Theo thông tin trên People’s Daily thì các bức ảnh này do hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc công bố và sau đó được dẫn lại ở một số website (như mil.huanqiu.com).
Loạt ảnh đã ghi lại các giai đoạn khác nhau của cuộc tấn công, trong đó có vẻ có tới 3 đầu đạn tên lửa khác nhau nổ trúng hoặc gần chiếc trực thăng.
Theo tạp chí Defense Aerospace (trụ sở tại Pháp), không có cách nào để xác minh những bức ảnh này, tuy nhiên, khi xâu chuỗi chúng lại với nhau thì có chút logic.
Mức độ hư hại của chiếc trực thăng trong bức ảnh cuối cùng (hình trên) khá lớn, ngọn lửa đã lan tới động cơ và cả khung máy bay.
Những bức ảnh còn lại cho thấy các vụ nổ khác, có thể là các đợt tấn công khác nhau hoặc các góc chụp khác nhau của cùng 1 đợt tấn công.
Trong phần chú thích của các bức ảnh, Xinhua viết: “Thật ngạc nhiên, chiếc máy bay không bị rơi xuống mà tiếp tục bay và tẩu thoát nhanh chóng. Cuối cùng, nó hạ cánh an toàn xuống căn cứ không quân ở Syria”.
Trong hình ảnh này, có thể thấy đường đi của tên lửa qua vệt khói phía sau.
Defense Aerospace cho biết, một độc giả sau khi xem loạt ảnh này đã phát hiện có một số hình ảnh từng xuất hiện trong đoạn video được công bố hồi tháng 11/2013, trong đó ghi lại cảnh một chiếc trực thăng Mi-8 bị hư hại trong quá trình tác chiến.
Theo xác minh của Defense Aerospace, đoạn video đó thực chất là video quảng cáo của một công ty Ukraine có tên là Motor Sich.
Công ty này chuyên sản xuất động cơ cho trực thăng Mi-8 và đã đăng tải đoạn video quảng cáo của mình trên You Tube.
Nội dung đoạn video là về một chiếc trực thăng Mi-8 của Syria bị trúng tên lửa vác vai trong thời kỳ đầu của cuộc nội chiến.
Đoạn video quảng cáo của Motor Sich
Song Defense Aerospace nhận định, đoạn video không cho thấy hình ảnh cận cảnh của chiếc trực thăng bị trúng tên lửa.
Ngoài ra, những điểm tương tự trong đoạn video này với các bức ảnh mà Xinhua công bố cũng chưa đủ để đưa ra kết luận cuối cùng rằng việc trực thăng Mi-8 bị trúng tên lửa ở Syria lần này là không có thật.
Nga bắt đầu khởi động các hoạt động không kích tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria từ ngày 30/9, sau khi nhận được đề nghị từ phía chính quyền Tổng thống Assad và được Quốc hội Nga thông qua.
Theo trang tin Lenta, để phục vụ cho chiến dịch này, Nga đã triển khai tại sân bay Hmaymeen ở Latakia (Syria) hàng chục máy bay chiến đấu Su-30SM, Su-24M, Su-34, 12 Su-25. Ngoài ra còn có nhiều trực thăng Mi-24 cùng Mi-8.
Trực thăng Mi-8 từng là biểu tượng thành công, là niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Đây cũng là một trong những trực thăng được sản xuất nhiều nhất trên thế giới với hơn 12.000 đơn vị được sản xuất, hoạt động trên khoảng 110 quốc gia.
Điều đáng lưu ý là trong bài viết, Xinhua không khẳng định trực thăng Mi-8 là của quân đội Nga mà chỉ đề cập rằng nó là trực thăng do Nga sản xuất.
Dưới đây là loạt ảnh "Trực thăng Nga hạ cánh an toàn sau khi bị tấn công ở Syria" do Xinhua công bố: