Type 054 Giang Khải I - To xác nhưng kém xa Gepard 3.9 Việt Nam

Tuấn Trung |

So với "người em" Type 054A Giang Khải II thì tàu hộ vệ tên lửa Type 054 Giang Khải I tỏ ra thua kém về mọi mặt.

Type 054 (Jiangkai I - Giang Khải I) là lớp tàu hộ vệ tên lửa đa năng được đóng cho Hải quân Trung Quốc nhằm thay thế cho vai trò của "người tiền nhiệm" Type 053H3 đã lạc hậu.

Chỉ có 2 chiếc Type 054 mang số hiệu 525 Ma'anshan và 526 Wenzhou được hoàn thành trước khi Trung Quốc sản xuất số lượng lớn phiên bản nâng cấp Type 054A hiện đại hơn.


Tàu hộ vệ tên lửa Maanshan số hiệu 525 thuộc Type 054

Tàu hộ vệ tên lửa Ma'anshan số hiệu 525 thuộc Type 054

Thiết kế của Type 054 dựa trên nguyên mẫu hình học khinh hạm La Fayette của Pháp, được tối ưu hóa cho việc tán xạ sóng radar nhằm nâng cao khả năng tàng hình.

Tàu còn được lắp đặt nhiều thiết bị điện tử có nguồn gốc từ Pháp mà Trung Quốc nhập khẩu trong thập niên 1980 sau đó sản xuất trong nước theo giấy phép. Những hệ thống này được cho là tương đương với La Fayette đời đầu.

Jiangkai I có lượng giãn nước 3.900 tấn; dài 134 m; rộng 16 m; mớn nước 5 m. Động cơ CODAD (diesel-diesel) gồm 4 máy SEMT Pielstick 16 PA6 STC công suất 5.700 kW mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 27 hải lý/h (50 km/h), tầm hoạt động 8.025 hải lý (14.900 km).


Tàu hộ vệ tên lửa Yi Yang thuộc Type 054A

Tàu hộ vệ tên lửa Yi Yang thuộc Type 054A

So với bản nâng cấp Type 054A, dễ dàng nhận thấy trang bị thiết yếu của Type 054 thua kém rất nhiều.

Radar cảnh giới đường không của Type 054 là loại Type 363S 2D (trên đỉnh tháp radar) chỉ phát hiện được mục tiêu từ khoảng cách tối đa 112 km, hơn nữa độ chính xác cũng không hoàn toàn đáng tin cậy.

Đặt cạnh đài nhìn vòng mảng pha 3D Fregat M2EM trên Type 054A (tầm trinh sát 300 km) hay Pozitiv-ME của Gepard 3.9 (tầm quét 150 km, theo dõi 40 mục tiêu và bám bắt 3 mục tiêu cùng lúc) thì rõ ràng năng lực của Type 363S không thể sánh bằng.

Radar tìm kiếm bề mặt của Type 054 là loại MR-36A dùng để dẫn đường cho tên lửa đối hạm, tầm hoạt động 150 km (so với 250 km ở chế độ chủ động và 450 km ở chế độ thụ động của Mineral-ME trên Gepard 3.9).

Như vậy, mặc dù mang YJ-83 có tầm bắn tới 180 km nhưng nếu tác chiến độc lập thì Type 054 không thể tận dụng hết tính năng của loại tên lửa chống hạm này.

Thêm vào đó, Gepard 3.9 với thiết bị điện tử cực nhạy kết hợp diện tích phản xạ radar thấp do kích thước nhỏ hơn cũng khiến cho ưu thế về tầm bắn của YJ-83 trên Type 054 bị xóa nhòa.


Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của Việt Nam trong quá trình chạy thử nghiệm tại Nga

Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của Việt Nam trong quá trình chạy thử nghiệm tại Nga

Điểm dễ nhận biết nhất của Type 054 đó là thay vì 12 ống phóng thẳng đứng HHQ-16 như trên Type 054A thì nó lại mang 8 đạn phòng không HHQ-7 tầm bắn tối đa 15 km.

So với 9M311 Sosna-R của hệ thống Palma trên Gepard 3.9, mặc dù tầm bắn ngắn cùng đầu đạn nhỏ hơn nhưng tốc độ cao (1.100 m/s so với 750 m/s) cũng như độ chính xác khi đánh chặn mục tiêu bay thấp (nhờ bám chùm laser) của 9M311 lại vượt trội hoàn toàn.

Tính năng này của 9M311 đặc biệt quan trọng, do nó có khả năng đánh chặn tên lửa đối hạm bay bám biển, điều mà HHQ-7 chưa bao giờ được đánh giá cao.

Giang Khải I chỉ nổi trội ở tác chiến tầm gần do pháo hạm Type 210 cỡ 100 mm có uy lực cũng như tầm bắn xa hơn AK-176M trên Gepard 3.9. Bên cạnh đó nó còn có năng lực tác chiến chống ngầm, điều mà phải đến cặp Gepard tiếp theo mới được bổ sung.

Nhưng nếu xảy ra kịch bản đối đầu 1:1, có thể khẳng định rằng phần thắng vẫn sẽ nghiêng nhiều hơn về phía Gepard 3.9 của Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại