Tu-22M3 - Sát thủ tàu sân bay của Hải quân Nga

ĐTN |

Tu-22M3 Backfire C là thế hệ thứ 3 của dòng máy bay ném bom chiến lược siêu âm dành cho hải quân Tu-22M Backfire.

Lịch sử ra đời của Tu-22M Backfire

Nguồn gốc của Tu-22M Backfire là từ Tu-22 Blinder, một máy bay ném bom chiến lược siêu âm của Liên Xô tương tự B-58 Hustler của Mỹ. Tuy nhiên, do Tu-22 Blinder có phần kém hơn so với B-58, vì vậy Liên Xô đã tìm kiếm một thiết kế khả thi hơn.

Cùng với sự thành công của mô hình cánh cụp cánh xòe trên Su-17, Su-24 và MiG-23, giúp máy bay có quãng đường cất cánh ngắn, bay hành trình tốt cũng như linh hoạt trong các dải tốc độ khác nhau và có khả năng bay ở độ cao thấp.

Sau nhiều nghiên cứu và tranh luận trong thời gian giữa những năm 1960, Tu-22M đã được định hình với thiết kế mới độc đáo hơn so với người tiền nhiệm.

Trong tháng 11/1967, Liên Xô đã tiến hành một chương trình phát triển toàn diện của Tu-22M với các yêu cầu sau. Máy bay có tốc độ tối đa từ 2.300 - 2.500 km/h, tầm bay 7.000 km, trang bị 3 tên lửa chống hạm siêu âm tầm xa Raduga Kh-22 (AS-4 Kitchen), tải trọng vũ khí là 24 tấn.


Tu-22 Blinder

Tu-22 Blinder

Phiên bản Backfire đầu tiên là nguyên mẫu máy bay ném bom Tu-22M0, sử dụng cánh cụp cánh xòe với cửa hút khí tương tự F-4 Phantom II, buồng lái thiết kế kiểu phi công ngồi cạnh nhau chứ không ngồi trước sau như Tu-22 Blinder.

Động cơ của Tu-22M0 là loại turbine phản lực Kuznetsov NK-144-22 có khả năng đốt nhiên liệu lần 2. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên được thực hiện vào ngày 30/8/1969, chỉ có 10 chiếc Tu-22M0 được chế tạo.


Tu-22M0 Backfire với cửa hút khí tương tự F-4 Phantom II

Tu-22M0 Backfire với cửa hút khí tương tự F-4 Phantom II

Trong những cuộc thử nghiệm, do Tu-22M0 chưa đạt được các yêu cầu đặt ra, trong đó độ bền kết cấu của cánh vẫn không đủ, dẫn đến tải trọng cất cánh giới hạn là 95 tấn. Mặc dù yêu cầu máy bay phải mang được 3 tên lửa Kh-22 nhưng Tu-22M0 chỉ mang được 1 quả duy nhất ở giá treo trung tâm.

Vì vậy các kỹ sư đã thiết kế lại và cho ra phiên bản Tu-22M1 Backfire A, trọng lượng máy bay giảm xuống khoảng 3 tấn, sải cánh dài hơn 1,5 m.

Tu-22M1 trang bị động cơ Kuznetsov NK-22 mới có lực đẩy mạnh hơn. Phía đuôi lắp tháp pháo điều khiển từ xa UKU-9A-502 với 2 pháo nòng đôi 23 mm GSh-23-2, 2 giá treo vũ khí BD-45K lắp ở 2 gốc cánh, mang được 2 tên lửa Kh-22 và tải trọng vũ khí hiệu quả là 12 tấn.

Tu-22M1 Backfire A bay lần đầu vào ngày 28/7/1971. Có tất cả 10 chiếc Tu-22M1 được chế tạo, bao gồm khung thân tĩnh thử nghiệm dưới mặt đất, 9 chiếc còn lại biên chế cho đơn vị AV-MF để huấn luyện làm quen máy bay mới.


Tu-22M1, mẫu này được trang bị động cơ mới và có tháp pháo điều khiển từ xa UKU-9A-502 lắp ở đuôi máy bay

Tu-22M1, mẫu này được trang bị động cơ mới và có tháp pháo điều khiển từ xa UKU-9A-502 lắp ở đuôi máy bay


Tháp pháo điều khiển từ xa UKU-9A-502 trang bị 2 pháo nòng đôi 23 mm GSh-23-2

Tháp pháo điều khiển từ xa UKU-9A-502 trang bị 2 pháo nòng đôi 23 mm GSh-23-2

Sau Tu-22M1, Liên Xô chế tạo mẫu sản xuất chính tên là Tu-22M2 Backfire B, nhẹ hơn Tu-22M1 Backfire A 1,3 tấn, tải trọng vũ khí lên đến 24 tấn và đã mang được cùng lúc 3 quả tên lửa Kh-22.

Tu-22M2 được trang bị radar định tầm cho tháp pháo PRS-3 Argon-2 và hệ thống kính ngắm quang điện tử. Radar tấn công PNA-B Robin/Down Beat có góc quét lên đến 300 độ, có thể phát hiện và theo dõi các mục tiêu mặt đất và mặt nước, hỗ trợ cho các tên lửa Kh-22.

Nguyên mẫu Tu-22M2 bay lần đầu vào ngày 7/5/1973, có hơn 200 chiếc Tu-22M2 được sản xuất chủ yếu cho Hải quân Liên Xô để đối phó với nhóm tàu sân bay Mỹ trong Chiến tranh Lạnh.


Tu-22M2 Backfire B, ngoại hình không khác gì Tu-22M1, thay đổi ở hệ thống điện tử hàng không bên trong

Tu-22M2 Backfire B, ngoại hình không khác gì Tu-22M1, thay đổi ở hệ thống điện tử hàng không bên trong

Tu-22M3 Backfire C

Đến cuối thập niên 1970, Liên Xô muốn trang bị động cơ mới NK-25 cho Tu-22M2, đồng thời thiết kế lại khí động học của nó và làm nhẹ hơn nữa để tăng độ linh hoạt trong khi bay, cũng như đạt được tầm bay xa hơn.

Kết quả là các kỹ sư đã cho ra đời mẫu Tu-22M3 Backfire C sử dụng cửa hút khí tương tự F-15 Eagle của Mỹ, do động cơ NK-25 cần nhiều không khí hơn để hoạt động hết công suất.

Khung thân máy bay chủ yếu làm từ titanium nên trọng lượng nhẹ hơn Tu-22M2. Cánh của Tu-22M3 có góc quét về sau lớn hơn 65 độ cho tốc độ bay nhanh hơn.

Cần tiếp nhiên liệu được thiết kế lại với mũi máy bay kéo dài thêm 0,8 m, tháp pháo điều khiển từ xa UKU-9A-502M trang bị 1 pháo nòng đôi GSh-23-2 thay vì 2 như ở Tu-22M2. Nguyên mẫu Tu-22M3 đầu tiên cất cánh ngày 20/6/1977.


Tu-22M3 Backfire C, dễ nhận thấy nhất ở cửa hút khí tương tự F-15 Eagle của Mỹ

Tu-22M3 Backfire C, dễ nhận thấy nhất ở cửa hút khí tương tự F-15 Eagle của Mỹ

Hệ thống điện tử hàng không của Tu-22M3 bao gồm ăng ten cảnh báo radar Avtomat 3, hệ thống gây nhiễu SPS-171/172 và AG-56. Tháp pháo điều khiển từ xa UKU-9A-502M được hỗ trợ bởi radar định tầm PSR-4KM Kripton (Box Tail) và kính ngắm quang điện tử.

Tu-22M3 cũng được lắp hệ thống phát hiện hồng ngoại L082 MAK-UL ở dưới bụng và lưng máy bay.


Tháp pháo điều khiển từ xa UKU-9A-502M trên Tu-22M3 chỉ trang bị 1 pháo nòng đôi GSh-23-2, phía trên tháp pháo là radar định tầm PSR-4KM Kripton (Box Tail)

Tháp pháo điều khiển từ xa UKU-9A-502M trên Tu-22M3 chỉ trang bị 1 pháo nòng đôi GSh-23-2, phía trên tháp pháo là radar định tầm PSR-4KM Kripton (Box Tail)

Radar tấn công PNA-B trước đó đã được thay thế bằng radar mới Leninets PNA-D, radar này có thể hoạt động ở chế độ Doppler để vẽ bản đồ địa hình và tránh va chạm khi bay thâm nhập ở độ cao thấp. Kính ngắm quang điện tử Groza OBP-15T cũng được sử dụng trên Tu-22M3.


Kính ngắm quang điện tử Groza OBP-15T lắp dưới mũi máy bay Tu-22M3

Kính ngắm quang điện tử Groza OBP-15T lắp dưới mũi máy bay Tu-22M3

Nhiệm vụ của Tu-22M3 chủ yếu là tấn công các hạm đội tàu sân bay Mỹ, vì vậy vũ khí chính của nó là 3 tên lửa chống hạm Kh-22 (AS-4 Kitchen) tầm bắn lên đến 600 km, mang theo đầu đạn thông thường nặng 1.000 kg hoặc đầu đạn hạt nhân 1.000 kT.

Các tên lửa được gắn ở 2 giá treo dưới gốc cánh và giá treo trung tâm máy bay thông qua giá phóng BD-45K.


3 tên lửa Kh-22 (AS-4 Kitchen) lắp trên Tu-22M3

3 tên lửa Kh-22 (AS-4 Kitchen) lắp trên Tu-22M3

Ngoài nhiệm vụ chống hạm, Tu-22M3 còn được sử dụng để tấn công mặt đất và tấn công hạt nhân.

Khoang bom của Tu-22M3 lắp được giá phóng quay MKU, mang 6 tên lửa chống hạm Kh-15 (AS-16 Kickback) có tầm bắn 300 km, tốc độ của tên lửa này lên đến Mach 5, có thể dùng để chống hạm, tấn công mặt đất hoặc chế áp phòng không đối phương, Kh-15 mang đầu đạn nặng 150 kg hoặc đầu đạn hạt nhân.


Giá phóng quay MKU mang 6 tên lửa chống hạm Kh-15 (AS-16 Kickback) trong khoang bom của Tu-22M3

Giá phóng quay MKU mang 6 tên lửa chống hạm Kh-15 (AS-16 Kickback) trong khoang bom của Tu-22M3


Khoang bom chứa 33 quả bom OFAB-250-270

Khoang bom chứa 33 quả bom OFAB-250-270


Tu-22M3 với 4 giá treo bom MBD3-U9-68, mỗi giá treo mang được 9 quả bom OFAB-250-270

Tu-22M3 với 4 giá treo bom MBD3-U9-68, mỗi giá treo mang được 9 quả bom OFAB-250-270

Tu-22M3 còn mang được các loại bom thông thường để ném rải thảm, 4 giá treo MBD3-U9-68 và khoang bom bên trong giúp nó mang được 69 bom 250 kg OFAB-250-270, hoặc 42 bom 500 kg OFAB-500M54, hoặc 8 bom 1.500 kg FAB-1500. Tải trọng vũ khí tối đa là 24 tấn.

Thông số kỹ thuật cơ bản của Tu-22M3

Phi hành đoàn: 4 người.

Dài: 42,4 m; Sải cánh: 34,28 m (Khi xòe ra ở góc 20 độ) hoặc 23,3 m (Khi cụp ở góc 65 độ); Cao: 11,05 m.

Trọng lượng rỗng: 58.000 kg; Trọng lượng cất cánh tối đa: 124.000 kg.

Động cơ: 2 động cơ turbine phản lực Kuznetsov NK-25 công suất 247,9 kN mỗi chiếc.

Trọng lượng nhiên liệu mang theo: 54.000 kg; Tốc độ tối đa: Mach 1,8; Tốc độ leo cao: 15 m/s.

Tầm bay: 6.800 km; Bán kính chiến đấu: 2.410 km; Trần bay: 13.500 m.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại