Tướng Nga: Máy bay tàng hình Mỹ là trò hề

Chúc Sơn |

Dù được đánh giá rất cao về khả năng tàng hình nhưng chỉ cần hệ thống phòng không "cổ lỗ" của Nga cũng đủ để bắn hạ máy bay tàng hình Mỹ.

Máy bay tàng hình Mỹ chỉ là 'trò hề'

Thông tin này được trang Gazeta.ru dẫn lời tư lệnh lực lượng tên lửa phòng không Nga, Thiếu tướng Sergei Babakov cho biết.

Theo đó, các máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Northdrop hay tàng hình hình cơ F-117 Nighthawk của Lockheed Martin đều có thể bị hệ thống phòng không Nga phát hiện và tiêu diệt.

Tướng Sergei Babakov tự tin: “Khả năng tàng hình của các máy bay của Mỹ chỉ là quảng cáo. Thậm chí các hệ thống S-125 cũ của chúng tôi cũng có thể phát hiện được các máy bay chiến đấu tàng hình F-117 Nighthawk”.

Vị tướng Nga đã minh chứng cho lời tuyên bố của mình bằng cuộc chiến tại Nam Tư do NATO tiến hành.

Cụ thể, ngày 27/3/1999, trong cuộc chiến Nam Tư, một chiếc máy bay tàng hình F-117 Night Hawk của Mỹ đã bị bắn hạ bởi tổ hợp tên lửa phòng không cũ kỹ S-125.

Mảnh vở chiếc F-117 bị bắn hạ
Mảnh vở chiếc F-117 bị bắn hạ

Quả tên lửa 5V27D đầu tiên, vốn được sản xuất ở nhà máy Kirov nhân dịp Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1976, đã xé toang cánh máy bay và quả thứ hai đã bắn trung khung thân chiếc F-117.

Viên phi công Dale Zelko bật ghế phóng, rơi xuống và lẩn trốn trong một khu rừng rồi sau đó được trực thăng của đặc nhiệm Mỹ cứu thoát.

Khẩu đội trưởng Dragan Matich của khẩu đội tên lửa S-125 của Nam Tư bắn rơi chiếc F-117 kể lại:

“Ngày 24/3, chúng tôi rời đơn vị chiến đấu để tới bố trí tại vùng ngoại ô Belgrad. Ba ngày trôi qua tương đối êm ả. Chúng tôi công tác và sinh hoạt bình thường.

Nhiệm vụ chủ yếu là không để lọt vào radar của các máy bay dẫn đường và phát hiện radar hộ tống các máy bay của NATO.

Chiều ngày 27/3, toàn bộ đơn vị chúng tôi trực chiến. Các đồng đội ở bộ phận quan trắc thông báo phát hiện nhiễu mạnh và nguồn gây nhiễu đang di chuyển về phía chúng tôi.

Năm phút sau, bộ phận trinh sát vô tuyến cho biết mục tiêu đang tiến gần về phía khẩu đội chúng tôi. Tôi nhìn qua màn hình và thấy mục tiêu, tín hiệu rất rõ ràng. Tôi báo cáo mục tiêu đã được xác nhận và chúng tôi sẵn sàng tiêu diệt.

Đúng 17 giây sau khi lện “bắn” được phát đi, chiếc máy bay đã bị tên lửa của chúng tôi bắn hạ”.

Dragan Matich kể tiếp:

“Di chuyển càng nhanh thì cơ hội sống sót của khẩu đội càng cao. Trong 3 tháng Mỹ xâm lược, chúng tôi đã thay đổi vị trí 24 lần. Theo dõi chúng tôi là các máy bay phát hiện radar và dẫn đường cũng như các vệ tinh của Mỹ.

Chỉ cần 20 giây bộc lộ dưới radar của kẻ thù, coi như bạn đã chết. Những quả tên lửa Tomahawk hoặc bom có sức công phá lớn sẽ ngay lập tức bay đến. Chúng tôi lặng lẽ bắn và lặng lẽ di chuyển khỏi vị trí”.

Ngoài ra, Matich cho biết khẩu đội của ông còn tiêu diệt các máy bay tiêm kích F-16 và cả máy bay tàng hình B-2. Tuy nhiên, những chiếc máy bay này của Mỹ sau đó đã được kéo về các căn cứ nên không có bằng chứng.

Trên thực tế, ngay cả chiếc F-117 bị bắn rơi cũng được người Mỹ thông báo là bị lạc và sau đó đã quay trở về.

Tuy nhiên, người Serbia đã bác bỏ điều này. Bằng chứng là cabin của chiếc F-117 này đang được trưng bày trong bảo tàng không quân ở Belgrad.

Không có máy bay tàng hình thực sự

Theo phân tích của chuyên gia quân sự Nga Alexandr Yuryev, không có máy bay tàng hình thực sự.

Theo ông, các chuyên gia đã không sử dụng từ “vô hình” đối với việc ứng dụng công nghệ tàng hình. Làm cho máy bay hoặc tên lửa trở thành các phương tiện hiện đại vô hình là điều không thể.

Máy bay tàng hình B-2 của Mỹ.
Máy bay tàng hình B-2 của Mỹ.

Người ta chỉ có thể giảm độ bộc lộ của chúng và cũng chỉ là đối với trường radar mà thôi. Trong trường hợp này, điểm yếu chết người của máy bay tàng hình chính là chúng lại bị mắt thường của người sử dụng tên lửa phòng không vác vai tầm gần phát hiện.

Chúng cũng bị tên lửa có đầu tự dẫn vô tuyến của các tổ hợp tên lửa này phát hiện. Các tổ hợp phòng không vác vai hiện đại còn sử dụng các phương thức dẫn đường tổng hợp như quang, hồng ngoại, laser. Khi đó, công nghệ tàng hình không thể giúp ích gì.

Theo nhà phân tích quân sự Nga, thông thường, những chiếc tiêm kích và máy bay ném bom được chế tạo theo công nghệ tàng hình thường có hình dáng kỳ quặc nhưng lại có những tính năng tầm thường và giá cả đắt đỏ vẫn bị radar của Nga phát hiện và các tên lửa Nga tiêu diệt.

Tại chiến dịch “Bão táp sa mạc” (NATO tấn công Iraq năm 1991) đã giúp công nghệ tàng hình nổi tiếng toàn thế giới. Trong 6 tuần, những chiếc cường kích F-117 của Mỹ đã ném bom thủ đô Bagdad của Iraq.

Hàng đêm, những chiếc máy bay của Mỹ dễ dàng vượt qua mọi tuyến phòng không của Iraq, tiêu diệt các mục tiêu đã định và trở về căn cứ mà không chịu bất kỳ thiệt hại nào.

Điều này đã cho phép Phó Tư lệnh Không quân Mỹ John Welch tự hào nói rằng: “Công nghệ tàng hình đã đưa chúng ta trở lại với nguyên tắc nền tảng của chiến tranh mang tên sự bất ngờ”.

Đã có một thời, F-117 nhanh chóng trở thành một “nhãn hiệu” nổi tiếng của Mỹ kiểu như Cadillac hay Coca-Cola. Tuy nhiên, niềm kiêu hãnh của Mỹ mang tên F-117 đã bị hệ thống phòng không “cổ lỗ” của Nga bắn hạ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại