Tuần Châu mời Tàu ngầm Trường Sa đến thử nghiệm

Doanh nhân Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu gợi ý đưa tàu ngầm Trường Sa ra thử nghiệm trong cảng du thuyền tại Khu du lịch Tuần Châu.

Ngày 30/4, ông Nguyễn Quốc Hòa, người chế tạo tàu ngầm Trường Sa cho biết, sau khi bị cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình từ chối không cho phép ra vùng biển quê nhà thử nghiệm, ông và các cộng sự đang tính phương án đưa tàu ra vùng biển đảo Tuần Châu.

“Sau khi cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình từ chối cấp phép ra vùng biển địa phương thử nghiệm, tôi đã tiếp tục gửi đơn xin phép lên Bộ Quốc phòng. Gần đây, tôi nhận được lời mời của anh Tuyển. Tôi đang xem xét đưa tàu ra Tuần Châu thử nghiệm”, ông Hòa tiết lộ.

Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình đã họp bàn và quyết định từ chối việc cho phép tàu ngầm ra biển cách cảng Diêm Điền khoảng 12 km để thử nghiệm. Theo lãnh đạo tỉnh này, lý do khiến tàu ngầm Trường Sa bị từ chối cấp phép là phương tiện cứu hộ địa phương chưa đáp ứng được. Hiện tại, mọi công đoạn chuẩn bị để tàu ngầm Trường Sa ra biển đã hoàn tất.

Trao đổi trên Zing, bà Cao Thị Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết: “Chiều 22/4, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức cuộc họp để nghe các sở, ngành báo cáo về vấn đề này. Theo đó, mặc dù đã có văn bản báo cáo, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được chỉ đạo từ phía Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh quân khu".

Theo bà Hải, quan điểm của các cơ quan ở tỉnh Thái Bình là ủng hộ chương trình thử nghiệm của tàu ngầm Trường Sa. Tuy nhiên, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh lo sợ rằng, nếu thử nghiệm ở Thái Bình, tất cả các phương tiện, tàu cứu hộ của họ không thể đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia.

Mới đây, trả lời báo chí, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam cho biết, rất ủng hộ doanh nhân Hòa nghiên cứu chế tạo tàu ngầm Trường Sa 01.

Cụ thể, Bộ Quốc Phòng đã cử 2 đoàn công tác của Quân chủng về Thái Bình để đóng góp ý kiến cho ông Hòa trong quá trình đóng và thử nghiệm tàu ngầm. Theo ông Hiến, Trường Sa 01 không phải là một con tàu quân sự nên việc thử nghiệm nó nên giao cho một cơ quan dân sự, có thể là Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trao đổi với Đất Việt khi biết chuyện của Tàu ngầm Trường Sa, ông Phan Bội Trân, hậu duệ của nhà cách mạng Phan Bội Châu, người chế tạo tàu ngầm Yết Kiêu mách nước từ chính kinh nghiệm của ông trước đây từng thử nghiệm tàu ngầm Yết Kiêu.

Theo đó ông đã nhờ những cán bộ trong Học viện Hải quân TP.HCM cho thử trong bể thử nghiệm của họ.

Trong bể này, ông Trân được 20 chiến sĩ hải quân bơi xung quanh sẵn sàng giải cứu khi gặp sự cố. Trên bờ có một cần trục chờ sẵn để vớt con tàu lên khỏi bể nhanh nhất, và luôn túc trực một bác sĩ cấp cứu. Học viện Hải quân đã chuẩn bị cho ông Trân những điều kiện thử nghiệm tốt nhất.

“Theo quyết định của UBND tỉnh Thái Bình cũng đã mở ra cho ông Hòa một cơ hội, nếu được Hải quân vùng I giúp đỡ, việc thử nghiệm sẽ dễ dàng và an toàn hơn. Hải quân sẽ cử 4 tàu đi theo đội hình chữ nhật, cắm cờ thử nghiệm hoặc tập trận, các tàu thuyền đi qua sẽ tránh xa. Đồng thời chờ sẵn cạnh đó một tàu có cần cẩu lớn để sẵn sàng trục vớt tàu ngầm Trường Sa. Tôi nghĩ như vậy là an toàn nhất.”, ông Phan Bội Trân nhận định.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại