Tử huyệt của S-300

S-300 được đánh giá là tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, tử huyệt của nó không chỉ nằm ở bí mật về các tính năng kỹ chiến thuật.

Các tính năng kỹ chiến thuật của S-300 dù có tiên tiến đến đâu vẫn có thể bị khuất phục nếu chúng không được giữ bí mật. Khả năng này càng cao khi “kẻ thù” của S-300 không những nắm được các đặc điểm của nó mà còn có cơ hội luyện tập thường xuyên các phương án tác chiến với S-300 thật trước khi “thượng đài” trên chiến trường.

Hoa hồng có gai

Tất nhiên, khi xuất khẩu S-300 ra nước ngoài, người Nga phải tính tới các phương án “giữ miếng” cho mình. Các tổ hợp S-300PMU/PMU-1/PMU-2 (phiên bản xuất khẩu) không thể giống hoàn toàn các tổ hợp trang bị cho quân đội Nga như S-300PS/PM/F/V. Về mặt kỹ thuật, chắc chắn các chuyên gia vũ khí của các nước “đối thủ” của Nga đã, đang và sẽ nghiên cứu chi tiết từng chiếc ốc, màu sơn của S-300 để tìm ra điểm yếu của chúng.

Tuy nhiên, trong bài viết này tác giả không đề cập tới các tổ hợp S-300 trang bị trong quân đội Nga, mà xin nói về các tổ hợp S-300 xuất khẩu. Đặc biệt, các mục tiêu đang được quan tâm thời gian gần đây là các tổ hợp S-300 (có thể) đã được Nga chuyển giao cho Syria và nhiều khả năng tiếp theo là Iran. Tác giả cũng không đề cập tới yếu tố kỹ thuật mà xin nói về mặt chiến lược, chiến thuật trong những diễn biến liên quan tới S-300 thời gian qua. Những diễn biến này đã phần nào tiết lộ việc người Mỹ và người Israel đang đi tìm tử huyệt của S-300 (có thể là chuẩn bị cho phương án tiêu diệt S-300 ở Syria, và cả Iran).

S-300 là một trong những yếu tối ngăn cản Mỹ và Israel can thiệp vào Syria
S-300 là một trong những yếu tối ngăn cản Mỹ và Israel can thiệp vào Syria

Theo các thông tin công khai, cho tới nay Nga đã xuất khẩu S-300 sang 14 quốc gia gồm: Algeria, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Bulgaria, Trung Quốc, Croatia, Cyprus, Hy Lạp, Hungary, Kazakhstan, Slovakia, Ukraine, và Việt Nam. Trong số các quốc gia nói trên, Bulgaria đang trở thành tâm điểm bởi quốc gia Đông Âu này liên tục trở thành “chiến trường” giả định cho Mỹ và Israel. “Xứ sở hoa hồng” Bulgaria gia nhập NATO năm 2004 và chính thức “ngả vào vòng tay” Liên minh châu Âu (EU) năm 2007.

Đây là điều kiện rất tốt để Mỹ và đồng minh có thể áp sát Nga bằng các cuộc tập trận, thậm chí ém quân với số lượng lớn. Tuy nhiên, “giá trị” của Bulgaria không chỉ nằm ở vị trí địa lý mà còn nằm ở các loại vũ khí mà nước này sở hữu, vốn do Liên Xô và Nga sản xuất. Bên cạnh sức mạnh của riêng S-300, loại tên lửa này còn ẩn chứa những bí ẩn khi chúng phối hợp tác chiến với các hệ thống vũ khí khác như các tổ hợp phòng không tầm trung và tầm gần cùng các máy bay chiến đấu.

Bulgaria là một trong số 14 nước chính thức sở hữu S-300
Bulgaria là một trong số 14 nước chính thức sở hữu S-300

Bulgaria là một trong số ít các nước NATO hiện sở hữu đồng thời cả máy bay chiến đấu MiG-29 và các hệ thống tên lửa phòng không S-300. Cho đến nay, khả năng kết hợp giữa S-300 và MiG-29 vẫn là một bí mật và chỉ có thể phỏng đoán trên lý thuyết. Đây cũng chính là các loại vũ khí có thể đã hiện diện tại Syria, nơi đang được Mỹ và Israel đặc biệt “quan tâm”.

Theo thông tin từ phía Nga, Bulgaria hiện sở hữu 10 tổ hợp S-300 do Liên Xô sản xuất từ những năm 1970. Trong biên chế không quân Bulgaria hiện cũng có 14 chiếc MiG-29 và 4 chiếc MiG-29UB còn hoạt động. Tuy nhiên, con số trên thực tế có thể còn cao hơn bởi nguồn hàng lậu vẫn được chuyển sang Bulgaria. Điển hình là năm 2009, Nga đã bắt được 20 tấn vũ khí lậu gồm các bộ phận tên lửa S-300, S-75, S-125 và S-200 đang trên đường tới 4 nước, trong đó có Bulgaria. Những “miếng mồi” này đã khiến Mỹ và Israel để mắt tới Bulgaria thời gian qua và lấy đây làm “bãi tập” với các kịch bản chiến tranh khác nhau. Trong các cuộc tập trận, việc có được các tổ hợp S-300 cùng với những chiếc MiG-29 thật làm “quân xanh” chắc chắn sẽ giúp cho Mỹ và Israel rút ra những bài học quý giá và tìm ra phương án khắc chế.

Người bạn cơ hội

Quân đội Mỹ đã có mặt ở Bulgaria sau một thỏa thuận hợp tác quốc phòng đạt được giữa hai nước vào tháng 4/2006, hai năm sau khi Bulgaria gia nhập NATO. Mỹ hiện chỉ duy trì 2.500 quân tại Bulgaria song lại có quyền huấn luyện quân ở 4 căn cứ khác nhau trên đất nước này. Đặc biệt, theo thỏa thuận đạt được, Mỹ có toàn quyền sử dụng các căn cứ này của Bulgaria để thực hiện nhiệm vụ ở một nước thứ ba mà không cần sự ủy quyền đặc biệt từ phía Bulgaria. Hồi tháng 12/2012, Bulgaria từng yêu cầu Mỹ đưa quân thường trực tới đồn trú ở đất nước này nhằm tăng cường hợp tác quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria Anu Anguelov đã thảo luận với các quan chức Quốc phòng Mỹ về khả năng mở một căn cứ quân sự của Mỹ ở Novo Selo, nằm gần Sliven.

Là những đồng minh trong NATO, việc Mỹ và Bulgaria thường xuyên có các cuộc tập trận chung là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cuộc tập trận không quân chung vào năm 2011 trên đất Bulgaria đã khiến dư luận chú ý. Trong cuộc tập trận này, bên tấn công hay còn gọi là “quân đỏ” gồm nhiều cụm không quân tiêm kích hỗn hợp của Bulgaria và Mỹ. Theo kịch bản, “quân đỏ” có nhiệm vụ xuyên thủng tuyến biên giới giả định của “quân xanh” nằm trải trên hai khu vực dân cư và được phòng ngự bằng các máy bay tiêm kích (MiG-29) cùng các tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU (lấy từ đội hình không quân Bulgaria).

Máy bay vận tải C-130 của Mỹ trong một cuộc tập trận chung với Bulgaria năm 2012.
Máy bay vận tải C-130 của Mỹ trong một cuộc tập trận chung với Bulgaria năm 2012.

Trong cuộc tập trận này, Bulgaria đã điều 4 chiếc MiG-29 phiên bản 1 ghế ngồi và 2 chiếc MiG-29 phiên bản 2 ghế ngồi. Ngoài ra, Bulgaria còn điều thêm 4 chiếc MiG-21 phiên bản 1 ghế ngồi cùng 1 chiếc MiG-21 phiên bản 2 ghế ngồi tham gia tập trận. Mỹ khi đó đã điều 8 chiếc F-15C và một cặp F-15D của phi đội 493 “Grim Reaper” thuộc phi đoàn 48 đóng ở căn cứ Lakenheath (Anh). Khi đó, không ít ánh mắt đã hướng về phía Iran và đồn đoán khả năng cuộc tập trận này có kịch bản cho một cuộc tấn công Iran. Trong bối cảnh hiện nay, kinh nghiệm của cuộc tập trận có thể còn hữu ích nếu Mỹ và đồng minh tấn công Syria.

MiG-29 của không quân Bulgaria
MiG-29 của không quân Bulgaria

Israel không phải là thành viên khối NATO, song lại là một đồng minh chủ chốt của Mỹ. “Mối duyên” giữa Israel và Bulgaria đến muộn hơn khi phải chờ tới tháng 1/2012, hai nước mới chính thức ký kết 2 thỏa thuận hợp tác quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria là Anyu Angelov và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak khi đó là những người đặt bút ký các thỏa thuận này ở Tel Aviv.

Thỏa thuận thứ nhất cho phép hai nước tiến hành tập trận chung, trong khi thỏa thuận thứ hai xem xét khả năng mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng với việc hợp tác sản xuất và buôn bán vũ khí. Việc Israel “bỗng dưng” quan tâm tới Bulgaria có thể liên hệ với tình hình ở Syria. Israel đã từ lâu để ngỏ khả năng can thiệp quân sự vào Syria ngay từ khi tình trạng bất ổn tại nước này bùng phát hồi đầu năm 2011. Có nhiều lý do khiến Israel chưa dám “động thủ”, trong đó phải kể đến các loại vũ khí của Nga mà Syria nắm giữ.

Hôm 15/5, Chính phủ Bulgaria chính thức thông báo rằng không quân nước này sẽ tập trận chung với không quân Israel ngay tại Bulgaria. Theo kế hoạch, cuộc tập trận chung đầy bất ngờ giữa Israel và Bulgaria đã bắt đầu từ ngày 23/5. Cuộc tập trận kéo dài một tháng và dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 22/6 tới đây. Hồi tháng 6/2012, Israel cũng đã tiến hành một cuộc tập chung tương tự với Bulgaria.

Thủ tướng Bulgaria Boiko Borissov và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gặp nhau tháng 7/2011
Thủ tướng Bulgaria Boiko Borissov và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gặp nhau tháng 7/2011

Nhìn từ góc độ này, có thể thấy rõ việc Israel kết thân với Bulgaria là nhằm tìm ra một “quân xanh” lý tưởng. Có lẽ, Israel đã học Mỹ lấy Bulgaria làm bạn tập để rút kinh nghiệm. Thông qua Bulgaria, Israel sẽ có cơ hội tiếp cận các loại vũ khí tương tự như Syria và cả Iran sở hữu như S-300 hay các máy bay tiêm kích do Liên Xô và Nga sản xuất, trong đó có MiG-29. Điều này giúp Israel vừa có thể nắm được các đặc điểm về kỹ chiến thuật của S-300 và các máy bay tiêm kích Nga, lại vừa có điều kiện tập luyện đối đầu với vũ khí thật mà không phải “giả định”.

Hiện nay, ngoài Bulgaria, các nước NATO cũng sở hữu S-300 còn có Croatia, Hy Lạp và Slovakia. Trong số này, Croatia được cho là đã bán S-300, vốn “kiếm” được sau khi Liên Xô tan rã, cho một nước thứ ba. Có nguồn thì cho rằng Croatia đã chuyển S-300 cho Mỹ vào năm 2004, trong khi có nguồn lại nói Croatia bán S-300 cho Iran vào năm 2008. Hy Lạp thì được cho là sở hữu 2 tiểu đoàn S-300 với 12 xe phóng tên lửa và 96 quả tên lửa hiện bố trí trên đảo Crete. Còn lại Slovakia chỉ có một tiểu đoàn S-300 được kế thừa sau khi Tiệp Khắc tan rã vào năm 1993. Ngoài S-300, Slovakia cũng sở hữu 21 chiếc MiG-29, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 10 chiếc đang hoạt động.

Như vậy, ngoài Bulgaria, hiện chỉ còn Slovakia là quốc gia thành viên NATO sở hữu đồng thời cả S-300 và MiG-21. Nếu thời gian tới, Mỹ hay Israel tiếp tục kéo nhau tới tập trận ở Slovakia thì cũng không có gì là ngạc nhiên. Điều này chưa xảy ra cũng có thể bởi nguyên nhân một tiểu đoàn S-300 duy nhất của Slovakia đã “nghỉ hưu” từ lâu và không còn tác dụng cho Mỹ và Israel “nghiên cứu” trên thực địa. Với thực tế này, Bulgaria (với 10 tổ hợp S-300 và 18 chiếc MiG-29) chính là địa điểm khả thi nhất để Mỹ và Israel tìm ra tử huyệt của S-300 cũng như MiG-29, đặc biệt khi chúng phối hợp tác chiến với nhau.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại