Trung - Triều ép Nhật tăng cường vũ trang?

Nhật Bản đang đẩy mạnh tiềm lực quốc phòng, tăng cường vũ trang nhằm phát triển thành một cường quốc “bình thường”.

Khi mà cả thế giới đang hồi hộp theo dõi vụ thử tên lửa của Triều Tiên vào tháng 12/2012 thì Nhật Bản đã đáp trả lại vụ thử tên lửa này bằng việc triển khai hệ thống phòng thủ trị giá 12 tỷ USD, bao gồm tên lửa đánh chặn PAC3 và tàu khu trục Aegis được trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 ở vùng đất liền Nhật Bản, quần đảo Okinawa và khu vực quanh Đông Hải và biển Nhật Bản. Đây chính là cơ hội cho Nhật Bản trình diễn khả năng quân sự mang tầm cỡ thế giới của mình.

Tuyến đường an ninh huyết mạch

Là một quốc gia biển, do luôn ở trong tình trạng thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên nên Nhật Bản phải bảo vệ an toàn tuyến đường biển của mình. Nhật Bản nhập khẩu 82% nhu cầu năng lượng dù đã có sự trợ giúp của năng lượng nguyên tử.

Nhật Bản phụ thuộc hoàn toàn vào 90% dầu thô và khí tự nhiên nhập khẩu từ Trung Đông và Đông Nam Á. Vì vậy, nước này sẽ bị ảnh hưởng rất lớn nếu như hai khu vực trên bất ổn định. Sự phụ thuộc vào nhập khẩu của Nhật Bản còn lan ra cả nguyên liệu thô như đồng và kẽm.

Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Mỹ đã cam kết đảm bảo an ninh tuyến đường biển của Nhật Bản như là một phần trong liên minh Mỹ - Nhật. Do đó, Nhật Bản đã tập trung tất cả nguồn lực vào phát triển kinh tế trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Nhật Bản đã có thể tự xây dựng lực lượng vũ trang của riêng mình. Mối quan hệ mật thiết với Mỹ cho phép Nhật Bản có thể điều chỉnh được quá trình tái vũ trang bằng cách hướng vào những “đối tượng” chung của hai nước như Liên Xô, Triều Tiên và thậm chí là cả Trung Quốc.

Trong Chiến tranh Lạnh, lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã chuyển từ lực lượng cảnh sát nội địa thành lực lượng quân sự với ngân sách quốc phòng đứng thứ 3 thế giới và trang bị vũ khí hiện đại.

Sự phụ thuộc của Nhật Bản vào nguồn năng lượng từ Trung Đông và Đông Nam Á đã buộc nước này phải tái khẳng định tầm quan trọng của Biển Đông và Ấn Độ Dương. Hơn nữa, Mỹ cũng đang tránh can dự vào các vấn đề khu vực, trong đó có tranh chấp biển đảo Trung - Nhật.

Sự thay đổi này cho thấy Mỹ không sẵn sàng can dự vào các vấn đề nhạy cảm ở khu vực dù Mỹ vẫn khẳng định rằng sẽ đứng về phía Nhật khi có xung đột thực sự xảy ra. Chính điều này đã làm cho Nhật Bản ý thức được rằng phải tự gánh trách nhiệm bảo vệ tuyến đường biển sống còn của mình đến Trung Đông đi qua Biển Đông.

Đâu là động lực?

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, dù chưa có mối đe dọa thực sự nào nhưng Triều Tiên đã thay thế Liên Xô và trở thành kẻ thù chủ yếu của Nhật Bản. Việc Triều Tiên liên tục thử tên lửa và phát triển chương trình hạt nhân đã thúc đẩy Nhật Bản triển khai vệ tinh trinh sát và khởi động chương trình tên lửa đạn đạo.

Nhật Bản đã có 16 đơn vị tên lửa Patriot và là nước duy nhất trên thế giới ngoài Mỹ sở hữu tên lửa đánh chặn tầm trung SM-3 được trang bị trên 4 tàu khu trục lớp Kongo. Nhật Bản cũng có kế hoạch nâng cấp tàu khu trục lớp Atago bằng việc trang bị thêm tên lửa SM-3 Block IIA.

Những công nghệ vũ khí hiện đại này đã cho thấy sự liên hệ chặt chẽ của Nhật Bản với mạng lưới phòng không của Mỹ. Điều này càng “buộc chặt” Nhật Bản vào hệ thống phòng thủ tập thể do Mỹ đứng đầu. Việc thay đổi chiến lược quốc phòng và nâng cấp từ Cục Phòng vệ lên Bộ Quốc phòng vào 2007 càng cho thấy quyết tâm tăng cường vũ trang, khả năng quốc phòng của Nhật Bản.

Trung - Triều ép Nhật tăng cường vũ trang?
Nhật Bản cảnh giác Triều Tiên

Một động lực quan trọng khác thúc đẩy Nhật Bản tăng cường khả năng quốc phòng chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tham vọng trên biển cùng với việc hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc thách thức nghiêm trọng khả năng kiểm soát các đảo và vùng biển của Nhật Bản và đã dẫn đến những vụ đụng độ trên biển như xung đột quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bắt đầu vào năm 2010 hay những tranh chấp với Hàn Quốc về chủ quyền quần đảo Takeshima/Đốc Đô.

Những tranh chấp lãnh thổ này đã gây ảnh hưởng kinh tế hết sức tiêu cực khi Trung Quốc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản và những cuộc biểu tình bạo lực nhằm vào các cơ sở kinh doanh của Nhật Bản tại Trung Quốc. Do đó, Nhật Bản phải đa dạng hóa chiến lược kinh tế bằng việc hướng tới thị trường Đông Nam Á nhiều hơn.

Vào cuối năm 2010, Nhật Bản đã đáp trả lại hành động gây căng thẳng của Trung Quốc bằng cách cho ra đời học thuyết quân sự mới mang tên “Phòng thủ chủ động” nhằm mục đích ngăn chặn linh hoạt và lâu dài, đồng thời khai thác được công nghệ vũ khí hiện đại.

Vì vậy, trong thời gian qua, Nhật Bản đã tăng cường hiện diện trong khu vực qua các hoạt động như tham gia vào diễn tập quân sự chung ở Biển Đông và phát triển khả năng đổ bộ đường biển cùng với các đơn vị lính thủy đánh bộ của Mỹ.

Những hoạt động này nhằm bảo vệ những quần đảo tranh chấp và tuyến đường biển quan trọng và cũng đồng nghĩa với việc Nhật Bản phải gánh trách nhiệm vốn được giao cho Hải quân Mỹ từ sau Chiến tranh Thế giới lần 2.

Trung - Triều ép Nhật tăng cường vũ trang?
Quan hệ Trung - Nhật căng thẳng.

Dù liên tục tăng cường khả năng quân sự nhưng Nhật Bản vẫn chưa sở hữu được khả năng triển khai sức mạnh như tàu sân bay hay tàu ngầm nguyên tử. Mỹ đã khuyến khích Nhật Bản sử dụng nhiều hơn các loại vũ khí triển khai sức mạnh mới như máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-767.

Tuy nhiên, Nhật Bản cũng chưa muốn ngay lập tức có được khả năng triển khai sức mạnh. Thay vào đó, Nhật Bản muốn dần phát triển khả năng này trong khuôn khổ liên minh vì điều đó sẽ giúp nước này tham gia quân sự nhiều hơn vào các vấn đề khu vực, trong đó có tranh chấp trên biển.

Thay đổi Hiến pháp

Nhật Bản tái vũ trang đã được chính thức hóa qua việc sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp. Đây là thay đổi quan trọng trong việc cân bằng địa chính trị ở Đông Á và Nhật Bản sẽ phải chịu ảnh hưởng chính trị từ những nước mà trước đó muốn ngăn cản Nhật Bản bình thường hóa các hoạt động quân sự.

Cuộc xâm lược quân sự của Nhật Bản trong quá khứ vẫn còn gây ám ảnh trong dư luận ở nhiều nước trong khu vực. Đặc biệt, để đáp lại hành động tăng cường quân sự của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tăng cường khả năng Hải quân và triển khai các loại vũ khí như tên lửa hành trinh Hyunmoo 3C có tầm bắn bao phủ cả nước Nhật.

Những lo ngại về việc Nhật Bản tăng cương quân sự lại càng được đẩy lên cao khi mà Philippines đã cam kết ủng hộ Nhật Bản tăng cường khả năng quốc phòng như một cách thức để chống lại ảnh hưởng đang ngày càng lớn của Trung Quốc.

Khi mà những động thái của Trung Quốc tiếp tục làm các nước trong khu vực hoang mang thì một số nước châu Á sẽ khuyến khích việc tăng cường khả năng quân sự của Nhật Bản như là một biện pháp để chống lại Trung Quốc.

Chính điều đó sẽ giúp Nhật Bản tăng cường ảnh hưởng quân sự ở nước ngoài và hướng tới việc bình thường hóa hoàn toàn các hoạt động về quân sự.

Có thể nói, trong hơn 6 thập kỷ qua, dù phải chấp nhận sự hạn chế về mặt quân sự nhưng trong thời điểm hiện nay, an ninh khu vực và các mối quan tâm chính trị đã thúc đẩy Nhật Bản tìm cách dỡ bỏ những hạn chế này. Bên cạnh đó, mối quan hệ đồng minh giữa Nhật Bản và Mỹ cũng tạo điều kiện cho quá trình phát triển quân đội của nước này.

Không chỉ vậy, việc Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân đội cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận trong nước. Dù gây lo ngại một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng quá trình tái vũ trang quân đội của Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng quốc phòng sẽ vẫn tiếp tục.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại