăng

Ngoài ra, LCS hiện tại và các bản nâng cấp trong tương lai có khả năng săn ngầm rất mạnh, trong khi Lầu Năm Góc liên tiếp có những cảnh báo về việc gia tăng sức mạnh ngầm của Bắc Kinh.

LCS cũng có kế hoạch triển khai ở Nhật Bản. Một lần nữa Washington cho thấy quyết tâm sát cánh với Tokyo bảo vệ những hòn đảo mà quốc gia này đã tuyên bố chủ quyền.

Ngoài ra, vùng biển của Nhật Bản còn có những nhạy cảm với Nga. Và việc gia tăng sức mạnh hải quân của Nga trong thời gian gần đây, đặc biệt là năm 2015 với những kế hoạch nhằm tăng vượt trội sức mạnh lực lượng ngầm của quốc gia này.

Có thể thấy Mỹ đang gia tăng cảnh giác với cả Trung Quốc và Nga trong vùng biển cửa ngõ Thái Bình Dương là Biển Đông và Hoa Đông.

Ngoài ra, việc Mỹ vừa đóng phiên bản LCS cơ bản và phiên bản LCS nâng cấp cho thấy họ đang có những tính toán khác. Khi USS Freedom thể hiện các tính năng của mình ở vùng biển Singapore, rất nhiều quốc gia đã để mắt tới loại tàu chiến này, đặc biệt là Indonesia, Singapore.

Mỹ hoàn toàn có thể bán những LCS thành phẩm cho một quốc gia khác và thu về những khoản lời, bù lại cho chi phí sản xuất cũng như ngân sách nghiên cứu bỏ ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại