Trung Quốc “đè bẹp” Nhật - Ấn về tàu ngầm và tàu khu trục

Nhật Nam |

Với những ràng buộc về chính sách quốc phòng cũng như hạn chế về mặt công nghệ, Nhật Bản và Ấn Độ đã để Trung Quốc “qua mặt” trong lĩnh vực phát triển tàu khu trục và tàu ngầm.

Ngày 25/3/2015, Hải quân Nhật Bản đã chính thức nhận chiến hạm Izumo, trong khi đó Hải quân Ấn Độ cũng chuẩn bị triển khai trạm đầu tiên trong 32 trạm radar giám sát bờ biển (CSR), đồng thời phân bổ ngân sách đóng mới 7 tàu hộ vệ và 6 tàu ngầm hạt nhân.

Đều là những cường quốc quân sự ở khu vực châu Á, sức mạnh Hải quân Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc thường được mang ra so sánh. Vậy trong ba cường quốc trên, nước nào có lực lượng hải quân hùng hậu nhất?

Biên đội tàu hải quân Nhật Bản

Biên đội tàu Hải quân Nhật Bản

Gần đây trong một bài bình luận, tạp chí quân sự Jane's Defence Weekly của Anh cho rằng, năm 2015 sức mạnh của Hải quân Trung Quốc lần đầu tiên sẽ vượt qua Nhật Bản.

Báo cáo cho biết, hiện nay Hải quân Trung Quốc có trong biên chế khoảng 235.000 quân, 56 tàu ngầm (một số nguồn cho rằng trên 60 chiếc), 79 tàu chiến lớn và 468 máy bay các loại.

Trong tay họ có những khí tài nổi bật như tàu sân bay Liêu Ninh (CV-16) và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2 (CSS-NX-4).

Trong khi đó, Hải quân Nhật Bản có khoảng 40.580 quân, 18 tàu ngầm, 120 tàu chiến và 339 máy bay chiến đấu các loại.

Nổi bật nhất là khu trục hạm chở trực thăng DDH-183 Izumo có khả năng mang theo tiêm kích tàng hình F-35B và 2 tàu lớp DDH-181 Hyuga nhỏ hơn.

Còn Hải quân Ấn Độ có khoảng 67.000 quân nhân thường trực, 170 tàu chiến đang hoạt động, 15 tàu ngầm và hơn 250 máy bay chiến đấu thuộc không quân hải quân.

Trang bị nổi bật nhất hiện có của nước này là 2 tàu sân bay, 1 chiếc thuộc dạng tầm trung theo chuẩn Nga và 1 chiếc hạng nhẹ mua của Anh.

Tàu sân bay INS Vikramaditya của Hải quân Ấn độ
Tàu sân bay INS Vikramaditya của Hải quân Ấn độ

Tuy nhiên Jane's Defence Weekly cho rằng, sự so sánh này nhằm mục đích xác định tương quan lực lượng và thực lực chiến đấu Trung - Nhật - Ấn, và trong so sánh phương Tây đã cố tình “tâng bốc” sức mạnh của hai bên, nhằm mượn cớ để tăng ngân sách quốc phòng.

Sức mạnh của các tàu khu trục

Hải quân Nhật Bản hiện được biên chế 6 tàu khu trục trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, còn hải quân Trung Quốc có 5 tàu khu trục Type 052C, 1 khu trục hạm Type 052D và 2 khu trục hạm Type 051C.

Ngoài ra, trong năm 2015, Bắc Kinh đã có kế hoạch tăng cường thêm 1 khu trục hạm Type 052C và 3 khu trục hạm Type 052D.

Khu trục hạm Lan Châu thuộc Type 052C của Trung Quốc
Khu trục hạm Lan Châu thuộc Type 052C của Trung Quốc

Mặc dù chất lượng có thể không bằng, nhưng hiện tại số lượng khu trục hạm “Aegis” Trung Quốc đã gấp 1,5 lần Nhật Bản.

Tính năng của khu trục hạm Type 051C còn nhiều yếu kém nên 2 chiếc loại này không được tính đến. Trình độ tương đương chỉ được so sánh giữa thế hệ khu trục hạm Type 052C, 052D với khu trục hạm lớp Kongo và Atago của Hải quân Nhật Bản.

Khu trục hạm Type 052C, 052D của Trung Quốc đều có lượng giãn nước khoảng 7.000 tấn. Trong khi đó, lớp Kongo có lượng giãn nước khoảng 9.485 tấn còn Atago lên đến gần 10.000 tấn.

Tuy số lượng đều là 6 chiếc, nhưng tính tổng tải trọng thì khu trục hạm “Aegis Trung Hoa" vẫn còn kém xa so với 6 tàu cùng thế hệ của Nhật Bản.

Khu trục hạm Atago của Hải quân Nhật Bản
Khu trục hạm Atago của Hải quân Nhật Bản

Về tính năng tác chiến, các chuyên gia quân sự Hàn Quốc nhận định, khu trục hạm Aegis của Nhật Bản vượt trội về khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, tuy nhiên năng lực tấn công bằng tên lửa hành trình tầm xa của Hải quân Trung Quốc lại hơn hẳn.

Nhật Bản dù đủ sức chế tạo những khu trục hạm Aegis kiểu Mỹ, nhưng những chế ước của bản “Hiến pháp hòa bình” khiến Nhật không thể trang bị cho chúng vũ khí tấn công mặt đất tầm xa là tên lửa hành trình Tomahawk.

Sự vượt trội về hệ thống Aegis cũng chỉ giúp chiến hạm Nhật mạnh hơn về khả năng phòng thủ.

Vào tháng 8/2014, Hải quân Ấn Độ chính thức đưa vào biên chế khu trục hạm Kolkata, xét về tổng thể thì không bằng chiến hạm 2 quốc gia kia, tuy nhiên trên một số phương diện kỹ thuật và khả năng tác chiến thì Kolkata có thể vượt qua Type 052D của Trung Quốc.

Tàu khu trục Kolkata của Hải quân Ấn độ

Tàu khu trục Kolkata của Hải quân Ấn Độ

Kolkata chú trọng tác chiến chống ngầm, trên tàu có 2 hangar, mang được 2 trực thăng chống ngầm HAL Dhruv do Ấn độ tự nghiên cứu chế tạo (Type 052D chỉ mang được 1 trực thăng Ka-28 nhập khẩu từ Nga).

Xét tổng thể, khu trục hạm Trung Quốc có tính năng công - thủ toàn diện hơn. Việc sở hữu tên lửa hành trình DH-10 có tầm bắn 2.000 km khiến chúng có khả năng tấn công mặt đất rất mạnh, vượt trội hoàn toàn các đối thủ.

Khả năng tấn công phủ đầu từ tàu ngầm

Khả năng tấn công phủ đầu, năng lực hoạt động tầm xa và uy lực răn đe của tàu ngầm Trung Quốc được đánh giá vượt trội rất nhiều so với Ấn Độ và Nhật Bản.

Bản “Hiến pháp hòa bình” khiến cho Nhật không thể sở hữu tàu ngầm và đầu đạn hạt nhân, mặc dù nước này sở hữu trình độ công nghệ hạt nhân tiên tiến nhất thế giới.

Những hạn chế này cũng khiến Tokyo không thể phát triển vũ khí mang tính chất tấn công, nên họ không có tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.

Tàu ngầm Soryu của Nhật Bản tuy sử dụng động cơ AIP tiên tiến nhưng chúng là tàu ngầm động cơ thông thường, phạm vi và thời gian tác chiến có hạn. Với việc chỉ được trang bị khả năng chống hạm và chống ngầm nên tàu ngầm Nhật Bản chỉ có tính năng phòng thủ trên biển.

Tàu ngầm Soryu của Hải quân Nhật Bản
Tàu ngầm Soryu của Hải quân Nhật Bản

Ngược lại, Trung Quốc sở hữu hạm đội tàu ngầm đông đảo khoảng 60 chiếc, bao gồm cả tàu ngầm hạt nhân và thông thường.

Hơn nữa, PLA không chỉ có tàu ngầm hạt nhân tấn công mà còn có tàu ngầm hạt nhân chiến lược với khả năng răn đe cực lớn bằng tên lửa đạn đạo JL-2 và tên lửa hành trình DH-10.

Về phía Ấn Độ, nước này mới hạ thủy tàu ngầm hạt nhân quốc nội INS Arihant năm 2009.

Nhưng tàu ngầm này có tính năng tác chiến không cao và chưa được xếp vào thế hệ tàu ngầm chiến lược do lượng giãn nước thấp và Ấn Độ chưa chế tạo được tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ dưới nước.

Arihant chỉ được trang bị 12 tên lửa đạn đạo tầm ngắn K-15 (Bo5) tầm bắn 700 km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nặng 1 tấn. Trong tương lai, tàu có thể trang bị tên lửa đạn đạo tầm trung K-5 có tầm phóng 1.500 km.

Ngoài ra, Ấn Độ còn bỏ 980 triệu USD thuê chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược K-152 Nerpa lớp Akula II của Nga (tên Ấn là INS Chakra) trong vòng 10 năm.

Hiện người Ấn tiếp tục hỏi thuê thêm chiếc thứ 2 thuộc lớp Kashalot (dự án 971) của Nga, đồng thời muốn bỏ tiền cho Nga hoàn thành nốt 50% chiếc Irbis (lớp Akula I).

Tàu ngầm INS Chakra/Akula II của Hải quân Ấn Độ
Tàu ngầm INS Chakra/Akula II của Hải quân Ấn Độ

Tuy nhiên, dù New Dehli có thuê thêm mấy chiếc, họ cũng chỉ sử dụng xác tàu bởi không có tên lửa đạn đạo liên lục địa thì nó không khác gì một cái thùng khổng lồ mà vô dụng.

Như vậy, Trung Quốc vượt trội hoàn toàn Ấn Độ và Nhật Bản trên lĩnh vực tấn công từ tàu ngầm, đây là một lợi thế rất lớn trong tác chiến biển xa và khả năng tấn công phủ đầu.

Tóm lại, khoảng cách về tàu ngầm, tàu khu trục của Tokyo và New Dehli còn kém rất xa Bắc Kinh, khoảng cách này chỉ có thể được san lấp nếu Nhật Bản sửa đổi bản “Hiến pháp hòa bình”.

Nhưng dù có được cởi trói hoàn toàn thì Tokyo cũng phải cần ít nhất 10 năm để trang bị khả năng tấn công cho hải quân nước mình.

Đón xem phần 2: Nhật Bản không tàu sân bay vẫn khiến Trung - Ấn dè chừng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại